Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "An sinh bắt đầu từ an dân"

Quang Phong

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ góp phần giảm thiểu bức xúc trong nhân dân. Đây là điều quan trọng để thực hiện chính sách an dân.

Ngày 8/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021". Chương trình được thực hiện dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương.

Tinh thần trách nhiệm, cầu thị cao

Báo cáo về kết quả đánh giá bước đầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, đại diện Tổ công tác của Đoàn giám sát cho biết, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tuân thủ theo đề cương, kế hoạch của Đoàn giám sát với tinh thần trách nhiệm, cầu thị cao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: An sinh bắt đầu từ an dân - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH đã bám sát yêu cầu (Ảnh: quochoi.vn).

Báo cáo với Đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại và tố cáo, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ thực hiện kịp thời, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đầy đủ để thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý Nhà nước của ngành, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nêu rõ các kết quả có được trong tổ chức thực hiện, như: Công tác tiếp công dân; tình hình về giải quyết các đơn liên quan đến lĩnh vực lao động việc làm; tình hình về giải quyết đơn liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại Cục Quản lý lao động ngoài nước; kết quả tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 qua đường dây "nóng".

Thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phản ánh tình hình, kết quả thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trong giai đoạn 2016-2021, chỉ ra các tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các ý kiến tại cuộc họp đã gợi mở cho ngành nhiều điều trong việc tăng cường hơn nữa công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian tới. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn quan niệm, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: An sinh bắt đầu từ an dân - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quan niệm việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành.

"Nếu làm tốt việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với ngành, thì sẽ góp phần giảm thiểu bức xúc trong nhân dân. Đây là điều rất quan trọng để thực hiện chính sách an dân. Mà an sinh cũng bắt đầu từ an dân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.

Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, ngoài việc xây dựng chính sách an sinh, xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. "Những năm đầu nhiệm kỳ trước, tình trạng đơn thư trong lĩnh vực do ngành quản lý khá nhiều. Nhưng đến thời điểm này, đơn thư giảm đi rất nhiều", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Để có được kết quả đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn ví dụ trong việc giải quyết 7.222 bộ hồ sơ người có công với cách mạng, các cán bộ trong ngành phải làm ngày, làm đêm. "Chúng tôi đã tập trung mọi nhân lực, nguồn lực và đổi mới sáng tạo cách làm để thẩm định và xác minh, kết luận hàng nghìn bộ hồ sơ tồn đọng. Đến nay đã giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng. Về chừng mực nào đó, chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết, hiện còn một vài trường hợp vướng mắc là do các cơ quan tham mưu còn có ý kiến khác nhau.

Làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát, ghi nhận tinh thần làm việc tích cực, có trách nhiệm của Tổ công tác cũng như đánh giá cao những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn của các đại biểu tại cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã bám sát yêu cầu, mục đích, đề cương giám sát và tình hình thực tiễn, từ đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến chuyên đề giám sát. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ cũng được đánh giá cao. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều cách làm sáng tạo, triển khai nhiều công việc lớn, có hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện theo quy định. Đồng thời, Bộ cũng đã kịp thời sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/TT-BLĐTBXH; ban hành nhiều công văn chỉ đạo giải quyết kịp thời tháo gỡ, khó khăn trong thực tiễn; thiết lập đường dây "nóng".

Lưu ý Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ cần rà soát, chuẩn hóa số liệu làm cơ sở để đánh giá chính xác, tránh mâu thuẫn trong các nhận định.

Đồng tình với cách làm hay, những ưu điểm nổi bật của Bộ trong triển khai thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ cần có báo cáo cụ thể hơn để chia sẻ kinh nghiệm...