Bộ trưởng trả lời chất vấn "gói 38.000 tỷ đồng có đúng luật, có vội vàng?"
(Dân trí) - Phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung được hâm "nóng" bởi các câu hỏi về tính hợp lý và đúng đắn trong việc ban hành chính sách hỗ trợ, độ an toàn của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…
Gói 38.000 tỷ đồng "bung" đúng luật!
Nêu 2 thắc mắc tại phiên chất vấn sáng 11/11, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nêu vấn đề, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Là người đề xuất, Bộ trưởng thấy chính sách có đúng luật, có vội vàng hay không?".
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết lý do không chấp thuận đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) về miễn việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sự cần thiết và xác đáng trong việc sử dụng một phần kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động, trong bối cảnh đời sống và việc làm bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19.
Ông cho rằng, chính sách này trong quá trình triển khai đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội, đặc biệt là những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trở lại với câu hỏi, chi tiền từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có đúng luật không, Bộ trưởng Dung quả quyết: "Xin khẳng định là hoàn toàn đúng luật, bởi theo luật định, thẩm quyền quyết định chính sách này thuộc về Quốc hội nhưng trong thời gian chưa tổ chức kỳ họp, Quốc hội giao thẩm quyền này cho Ủy Ban thường vụ Quốc hội quyết định".
Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng giải thích thêm, trên cơ sở đánh giá tác động và báo cáo của Chính phủ, Ủy Ban thường vụ Quốc hội đã xem xét và ban hành Nghị quyết số 03 cho phép Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí là 38.000 tỷ đồng.
Với băn khoăn, việc ban hành chính sách có vội không, Bộ trưởng nhận định, việc đề xuất gói 38.000 tỷ đồng kịp thời và chính xác trong bối cảnh tình hình lúc đó.
"Chúng tôi xác định chính sách này có tính tình thế và cấp bách trong lúc dịch đang tác động nặng nề tới đời sống nhân dân, nhất là với người sử dụng lao động và người lao động. Như vậy, đây là giải pháp tình thế đưa ra và không vội vàng", Bộ trưởng cho biết.
Người đứng đầu ngành lao động cũng chỉ rõ nguyên tắc thực hiện gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng phải đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, bình đẳng và có chia sẻ. Chính sách chỉ dành cho những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đã tham gia, còn thời gian bảo lưu.
Không có chuyện "quyền anh, quyền tôi" khi làm chính sách
Về việc "bác" đề xuất miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp với người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã gồm 30.000 tỷ đồng dành cho người lao động và 8.000 tỷ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động. Mức hỗ trợ với người lao động, như vậy, đã gấp gần 4 lần so với người sử dụng lao động.
Ngoài ra, trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Nghị quyết 68, Chính phủ đã giảm 0,5% mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hỗ trợ cho người lao động, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.
Thêm nữa, trong thời gian qua, Tổng LĐLĐ VN cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người lao động với khoảng gần 10.000 tỷ đồng, từ nguồn tài chính công đoàn và xã hội hóa.
Lý do khác, đến nay, Bộ Lao động chưa có đánh giá tác động về phương án chi như đề xuất của Tổng LĐLĐ VN, về tính an toàn trong kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nếu thực hiện đề xuất.
"Từ những vấn đề trên, Bộ đã trao đổi Tổng LĐLĐ VN và báo cáo Chính phủ. Ủy Ban thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với ý kiến của Chính phủ. Như vậy, chúng tôi đã làm việc rất thận trọng, công khai, dân chủ và không có chuyện "quyền anh, quyền tôi" trong việc này" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Chi hết 38.000 tỷ đồng còn nguồn đảm bảo an sinh?
Trước đó, cũng liên quan tới Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, phần chất vấn chiều 10/11, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nêu câu hỏi: "Triển khai gói 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đến nay cả nước đã chi hơn 24.000 tỷ. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, quỹ bảo hiểm đã hết thì Bộ có phương án nào để tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội?".
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết năm 2020 kết dư 90,6 nghìn tỷ. So với yêu cầu kết dư thông thường của các quỹ ngắn hạn là khoảng 10% thì mức kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp như vậy là tương đối tốt, ở mức độ an toàn cao.
Theo quy định của Chính phủ, duy trì kết dư quỹ phải đảm bảo gấp 2 lần mức chi của một năm liền kề. Năm 2020, số chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp mới bằng 1/4 số kết dư 90,6 nghìn tỷ nêu trên, nên tính theo "công thức" đề ra thì quỹ đang rất an toàn.
Bộ trưởng nhận định, trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, đời sống lao động, việc làm của người dân, nhất là những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và chủ sử dụng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thì việc để quỹ kết dư một khoản lớn như thế là không hợp lý.
Vậy nên, khi đánh giá tác động của chính sách, Bộ đã tính toán và cân nhắc đảm bảo mức kết dư quỹ vẫn an toàn trong ít nhất là 5 năm tới, tức là hết năm 2025. Đảm bảo tiêu chí đó, Chính phủ nhận định, hoàn toàn có căn cứ để đề xuất với cấp có thẩm quyền và báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định dùng 38.000 tỷ đồng từ quỹ này để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
Bộ trưởng chỉ rõ: "Sau khi chi 38.000 tỷ đồng, kết dư quỹ còn lại khoảng 56.000 tỷ, gấp hơn 2 lần mức tổng chi của cả 5 chính sách của bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu có thể hoàn toàn yên tâm".