Những chính sách về công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 9
(Dân trí) - Quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc Bộ, xác định cơ cấu viên chức lưu trữ... là những chính sách liên quan đến công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 9.
Số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc Bộ
Khoản 2 Điều 18b Nghị định 123/2016/NĐ-CP (được bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 101/2020/NĐ-CP) được sửa đổi tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 83/2024/NĐ-CP) quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc Bộ.
Cụ thể, chi cục có từ 1 đến 3 phòng được bố trí 1 cấp phó; có từ 4 phòng trở lên được bố trí không quá 2 cấp phó; Chi cục không có phòng được bố trí không quá 2 cấp phó.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định hoặc phân cấp quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục, bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một chi cục khi chi cục đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
Thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính 24/24 giờ trong ngày theo quy định của pháp luật, phải bố trí công chức (trong đó có lãnh đạo chi cục) làm việc 3 ca/ngày và được giao từ 60 biên chế công chức trở lên;
Được giao quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện và có từ 9 phòng hoặc tổ chức tương đương trở lên thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục theo quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số
Có hiệu lực từ ngày 1/9, Thông tư 11/2024/TT-BYT quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số
Về tiêu chuẩn, điều kiện chung, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP và các điều kiện sau đây:
Được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
Đối với yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại các Thông tư, Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.
Bên cạnh đó, cũng cần điều kiện có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xét thăng hạng.
Xác định cơ cấu viên chức lưu trữ
Từ ngày 15/9, Thông tư 09/2024/TT-BNV hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ, bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Trong đó quy định căn cứ quy định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc (Điều 3 Thông tư 09/2024/TT-BNV) như sau:
Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh được xác định theo quy định tại Khoản 5 Điều 3, Khoản 3 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở Trung ương và cấp tỉnh được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP và các căn cứ sau: Khối lượng tài liệu; số lượng, đặc điểm nguồn nộp lưu; loại hình tài liệu; tình trạng vật lý của tài liệu; đặc điểm ngôn ngữ của tài liệu; yêu cầu phát huy giá trị tài liệu; yêu cầu thực hiện các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ; thực trạng kho lưu trữ chuyên dụng, hạ tầng thông tin và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.
Số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở Trung ương và cấp tỉnh không bao gồm số lượng người làm việc tại vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.