Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo cử tri chuyện tăng lương, vấn đề ngành y
(Dân trí) - Trao đổi với cử tri, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập, trong khó khăn của dịch bệnh mà nhiều chính sách về trợ giúp xã hội vẫn được ban hành. Các đối tượng yếu thế đều có chính sách hỗ trợ.
Sáng 21/6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thanh Hóa tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV tại thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).
Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa; Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội; bà Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách, đại diện các sở, ngành, địa phương và các cử tri.
Bà Cầm Thị Mẫn và ông Vũ Xuân Hùng thay mặt Đoàn ĐBQH Thanh Hóa báo cáo tới cử tri các địa phương về kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội "nóng" vấn đề ngành y
Tại cuộc tiếp xúc, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về việc đấu giá đất, thu hồi đất nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vấn đề môi trường; giá sách giáo khoa; sửa đổi quy định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và tăng lương đối với giáo viên mần non; các chính sách liên quan đến người có công, an sinh xã hội; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn cho những năm tiếp theo…
Thay mặt các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ: "Cùng với các thành viên đoàn ĐBQH Thanh Hóa, trong cương vị và công việc của mình, tôi luôn luôn nỗ lực, phấn đấu, cũng như cố gắng để hoàn thành tốt trách nhiệm được giao. Đặc biệt là lời hứa với cử tri".
Bộ trưởng đánh giá ý kiến của cử tri các địa phương rất sâu sắc, tâm huyết, trí tuệ và rất xác đáng, đề nghị đoàn ĐBQH, văn phòng tổng hợp, phân loại để có hướng giải quyết sớm, dứt điểm.
Bộ trưởng khái quát về những vấn đề sát sườn của người dân, môi trường và đất đai. Bộ trưởng cho rằng, đất đai liên quan đến từng người, từng gia đình. Theo Bộ trưởng, trung ương thấy rằng cần phải bàn thấu đáo. Cải cách chính sách đối với đất đai đòi hỏi phải nghiên cứu thật kỹ, mang tính chất định hướng chiến lược. Vì vậy, tại Hội nghị lần thứ 5 diễn ra đầu tháng 5 vừa qua, Trung ương đi đến thống nhất những định hướng cơ bản để đưa ra Quốc hội thảo luận.
Cũng theo Bộ trưởng, tại diễn đàn Quốc hội, về các chính sách xã hội, có 3 vấn đề nổi lên, trong đó "nóng" nhất là các vấn đề của ngành y tế.
"Chúng ta phải khẳng định, ngành y tế Việt Nam và những người làm y tế có một vai trò lịch sử rất quan trọng trong suốt quá trình phát triển đất nước. Đặc biệt, thời gian qua dịch bệnh, những người khoác blu trắng là những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nỗ lực tăng lương trong bối cảnh khó khăn
Nhấn mạnh nhận định cả nước đã vượt qua được những ngày khó khăn do Covid-19, ông Dung đánh giá, đóng góp cho thành quả đó là những chính sách xã hội chưa từng có tiền lệ được kịp thời ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trên cơ sở Nghị quyết 30 về những biện pháp cấp bách, đặc biệt chống dịch của Quốc hội, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân khó khăn vì đại dịch Covid-19 ra đời nhanh nhất, thủ tục đơn giản nhất nhưng hiệu quả nhất.
"Nghị quyết 68 và 116 đã nhanh chóng được thực hiện. Thực sự, chưa bao giờ có những chính sách đi vào cuộc sống lập tức như bây giờ. Trước đây, một năm cả nước lo việc trợ cấp với khoảng 1 triệu người. Vậy mà gần 2 năm qua, với Nghị quyết 68 và 116, hoạt động hỗ trợ đã "phủ" tới 55 triệu lượt người với tổng mức kinh phí 81 nghìn tỷ đồng đưa đến tay người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần "không để dân đói, thiếu ăn khi người dân cần".
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách về trợ giúp xã hội vẫn được ban hành như chính sách nâng lương và chế độ cho người có công với cách mạng, tăng lương hưu, điều chỉnh sớm mức lương tối thiểu vùng cho người lao động.
Nhìn chung, tất cả các đối tượng yếu thế đều có chính sách hỗ trợ, nâng đỡ.
Nhắc lại về thời điểm 2,2 triệu người từ TPHCM và 4 tỉnh miền Đông Nam Bộ lần lượt về quê tránh dịch, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khái quát, cuộc di dân trong dịch này là chuyện di biến động về lực lượng lao động bình thường trong cơ chế thị trường, chỉ không bình thường ở chỗ người dân di chuyển dồn dập vào một thời điểm nhất định và vì một lý do lớn nhất là an toàn và an sinh. Nhưng di dân kỳ này khác hoàn toàn là vì người lao động vẫn cơ bản giữ bảo hiểm y tế, bảo xã hội, lương cơ bản...
Và trước bối cảnh có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động, ngay từ tháng 6/2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cảnh báo và đề nghị các doanh nghiệp khu vực trọng điểm phía Nam phải nỗ lực giữ chân lao động bằng các chính sách phúc lợi. Bộ trưởng dự báo khoảng quý 2/2022, lao động sẽ quay lại thị trường đạt 80-90%, tuy nhiên với nỗ lực của ngành lao động và doanh nghiệp, người lao động đã quay lại đạt 95% vào đầu tháng 3/2022.
Bộ trưởng 7 năm kiên trì giải quyết hồ sơ tồn đọng
Với những ý kiến, đề xuất về việc công nhận, giải quyết các hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh, Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhận định, là một vấn đề không đơn giản. Bộ trưởng chia sẻ, sau khi nhận nhiệm vụ, 7 năm qua, ông đã luôn kiên trì với công tác này. Bản thân ông đã 3 lần xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến Chính phủ cho phép Bộ trưởng ban hành một quyết định cá biệt để giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Qua sàng lọc, cả nước còn 7.000 hồ sơ tồn đọng từ thời gian trước, đã được phân loại. Đến nay, trong 7.000 hồ sơ, có khoảng 2.700 trường hợp là liệt sĩ, hơn 2.000 trường hợp thương binh được giải quyết, số còn lại kết luận không đủ điều kiện.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình giải quyết không có một đơn thư nào khiếu nại vì quá trình xem xét, xử lý đều được công khai, minh bạch. Tuy nhiên, vấn đề không dễ dàng bởi chiến tranh đã qua lâu, người làm chứng, hồ sơ không còn… Thực tế, còn nhiều người vẫn thiệt thòi mà để giải quyết rốt ráo, triệt để, theo Bộ trưởng, cần phải cố gắng hết sức.