DNews

Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh các sở, ngành tỉnh Kon Tum cần có thêm những chính sách hỗ trợ, tư vấn việc làm và quan tâm hơn nữa đến đối tượng chính sách ở các vùng khó khăn.

Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn

Ngày 29/10, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội (BHXH), Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội thuộc tỉnh Kon Tum.

Tham gia đoàn công tác có đại diện Văn phòng Bộ, Viện Khoa học Lao động - Việc làm; Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum, cùng đại diện BHXH, Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Kon Tum.

Đời sống người có công không ngừng được nâng lên

Báo cáo tại buổi làm việc, ông A Kang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum - cho biết, thời gian qua, Sở đã chủ động bám sát những nội dung chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh để sớm ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội năm 2024. Đơn vị đã kịp thời triển khai các công tác lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp và chi trả chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội…

Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn - 1

Ông A Kang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum báo cáo những kết quả và khó khăn trong công tác của ngành (Ảnh: Phạm Hoàng).

Sở LĐ-TB&XH thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, gia đình có công… trong dịp Tết Nguyên đán; tu bổ, chăm sóc các công trình ghi công liệt sỹ. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa luôn được ngành quan tâm, phối hợp, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Đời sống người có công trên địa bàn Kon Tum không ngừng được nâng lên.

Theo ông A Kang, trong 10 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Kon Tum có 6.330/6.500 lao động được giải quyết việc làm, đạt 97,4% kế hoạch năm. Tổng số người tham gia BHXH đạt 61.962 người. Trong 10 tháng vừa qua, đơn vị đã thực hiện chế độ chính sách cho gần 5.000 đối tượng người có công và thân nhân với kinh phí chi trả hơn 14 tỷ đồng/tháng.

Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn - 2

Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH làm việc tại tỉnh Kon Tum (Ảnh: Phạm Hoàng).

Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh Kon Tum ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó, đơn vị thực hiện chi trả không dùng tiền mặt tới hơn 561 đối tượng người có công và thân nhân.

"Kon Tum là tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao nên việc triển khai chuyển đổi số, thực hiện chi trả chế độ chính sách qua thẻ ATM, không dùng tiền mặt chưa được lan tỏa khắp các huyện, xã. Ngoài ra, tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện ma túy nên phải gửi nhờ các tỉnh lân cận", ông A Kang cho biết thêm.

Ông Lê Ngự Bình - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội chia sẻ: "Đối với lĩnh vực BHXH, Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cần tăng cường công tác quản lý, rà soát và tuyên truyền những người trong độ tuổi lao động theo Luật BHXH vào tham gia. Việc này sẽ giúp nâng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm".

Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn - 3
Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn - 4

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cùng đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong tư vấn việc làm, dạy nghề... (Ảnh: Phạm Hoàng).

Theo ông Bình, đối với công tác đào tạo, vì là tỉnh miền núi, đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nên Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cần tham mưu, nghiên cứu những chính sách miễn, giảm học phí. Cán bộ nên trực tiếp vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hướng dẫn bà con về những chính sách, quyền lợi và kêu gọi để mọi người tham gia đi làm việc ở nước ngoài hoặc lao động trong nước.

"Trung tâm giới thiệu việc làm cũng nghiên cứu hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan để vừa giới thiệu việc làm vừa đào tạo nghề nhằm mang đến lợi ích, thuận tiện cho người dân khi có nhu cầu đi làm việc. Trong quá trình thực hiện, sở gặp những khó khăn, vướng mắc có thể liên hệ Viện Khoa học Lao động - Xã hội để được giải đáp, hướng dẫn", ông Bình nói.

Xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt

Về lĩnh vực BHXH, ông Vũ Mạnh Chữ, Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đơn vị đã đẩy mạnh chuyển đổi số. Cụ thể, 98% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận người bệnh, sử dụng căn cước công dân thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế giấy. Số lượt người sử dụng căn cước công dân đi khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đạt 818.697 lượt, trong đó tra cứu thành công là 670.187 lượt (81,86%).

Theo ông Chữ, đặc thù Kon Tum có tỷ lệ bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhiều và sống theo từng cụm dân cư. Nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân nắm rõ các quyền lợi của BHXH, bảo hiểm y tế, các cán bộ phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Ngoài bám bản, từng cán bộ phụ trách còn phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể, người có uy tín để đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH.  

Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn - 5

Ông Vũ Mạnh Chữ, Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Do một số huyện còn khó khăn, chưa có cả trụ ATM nên việc thanh toán thu - chi các chế độ BHXH, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản, điện tử gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH. Ngành sẽ phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong thực hiện chính  sách bảo hiểm và cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật", ông Chữ phát biểu.

Ông Bùi Sỹ Tuấn - Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ: "Qua nhìn nhận, Kon Tum cũng là địa phương miền núi còn khó khăn nhưng BHXH tỉnh đã gặt hái nhiều thành công, nhiều chỉ số đã cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Thời gian tới, BHXH tỉnh cần tăng cường liên kết nối với Sở LĐ-TB&XH để kịp thời, hỗ trợ nhau trong việc tuyên truyền chính sách BHXH".

Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn - 6

Ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH trao đổi những vướng mắc trong lĩnh vực BHXH ở Kon Tum (Ảnh: Phạm Hoàng).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao những kết quả mà Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum, BHXH tỉnh đã đạt được và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng biểu dương trong năm vừa qua, 2 cơ quan đã thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất tốt.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: "Căn cứ thực tế, Bộ nhận thấy tỷ lệ các đối tượng chính sách, người có công thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt chỉ ở thành phố, chưa phổ biến ra những vùng khó khăn theo đề án của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Theo đó, các ngành cần nghiên cứu, xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt đến tất cả các địa phương. Việc này sẽ giúp cho nâng cao hiệu suất ở cơ sở, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân được hưởng chế độ, chính sách".

Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn - 7

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (Ảnh: Phạm Hoàng).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Kon Tum có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế còn thấp. Chính vì vậy, Sở LĐ-TB&XH, ngành bảo hiểm cần có những chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế; tư vấn, hỗ trợ việc làm và các đối tượng chính sách. Cơ quan bảo hiểm cần theo dõi, đánh giá việc liên kết BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế với ứng dụng VssID, tránh những sai sót về thủ tục, pháp l‎ý.

Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cần tham mưu với ngành giáo dục tỉnh để trình HĐND tỉnh xây dựng các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng cho học sinh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Cần đẩy mạnh chính sách không dùng tiền mặt ở vùng khó khăn - 8

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi yêu cầu các ngành ở tỉnh cần quan tâm đến chế độ, chính sách đối với người già, trẻ em (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Tới đây, Trung ương sẽ đánh giá lại các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Liên quan đến lĩnh vực của ngành như: chính sách giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, Bộ đang trình bổ sung về chính sách văn hóa, phòng chống ma túy. Qua đó, Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cần chuẩn bị những kế hoạch hoạt động và đề xuất xây dựng cơ sở cai nghiện.

Đối với 2 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Sở LĐ-TB&XH cần đề xuất những chính sách quan tâm đối với những gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, cận nghèo cho bà con đều được vui xuân, đón Tết Nguyên đán ấm no", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị.