Tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên: Xã hội bỏ quên điều gì?
(Dân trí) - "Nhiều vụ học sinh tự tử xuất hiện dồn dập khiến dư luận rất quan tâm. Nhưng thực ra, các vấn đề trẻ em và vị thành niên ở nước ta đã từng được cảnh báo cách đây hàng chục năm…"
Báo Dân trí xin trân trọng giới thiệu bài viết phân tích về tình trạng trẻ em tự tử, những nguyên nhân và giải pháp của bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển môi trường sức khỏe, nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH.
Học sinh tự tử liên quan đến những rối loạn xã hội?
Theo tôi, nguyên nhân tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên là một phức hợp. Các ý nghĩ tự tử hoặc hành vi tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Đơn cử như: Tình trạng trẻ em và thanh thiếu niên bị xâm hại hoặc bóc lột tình dục, bạo lực thân thể và tình cảm; các áp lực về học hành từ gia đình hoặc nhà trường, bị bắt nạt bạo lực học đường; sự gắn bó với nhà trường và vị trí trường học; tình trạng sứt mẻ trong quan hệ tình cảm nam nữ hoặc người thân trong gia đình.
Ngoài ra, trẻ em và thanh thiếu niên gặp tình trạng trầm cảm, lo âu, các cảm xúc buồn bã và vô vọng hoặc bị kích động, tác động bởi ma túy, chất kích thích...
Đặc biệt trong giai đoạn 2020-2021, tại Việt Nam, trẻ em và thanh thiếu niên phải cách ly xã hội do dịch Covid-19. Những cơ sở vui chơi giải trí, phát triển văn hóa tinh thần trẻ em bị đóng cửa, học tập triển khai theo hình thức trực tuyến.
Các em suốt ngày quanh quẩn trong 4 bức tường, thiếu cơ hội giao tiếp bạn bè và tiếp xúc xã hội ngoài cộng đồng. Các em còn bị giảm thiểu tiếp cận với môi trường tự nhiên. Đó là chưa kể đến nhiều gia đình các em còn bị mắng và có thể cả bạo lực từ các thành viên của gia đình. Bởi có thể chính người lớn và các bậc cha mẹ cũng bị rơi vào tình trạng tương tự và nhiều cha mẹ đã đổ mọi bực bội lên đầu con em… Những điều này ít nhiều đã làm trầm trọng thêm vấn đề tâm lý xã hội trẻ em.
Gốc rễ của vấn đề là do đâu học sinh bị trầm cảm? Đây là vấn đề tâm lý xã hội và chúng ta cần thiết phải có một sơ đồ nguyên nhân: Sức ép từ gia đình, nhà trường, môi trường học tập, bạn bè cùng trang lứa, tình cảm nam nữ và vấn đề yêu đương của học sinh, vấn đề bị lạm dụng, bạo lực, xâm hại tình dục, việc sử dụng ma túy học đường do bị lôi kéo ép buộc…
Theo thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trên thực tế đã có rất nhiều em đã bị rối nhiễu tâm trí, nhiều em chuyển thành bệnh thực thể như lo âu, trầm cảm... và hậu quả là các vụ thanh thiếu niên tự thương và tự tử rất thương tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng 90% nguyên nhân trẻ vị thành niên tự tử là do các bệnh lý về tâm thần. Nhưng nếu như vậy thì vô tình chúng ta đã bỏ quên vấn đề tâm lý xã hội. Vì đây mới chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới sự rối loạn xã hội như bạo lực, xâm hại, sử dụng ma túy, cướp của giết người, tự tử… gây rối loạn xã hội.
Phòng ngừa trẻ tự tử, cần giải pháp gì
Như vậy cần phải có sự vào cuộc và phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của gia đình và nhà trường và ở cấp cộng đồng.
Chúng ta cần hiểu rõ rằng các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối nhiễu tâm trí, lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần chỉ có một tỷ lệ nhỏ do huyết thống, bệnh lý di truyền.
Còn lại hầu hết đều là hậu quả tác động kéo dài, lặp đi lặp lại của các vấn đề xã hội gây ra những rối nhiễu về tâm lý xã hội. Bên cạnh đó là có sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên nên trẻ rất dễ bị xúi giục, kích động dẫn tới những hành động bột phát.
Chính vì vậy, vấn đề phòng ngừa tự tử nói riêng và phòng ngừa các vấn đề rối nhiễu tâm lý xã hội nói chung phải được đặt lên hàng đầu. Vấn đề bệnh lý tâm thần thì chỉ cần ngành y tế can thiệp là chính. Nhưng vấn đề tâm lý xã hội yêu cầu mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội phải đều có trách nhiệm, cùng vào cuộc để phòng ngừa và phát hiện ngăn chặn sớm.
Một nghịch lý là chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác dự phòng các vấn đề tâm lý xã hội và tự tử. Do vậy hầu hết các vụ việc từ bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, tự tử trẻ em và vị thành niên đều phát hiện muộn, đều đã xảy ra.
Thực ra vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên ở nước ta đã được cảnh báo từ trước đây hàng chục năm qua. Hiện nay xảy ra ngày càng nhiều và trầm trọng hơn. Tuy nhiên mọi sự báo động đều rơi vào im lặng, không có sự đồng hành của ngành y tế, giáo dục và truyền thông.
Cụ thể, ngành y tế mới chỉ quan tâm điều trị 2 bệnh tâm thần phân liệt và động kinh, còn lại các vấn đề dự phòng về tâm lý và sức khỏe tâm thần chưa được đầu tư đúng mức. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt đội ngũ bác sĩ tâm lý chăm sóc, chăm sóc giảm hại trong toàn hệ thống bệnh viện và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Về giải pháp, tôi cho rằng yếu tố căn cơ để giải quyết tình trạng tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên vẫn là cần đẩy mạnh giáo dục ngày từ trong gia đình.
Trước hết, các bậc cha mẹ luôn là người bạn thân thiết của con, hãy lắng nghe trẻ nói và chia sẻ cùng con. Cha mẹ cần có sự quan tâm theo dõi con từ ăn ngủ cho đến học tập ở trường.
Cha mẹ cần quan tâm hỗ trợ và giảm thiểu áp lực khi nhận biết con quá tải thông qua sự ăn uống, giấc ngủ, mặc áo quần và cách giao tiếp, nói năng của con để tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình.
Bản thân các bậc cha mẹ cũng phải trau dồi kỹ năng, đạo đức để luôn là gương tốt cho con cái noi theo. Đồng thời, chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới các bộ công tác xã hội trẻ em và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng.
Mạng lưới này không chỉ hỗ trợ kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực, bắt cóc, tự tử ở trẻ em và vị thành niên…cho các bậc cha mẹ, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa thông qua hoạt động tư vấn cộng đồng, phát hiện các sớm gia đình có nguy cơ, ngăn chặn sớm các vụ việc không để xảy ra.
Về góc độ nhà trường, tôi cho rằng cần phải cải tổ cả hệ thống giáo dục nhà trường để tăng hiệu quả trong phòng ngừa nạn tự tử. Cụ thể: Cần tăng cường tập trung vào việc dạy trẻ em cả cấp tiểu học và trung học những kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý; giảm bớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học; đầu tư xây dựng các dịch vụ tư vấn tâm lý và công tác xã hội ở tất cả các trường học.
Trước mắt cần sớm thiết lập hệ thống tư vấn tâm lý học đường, có biên chế giáo viên tâm lý cho các nhà trường, đưa giáo dục giới tính sớm ngay từ hệ thống mẫu giáo. Tiếp đến là các môn giáo dục pháp luật, quyền con người và cuối cùng là cải tổ chương trình giáo dục từ cấp học tiểu học trở lên.
Đồng thời cần giảm bớt các kiến thức bác học mang tính nhồi nhét, chạy theo thành tích và điểm số, thay vào đó là việc giáo dục kỹ năng sống, phòng ngừa xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích và các kỹ năng, kiến thức về đạo đức, tâm lý xã hội.
Phối hợp với phụ huynh học sinh và qua đó cung cấp cho họ những kỹ năng cần thiết (nuôi dạy con, giao tiếp với con cái) để có thể giúp giảm bớt những khó khăn của trẻ ở trường và ở nhà. Đồng thời giúp họ hiểu được tầm quan trọng của sự phát triển cân bằng của trẻ trong đó các kết quả học tập chỉ là một chiều cạnh của vấn đề.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển môi trường sức khỏe, nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).