1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hà Nam:

Chăm lo đời sống lao động nữ tại các khu công nghiệp

Đức Văn

(Dân trí) - Việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của lao động nữ đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Theo thống kê, tỉnh Hà Nam hiện có 7 khu công nghiệp với hơn 70.000 công nhân lao động, trong đó lao động nữ chiếm gần 75%.

Để đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, giúp lao động nữ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở luôn quan tâm sát sao đến việc cải thiện điều kiện làm việc, giải quyết những khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho lao động nữ.

Chăm lo đời sống lao động nữ tại các khu công nghiệp - 1

Các Công ty, tổ chức Công đoàn ở Hà Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho các lao động nữ.

Chị Nguyễn Thị Loan là công nhân Công ty TNHH May Kim Bình (TP Phủ Lý). Hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn. Chồng mất sớm, chị nuôi dạy 2 con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Chia sẻ với hoàn cảnh của chị, lãnh đạo công ty cùng tổ chức công đoàn luôn tạo điều kiện làm việc tốt nhất cũng như các chế độ, quyền lợi đều được đảm bảo đầy đủ để chị yên tâm gắn bó lâu dài với công ty.

Theo ông Ngô Hải Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn May Kim Bình, tạo môi trường làm việc thân thiện và không ngừng nâng cao phúc lợi cho người lao động để họ an tâm gắn bó lâu dài là mục tiêu doanh nghiệp hướng đến.

Ngoài việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chi trả lương, chế độ thai sản đầy đủ, đúng quy định... trong những năm qua, công ty đã thực hiện tốt việc trích nộp kinh phí công đoàn 2% cùng với nguồn thu đoàn phí, tạo nguồn quỹ để công đoàn chăm lo cho đoàn viên, người lao động…

Chăm lo đời sống lao động nữ tại các khu công nghiệp - 2

LĐLĐ tỉnh Hà Nam tặng mái ấm công đoàn cho gia đình chị Lê Thị Tuyến, công nhân Công ty Casablanca.

Gia đình chị Lê Thị Tuyến, công nhân Công ty Casablanca, đóng tại Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Chị đã làm tại công ty hơn 4 năm với mức lương 5 triệu đồng/1 tháng, chị phải nuôi chồng bị bệnh hiểm nghèo và 3 con nhỏ.

Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, các đồng nghiệp, công đoàn cơ sở công ty thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ chị Lê Thị Tuyến trong công việc. Đặc biệt các cấp công đoàn tỉnh Hà Nam đã ủng hộ 40 triệu đồng từ quỹ "Mái ấm Công đoàn", cùng sự đóng góp từ người thân và đồng nghiệp để giúp chị xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang, ấm cúng.

Việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ đã góp phần tạo sự khích lệ, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Tổ chức công đoàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động lao động nữ nâng cao ý thức học tập, rèn luyện trình độ, tay nghề, chấp hành pháp luật và nội quy, kỷ luật lao động, xây dựng tác phong công nghiệp.