Nghệ An:

Hướng dẫn thủ tục giải quyết bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Vĩnh Khang

(Dân trí) - Việc giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với người lao động có giao kết hợp đồng gồm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động.

Nằm trong chuỗi hoạt động truyền thông chính sách BHXH hưởng ứng Tháng Công nhân, ngày 12/5, tại cuộc đối thoại chính sách với doanh nghiệp, BHXH Nghệ An thông tin cụ thể nội dung hướng dẫn thực hiện các thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với người lao động.

Các thủ tục do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện, theo cách thức nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh hoặc nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (tại địa chỉ http://dichvucong.nghean.gov.vn).

Hướng dẫn thủ tục giải quyết bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp  - 1

BHXH tỉnh Nghệ An tổ chức đối thoại về chính sách với các doanh nghiệp trên địa bàn (Ảnh: N.Dương).

Theo hướng dẫn của Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, cá nhân hoặc doanh nghiệp thực hiện thủ tục qua 3 bước.

Bước 1: Người sử dụng lao động nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bước 2: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ. Nếu không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

Bước 3: Nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ của Sở, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người sử dụng lao động.

Hướng dẫn thủ tục giải quyết bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp  - 2

Việc đảm bảo các chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những giải pháp để người lao động gắn bó với doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Bùi Trọng Quân).

Theo Phó giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An - ông Lê Viết Thức, các chế độ người lao động được thụ hưởng khi giải quyết bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm:

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động (theo quy định tại Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động) khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên; Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi; Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chế độ hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp áp dụng điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

Chế độ hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động áp dụng với người lao động đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp; Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.

Chế độ hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng được bảo hiểm chi trả khi người lao động được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động; suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Lãnh đạo BHXH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, người lao động, sử dụng lao động không phải chịu bất cứ khoản phí, lệ phí nào khi thực hiện các thủ tục giải quyết bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.