Chính phủ hiện có 4 nữ Bộ trưởng, trưởng ngành, 11 nữ Thứ trưởng

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Sau nhiều năm thực hiện chiến lược về bình đẳng giới, tỉ lệ phụ nữ là lãnh đạo ngày càng cao, tham gia làm kinh tế ngày càng nhiều, tỉ lệ nữ giới có học vấn cao tăng dần theo từng năm…

Kế thừa những kết quả đạt được của Chiến lược 2011-2020, Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đề ra 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể.

Sau 1,5 năm thực hiện Chiến lược 2021-2030, các ban ngành đã đạt được nhiều thành tích khả quan.

Tỉ lệ nữ lãnh đạo ngày càng cao

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 7, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 14/30, đạt 46,6%. Trong đó có 4 nữ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 11 nữ Thứ trưởng và tương đương.

So với cuối năm 2020, số lượng và tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ tăng 3 cơ quan, tương đương với 10%. Như vậy, tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo nữ đã có sự tiến bộ vượt bậc so với năm 2020.

Theo số liệu đầu nhiệm kỳ 2021-2025 của Chính phủ, tỉ lệ UBND cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm gần 37,7%; ở cấp huyện là gần 31,8%, cấp xã là gần 25%.

Chính phủ hiện có 4 nữ Bộ trưởng, trưởng ngành, 11 nữ Thứ trưởng - 1

Bà Đào Hồng Lan là Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ đương nhiệm (Ảnh: Quốc Chính).

Theo danh mục xếp hạng của Liên minh nghị viện thế giới (IPU), tỉ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội của Việt Nam tính đến tháng 7/2022 xếp hạng thứ 60/193 quốc gia, cao hơn 14 bậc so với thời điểm tháng 12/2020.

Phụ nữ làm kinh tế ngày càng nhiều

Theo số liệu thống kê năm 2021, tỉ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 43,4%. So với năm 2020, tỉ lệ lao động nữ làm công hưởng lương của nữ tăng nhẹ 0,2%.

Đặc biệt, theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số liệu tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 đạt 27,2%. Con số này đã vượt qua mục tiêu Chiến lược quốc gia đến năm 2025 (27%).

Báo cáo chỉ số nữ doanh nhân do Mastercard công bố năm 2021 cũng cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đạt 26,5%, đưa Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất, là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong top 10 quốc gia có tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (nơi chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 40% GDP, tạo việc làm cho hàng triệu lao động) là khu vực chủ yếu do nữ làm chủ.

Phụ nữ bị bạo hành ngày càng giảm

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, năm 2021 có 4.454 người bị bạo lực gia đình được phát hiện và được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản (năm 2020 là 7.485 người); 3.614 người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được tư vấn, tham vấn (năm 2020 là 4.700 người).

Chính phủ hiện có 4 nữ Bộ trưởng, trưởng ngành, 11 nữ Thứ trưởng - 2

Số vụ bạo hành phụ nữ đang giảm dần (Ảnh minh họa).

Báo cáo của Chính phủ đánh giá tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn diễn ra khá phức tạp tại một số địa phương. Trong đó có những địa phương xảy ra số vụ bạo lực rất cao như Hà Nội (136 vụ), Hòa Bình (116 vụ)… Tuy nhiên, dựa trên con số tổng hợp tình hình cả nước thì số vụ phụ nữ bị bạo lực đang ngày càng giảm.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn

Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉ lệ tử vong mẹ (tỷ suất mắc tai biến sản khoa)/100.000 ca sinh trung bình năm 2019 là 46/100.000 (Chỉ tiêu này được công bố 10 năm/lần nên không có số liệu năm 2021).

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đặt mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030.

Trong thời gian qua, ngành y tế đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ ngay từ hộ gia đình và cộng đồng để thực hiện mục tiêu trên.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cũng đặt mục tiêu giảm tỉ suất sinh ở vị thành niên từ 23 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống 18/1.000 vào năm 2025 và dưới 18/1.000 vào năm 2030. Theo kết quả điều tra biến động dân số, tỉ suất sinh ở vị thành niên năm 2020 là 22,9/1.000 và năm 2021 là 17,7/1.000, đã đạt chỉ tiêu đến năm 2030.

Tỷ lệ nữ giới có học vấn cao ngày càng lớn

Theo số liệu thống kê năm 2021, tổng số học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp gần 1.571.000 người, trong đó nữ là hơn 542.000 người, chiếm 34,5% (tăng 2,9% so với năm 2020).

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đặt ra mục tiêu tỉ lệ nữ thạc sĩ không dưới 50% (từ năm 2025 trở đi), tỉ lệ nữ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Chính phủ hiện có 4 nữ Bộ trưởng, trưởng ngành, 11 nữ Thứ trưởng - 3

Nữ giới có học vấn cao ngày càng nhiều (Ảnh: Hutech).

Hiện nay, chỉ tiêu này chỉ được tổng hợp 5 năm/lần nên chưa có số liệu. Tuy nhiên, kết quả năm 2019 cho thấy, tỉ lệ nữ thạc sỹ là 44,2%, tỉ lệ nữ tiến sỹ là 28%, xu hướng tỉ lệ nữ tham gia các bậc học cao ngày càng tăng. Từ cơ sở này, Bộ LĐ-TB&XH nhận định khả năng các chỉ tiêu này sẽ đạt mục tiêu vào năm 2025 và 2030.

Vai trò của phụ nữ ngày càng quan trọng

Đánh giá chung về kết quả thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Chính phủ nhận định khoảng cách giới trong các lĩnh vực nói chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận.

Phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đều có kết quả tốt hơn so với năm 2020, trong đó có 6/20 chỉ tiêu cơ bản đã đạt mục tiêu đến năm 2025; 1/20 chỉ tiêu đã đạt một phần và 13/20 chỉ tiêu phấn đấu đạt vào năm 2025.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.

Tùng Nguyên