Chuyện trục lợi chính sách trong phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động
(Dân trí) - Xác nhận có những vụ lợi dụng, đưa người thân vào danh sách hỗ trợ khi thực hiện gói 62.000 tỷ, gói 26.000 tỷ nhưng Bộ trưởng LĐ-TB&XH khái quát, chính sách đã đảm bảo công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, của nhiều đại biểu quốc hội tại phiên chất vấn diễn ra chiều 10/11.
Khởi tố hình sự 2 trường hợp trục lợi chính sách
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) nêu vấn đề, dư luận thời gian qua rất bất bình về trục lợi, chính sách hỗ trợ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm việc trục lợi chính sách đã được xử lý ra sao?
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, Quyết định 23 và Quyết định 28 đều có những quy định khá kỹ về việc phân công trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức địa phương hay các ngành trong thực hiện nhiệm vụ.
"Đơn cử như chính sách vay cho người lao động sẽ do Thống đốc Ngân hàng, phần liên quan tới hỗ trợ tiền mặt do Bộ LĐ-TB&XH, phần vay vốn giải quyết việc làm và bảo hiểm thì giao cho Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Việc triển khai cũng được sự giám sát của nhiều cấp. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ngành đi kiểm tra đều chú ý tới việc hỗ trợ chính sách an sinh.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp Bộ LĐ-TB&XH phối hợp trực tiếp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ VN, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Chính sách tổ chức 12 đoàn kiểm tra tại 33 tỉnh, thành phố.
Đánh giá về kết quả của các đoàn kiểm tra, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH xác nhận, còn tình trạng trục lợi chính sách ở một số địa phương.
Theo đó, thông qua công tác kiểm tra việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (Nghị quyết 42), đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở địa phương. Trong đó có những địa phương phải cắt chức cả Bí thư, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và Bí thư Đoàn thanh niên vì lý do để người nhà vào trong danh sách hưởng chính sách.
"Với gói 26.000 tỷ đồng, đoàn kiểm tra cũng đã phải xử lý và đề nghị cơ quan chức năng khởi tố hình sự 2 trường hợp trục lợi bằng cách đưa người không đạt tiêu chuẩn vào trong danh sách vào hưởng hoặc lập danh sách khác để rút tiền trục lợi", Bộ trưởng cho biết.
Đánh giá chung, Bộ trưởng cho biết: "Không thể tránh được hết nhưng về cơ bản các địa phương đã rất quan tâm và giám sát, việc thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch và đúng đối tượng…".
Cùng là lao động tự do, tại sao nơi được hỗ trợ và nơi không?
Chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đặt câu hỏi: "Liên quan tới việc thực hiện nghị quyết 68/NQ-CP và chính sách hỗ trợ lao động tự do, xin Bộ trưởng cho biết kết quả triển khai và tại sao cùng là lao động tự do nhưng có nơi được hỗ trợ và có nơi không được?...".
Gần 13 triệu lao động tự do được nhận hỗ trợ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Thực tiễn cho thấy, cũng với lao động tự do, Nghị quyết 42 chỉ hỗ trợ được khoảng một triệu người. Nhưng với Nghị quyết 68, kết quả triển khai ở 56 tỉnh cho thấy có 12,99 triệu lượt lao động tự do được hỗ trợ với tổng mức kinh phí tới gần 17.000 tỷ đồng. Như vậy, đây là một thành công trong công tác triển khai chính sách hỗ trợ...".
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP (năm 2020), Thủ tướng chỉ đạo trong việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP (năm 2021) cần tạo ra một sự linh hoạt cho địa phương.
Vì vậy, sau khi khảo sát đánh giá, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ chính sách với 12 nhóm chính sách hỗ trợ. Trong đó, Chính phủ chỉ quy định sàn mức hưởng cho lao động tự do. Còn việc xác định cụ thể đối tượng và mức hưởng (hoặc trên mức sàn) là do sự linh hoạt của từng địa phương trên cơ sở ngân sách cũng như đặc thù địa bàn.
Đồng tình với nhận định của đại biểu, Bộ trưởng nêu vấn đề: "Nhưng tại sao có nơi được hay không?. Thậm chí có 2 xã liền nhau và cùng một công việc nhưng lao động tự do ở xã này thì được hỗ trợ và xã liền kề lại không được?
Theo Bộ trưởng, việc hỗ trợ lao động tự do phụ thuộc vào quy định chính sách và ngân sách của từng địa phương. Nói cụ thể hơn, người lao động tự do đó có thuộc nhóm lao động tự do được địa phương quy định hỗ trợ hay không.
Cũng liên quan tới việc hỗ trợ lao động tự do, Bộ trưởng cho biết có những địa phương ngân sách dự phòng không còn, do đó chưa hỗ trợ hoặc chậm hỗ trợ lao động tự do. Đây cũng là một nguyên nhân để có thể có ý kiến này ý kiến kia.
"Thời gian tới khi tổng kết sau khi tổng kết Nghị quyết 68, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để có thể điều chỉnh những vấn đề chính sách liên quan cho phù hợp hơn…", Bộ trưởng cho biết.