Cha mẹ ơi, hãy lắng nghe con nói!
Một báo cáo gần đây cho thấy có hơn 70 % trẻ từ 1 đến 14 tuổi đã từng chứng kiến anh chị em, bạn bè của mình bị trừng phạt về thể chất hoặc tinh thần ngay tại nhà mình.
Tại rất nhiều gia đình hiện nay, việc giao tiếp thông thường giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn hơn. Lê Ngọc Phi - một sinh viên đại học chia sẻ: Em và bố mẹ giao tiếp nhiều nhất là khi họ hỏi em về việc học ở trường, nếu không thì có lẽ em và bố mẹ chẳng còn gì để nói. Cuộc sống xa nhà có nhiều vấn đề, nhưng khi gọi điện, chỉ được vài câu là bố mẹ lại nhắc nhở, tập trung học cho tốt vào, rồi thì bắt em học cái này, cái kia nhưng em toàn làm ngược lại. Vì thế Phi đã ra trường muộn hơn 2 năm so với bạn bè. "Bố mẹ cũng vì thế mà thất vọng về em nhiều hơn", Phi trầm giọng.
Dưới góc độ của người làm cha mẹ, chị Nguyễn Thị Thoa ở Ba Đình - Hà Nội cho rằng, ngày nay làm cha mẹ thật khó. Chị tâm sự: nhà tầng nên mỗi người một phòng. Đi học về là mỗi đứa ôm một cái điện thoại ngồi lì trong phòng. Nhiều lúc muốn chuyện trò, tâm sự với con nhưng chúng cứ nguây nguẩy, dường như càng gần gũi, sát sao con lại càng không thích. Vì vậy, nhiều khi chị con phải trò chuyện qua tin nhắn hoặc gọi điện.
Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội khiến nhiều gia đình chọn cách giao tiếp như chị Thoa. Dù mạng xã hội có mặt tích cực nhưng xét ở góc độ gia đình thì đây lại là mặt trái. Có những ông bố, bà mẹ khi về đến nhà vẫn cắm mặt vào điện thoại, có người giải quyết công việc nhưng cũng có người đơn giản chỉ là lướt facebook. Nhiều khi con có mối bận tâm "to đùng" nhưng cha mẹ lại cho rằng chúng quá "cỏn con", hoặc họ nghĩ rằng mình nuôi con từ bé nên "đi guốc trong bụng chúng" rồi cần gì nghe chúng chia sẻ, giãi bày. Chưa hết, cha mẹ nào có sẵn định kiến về con (chẳng hạn định kiến rằng "con luôn nói dối") lại càng ít chịu lắng nghe con...Vô hình chung việc giao tiếp không đạt được hiệu quả mà lại càng làm gia tăng những mẫu thuẫn, khoảng cách trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Năm 2020, Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) thực hiện báo cáo mang tên "Tiếng nói trẻ em Việt Nam", theo đó có tới 74% trẻ tham gia khảo sát cho rằng đã từng chứng kiến anh chị em, bạn bè mình bị trừng phạt về thể chất và tinh thần ngay tại ngôi nhà của mình. Con số này khiến chúng ta phải nhìn nhận rất nghiêm túc về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hiện nay.
Nhiều người cho rằng giữa cha mẹ và con cái không thể giao tiếp được với nhau là do khoảng cách thế hệ. Tuy nhiên, theo chị Trần Vân Anh - Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), khoảng cách thế hệ chỉ là một thách thức, một rào cản mà cha mẹ cần phải học cách để bước qua. Không ít phụ huynh than phiền rằng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra với con, hoặc khi biết thì đã xảy ra hậu quả rồi. Vì sao lại như vậy? Vì con cái không cảm nhận được rằng bố mẹ là nguồn trợ giúp tin cậy và an toàn để mình có thể chia sẻ câu chuyện; vì bố mẹ chưa thực sự lắng nghe câu chuyện của con bằng trái tim và tất cả các trực giác. Trong Luật trẻ em năm 2016 cũng có quy định: trẻ em có quyền được lắng nghe được tiếp cận thông tin. Không chỉ là lắng nghe và để đấy. Cha mẹ hãy lắng nghe và phản hồi tích cực những ý kiến mà con đã chia sẻ.
Hơn nữa, nhiều cha mẹ vẫn có suy nghĩ muốn làm tất cả những điều tốt đẹp cho con nên thường đưa ra những giải pháp, quyền cấm đoán và áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Vô hình chung điều này sẽ càng khiến mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đi xa hơn.
Hầu hết các bậc phụ huynh đều chưa từng trải qua bất kỳ trường lớp nào để học về kỹ năng làm cha mẹ. Khi kỹ năng làm cha mẹ không đúng cách sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ và con cái. Hầu hết trong tất cả các tình huống các bậc cha mẹ đều ngụy biện là vì yêu thương và muốn bảo vệ con mình nên mới làm như vậy. Chúng ta có thể đi từ mục tiêu tốt, lý do tốt nhưng cách làm sai thì hậu quả cũng sẽ khó lường.
Khi cha mẹ hiểu được tâm lý lứa tuổi qua từng giai đoạn của con và những đặc điểm riêng biệt; khi cha mẹ có thể ngồi, chia sẻ sự việc qua lăng kính của con; khi cha mẹ bao dung hơn và trao cho con những kỹ năng để con có thể vượt qua khó khăn cũng như đặt mình vào hoàn cảnh của con để hiểu và tôn trọng quyền cá nhân các con…Nói cách khác, thay vì bắt con trẻ làm theo mong muốn của họ, vì bản thân họ, cha mẹ tập "làm bạn" của con, là chỗ dựa vững chắc và tin cậy thì rào cản giữa cha mẹ và con cái mới được tháo gỡ.
Theo Vân An
VOV