Chế độ BHTN, BNN ra sao khi bị suy giảm sức lao động lần 2?
(Dân trí) - Bạn đọc Trần Oanh (ngụ quận Gò Vấp) thắc mắc, 3 năm trước, tôi đã bị TNLĐ và được giải quyết chế độ nhưng nay vết thương cũ tái phát và bị nặng hơn, phải xử lý thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư, TPHCM), theo khoản 1 Điều 47 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về giám định mức suy giảm khả năng lao động thì người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe; Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định.
Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Người sử dụng lao động bồi thường đối với người lao động bị tai nạn theo từng lần và theo nguyên tắc sau: lần thứ nhất thì căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động trong lần khám đầu.
Từ lần thứ hai trở đi thì căn cứ vào mức suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.
Do vậy, trường hợp bạn đọc thắc mắc được hưởng chế độ tai nạn lao động theo phần chênh lệch mức suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.