Cần nâng cao trách nhiệm chủ đầu tư trong đảm bảo an toàn xây dựng
(Dân trí) - Cuối năm 2020, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tăng cường thanh tra về lao động và an toàn vệ sinh lao động các dự án xây dựng. Dự kiến năm 2021 sẽ phát động chiến dịch thanh tra lĩnh vực xây dựng toàn quốc.
Báo động đỏ
Năm 2020, lĩnh vực xây dựng công trình ở nước ta xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.
Đứng đầu bảng phải kể đến vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 14/5/2020 tại công trình xây dựng nhà máy của Công ty Cổ phần AV Healthcare - Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, làm 24 công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga thương vong (10 người chết, 14 người bị thương).
Tiếp đến là vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 25/5/2020 tại dự án Thủy điện Plei Kần, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum làm 6 công nhân Công ty cổ phần Tấn Phát thương vong (3 người chết, 3 người bị thương).
Một vụ khác xảy ra ngày 30/7/2020 tại công trình xây dựng nhà cao tầng ở số 16 Nguyễn Công Trứ, Thành phố Hà Nội rơi giàn cẩu lắp kính từ tầng 6 xuống đất, làm 4 người thương vong (03 người chết, 01 người bị thương nặng).
Trước tình hình đó, cuối năm 2020 Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường thanh tra về lao động và an toàn vệ sinh lao động các dự án xây dựng công trình và dự kiến năm 2021 sẽ phát động chiến dịch thanh tra lĩnh vực xây dựng toàn quốc.
Vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại công trình xây dựng là trách nhiệm của doanh nghiệp là nhà thầu thi công và chủ đầu tư. Nhà thầu thi công có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, QCVN 18:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng và pháp luật chuyên ngành về xây dựng.
Chủ đầu tư có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về xây dựng, trong đó có vai trò quản lý an toàn, môi trường trong đầu tư xây dựng công trình.
Tuy nhiên, trách nhiệm của chủ đầu tư đối với tai nạn lao động tại công trình ít được quan tâm. Các cơ quan chức năng thường chú ý trách nhiệm của người sử dụng lao động là nhà thầu theo Luật An toàn, vệ sinh lao động hơn trách nhiệm của chủ đầu tư. Vì vậy, cũng cần phải làm rõ vai trò và trách nhiệm chủ đầu tư trong việc đảm bảo an toàn lao động tại công trình xây dựng.
Điều 112 Luật xây dựng quy định: Chủ đầu tư có nghĩa vụ kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp để thực hiện các công việc trong quá trình thi công xây dựng công trình. Điều 5 Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định: Chủ đầu tư dự án xây dựng có trách nhiệm chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của nhà thầu.
Đối với trường hợp áp dụng loại hợp đồng tổng thầu thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ - thi công xây dựng công trình (EPC) hoặc hợp đồng chìa khóa trao tay thì chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng xây dựng và việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình của tổng thầu EPC.
Đối với dự án có nhiều nhà thầu cùng thi công, chủ đầu tư các trách nhiệm tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng, Luật An toàn, vệ sinh lao động chưa quy định cụ thể "phương án tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu"phải thế nào mới đảm bảo công tác an toàn hiệu quả thực sự, tránh được sự đối phó mang tính hình thức của các nhà thầu.
Những quy định "đúng luật nhưng không phù hợp" của chủ đầu tư
Để đảm bảo an toàn lao động tại công trình, hiện naycác chủ đầu tư thường quy định người lao động của nhà thầu phải được huấn luyện theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ trước khi vào công trình làm việc mới được chủ đầu tư cấp giấy ra vào công trường, hoặc mới được dự thầu.
Quy định đúng pháp luật nhưng không phù hợp ở chỗ: Huấn luyện trước khi vào công trường người lao động sẽ không được thực hành nội dung chuyên ngành phù hợp yếu tố nguy hiểm và biện pháp an toàn phù hợp với thực tế tại công trường; mặt khác người lao động mùa vụ khi vào công trường mới được trả lương thời gian học an toàn vệ sinh lao động (người lao động trước khi vào công trường là lao động tự do sẽ không được nhà thầu trả lương thời gian huấn luyện).
Nguy hiểm hơn nữa, quy định "người lao động phải có thẻ an toàn lao động trước khi vào công trường" dẫn đến các nhà thầu đối phó, tìm mua kết quả huấn luyện; thực tế đã hình thành thị trườngmua bán thẻ an toàn giữa các tổ chức dịch vụ huấn luyện và doanh nghiệp xây dựng và có mặt ở hầu hết các các dự án xây dựng.
Về phương án ứng cứu tai nạn lao động, chủ đầu tư giám sát nhà thầu phảibố trí cán bộ y tế, hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế tại địa phương theo Khoản 5 Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ. Vì vậy, các nhà thầu đều phải ký hợp đồng với trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện tuyến huyện tại địa phương để cấp cứu, chuyển thương khi có tai nạn lao động.
Quy định không phù hợp ở chỗ những công trường xây dựng lớn, có nhiều người thi công có thể xảy ra trường hợp khẩn cấp với nhiều người bị nạn, nhưng các cơ sở y tại địa phương nêu trên không phải là cơ sở chuyên trực cấp cứu sẽ có kíp trực sẵn như Trung tâm cấp cứu 05, thì không đủ năng lực để có mặt kịp thời tại công trường.
Trong khi đó, công trình xây dựng có vài chục nhà thầu với hàng nghìn người lao động cùng thi công, rất cần các nhà thầu phối hợp tổ chức chung trạm cấp cứu tại công trình đủ năng lực thường trực khám chữa bệnh và cấp cứu tai nạn lao động.
Thực tế các hợp đồng nhà thầu ký với trạm y tế cấp xã, phòng khám đa khoa tư nhân để cấp cứu, chuyển thương khi có tai nạn lao động chỉ có tác dụng đối phó. Mặt khác, lĩnh vực xây dựng có nguy cơ rủi ro cao nhưng không được xếp vào nhóm nguy cơ cao để tăng cường nhân viên y tế tại Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ là không phù hợp.
Nhiều đề xuất
Để nâng tăng cường vai trò và trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng công trình, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị:
Bộ xây dựng: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Quy định bổ sung đối với công trình xây dựng có từ 1000 người trở lên thì chủ đầu tư phải trách nhiệm chỉ đạo nhà thầu phối hợp tổ chức bộ phận y tế chung tại chỗ đủ năng lực như quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ.
Bộ Y tế: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế: Quy định bổ sung đối với công trình xây dựng có từ 1000 người trở lên thì chủ đầu tư phải trách nhiệm chỉ đạo nhà thầu phối hợp tổ chức bộ phận y tế chung đủ năng lực thường trực cấp cứutại chỗ như quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ.
Đối với chủ đầu tư: Cần nêu cao vai trò của mình trong việc đảm bảo an toàn cho công trình: Hủy bỏ quy định nêu trên. Thay vào đó, yêu cầu các nhà thầu phối hợp với tổ chức dịch vụ huấn luyện xây dựng chương trình huấn luyện cụ thể, phù hợp với yếu tố nguy hiểm và biện pháp an toàn thực tế tại dự án trình chủ đầu tư duyệt.
Đồng thời, chủ đầu tư phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương giám sát việc triển khai huấn luyện của các nhà thầu đảm bảo nội dung chương trình huấn luyện; để người lao động được huấn luyện thực sự phù hợp công việc thực tế và phải được hưởng tiền lương trong thời gian huấn luyện.
Đối với chủ đầu tư có công trình lớn trên 1000 người thi công cần chỉ đạo các nhà thầu phối hợp tổ chức trạm y tế công trường đủ năng lực thường trực cấp cứu tại chỗ như kiến nghị với Bộ Xây dựng nêu trên.