Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi:
"Cần linh hoạt hỗ trợ, đừng để người dân chờ đợi... "
(Dân trí) - "Tỉnh Kiên Giang cần mở rộng thêm nhiều đối tượng hỗ trợ, đẩy nhanh tốc độ giải ngân bằng các hình thức không dùng tiền mặt, mở nhiều đường dây hotline", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi kiến nghị.
Ngày 4/9 Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ LĐ-TB&XH tại các tỉnh thành phía Nam cùng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, để kiểm tra công tác phòng, chống dịch và đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Chính phủ.
Sau khi nắm tình hình, Thứ trưởng nhận định: "Tỉnh Kiên Giang đang có diễn biến dịch khá phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát rộng rất cao. Dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhưng khả năng vẫn chưa bóc tách hết được các F0 trong cộng đồng".
Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 2.200 ca nhiễm và mỗi ngày tăng gần 100 ca.
Do vậy, Kiên Giang cần áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn nữa, theo tinh thần tại công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 và Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch. UBND tỉnh Kiên Giang cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm từ các tỉnh, thành khác để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn.
"Chậm một giờ có thể trả giá bằng rất nhiều ngày, chậm một ngày có thể trả giá bằng cả tháng. Đề nghị Kiên Giang cần triển khai ngay các biện pháp đủ mạnh để ngăn ngừa dịch càng sớm, càng nhanh càng tốt. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo phải quyết liệt, không lơ là", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị.
Về công tác an sinh, Thứ trưởng đánh giá tỉnh đã cơ bản đảm bảo mục tiêu không để dân thiếu ăn thiếu mặc. Việc triển khai các gói hỗ trợ cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm hỗ trợ người dân đúng thời điểm khó khăn.
"Tổ công tác đã đi kiểm tra ngẫu nhiên một số gia đình, dù đời sống đã cơ bản ổn định nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Họ gặp khó khăn do dịch nhưng lại chưa nằm trong các gói hỗ trợ. Do vậy, cần phải mở rộng thêm các đối tượng hỗ trợ để mọi người dân khó khăn đều có thể tiếp cận", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị.
Thứ trưởng cũng kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang cần triển khai hỗ trợ bằng các hình thức không dùng tiền mặt để đẩy nhanh hỗ trợ, minh bạch và đạt hiệu quả cao hơn. Các phường, xã, tổ dân phố cũng cần mở 3-5 số điện thoại hotline để người dân khó khăn có thể dễ dàng phản ánh.
"Nếu địa phương làm tốt công tác tiếp nhận phản ánh qua hotline thì công tác phòng chống dịch sẽ hiệu quả hơn, đời sống an sinh cũng sẽ đảm bảo. Phải bố trí lực lượng trực hotline thường xuyên và phải rà soát, hỗ trợ ngay khi người dân khó khăn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phân tích.
Mặt khác, tỉnh cũng cần thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề trực tuyến để giải quyết những khó khăn khi triển khai hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Đặc biệt là việc hỗ trợ lao động tự do, các chính sách cho vay trả lương, hỗ trợ tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội...
Tính đến ngày 3/9, Kiên Giang đã chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đến hơn 122.000/136.000 người với số tiền 112 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 84%). Gần 70.000 lao động tự do cũng được hỗ trợ với số tiền hơn 100 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách địa phương.