Lãnh đạo Bộ Lao động xuống hầm lò sâu 220m, nắm tình hình lương công nhân
(Dân trí) - Dưới độ sâu âm 220m trong hầm lò, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đã thăm hỏi, tặng quà và tìm hiểu điều kiện làm việc, đời sống của công nhân ở mỏ than Hòn Gai (Quảng Ninh).
Trong chuyến thị sát, tìm hiểu về tình hình việc làm, an toàn lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày 29/3, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh dẫn đầu có cuộc làm việc tại Công ty than Hòn Gai.
Tại khu vực khai thác than của Công ty than Hòn Gai, Thứ trưởng Lê Văn Thanh xuống giếng lò chính. Ở độ sâu âm 220 m, chứng kiến quá trình làm việc của công nhân, lãnh đạo Bộ trực tiếp nắm tình hình thời gian làm việc và nghỉ ngơi, mức lương và đời sống của công nhân hầm mỏ.
Tại đây, công nhân Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1987) bày tỏ xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH. Chia sẻ thông tin, người thợ mỏ có 15 năm làm nghề cho biết: "Công việc của tôi là sửa chữa và duy tu các thiết bị điện, thiết bị vận tải tại các đường hầm. Mức lương hiện tại từ 15-16 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền làm thêm".
Còn theo công nhân Vũ Duy Phúc (sinh năm 1983), các điều kiện làm việc và trang thiết bị bảo hộ lao động tại hầm lò luôn đảm bảo. Đặc biệt, công tác an toàn lao động được kiểm soát nghiêm ngặt từ trước khi xuống hầm lò cũng như tại từng khu vực làm việc.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng tới thăm khu vực y tế nằm giữa khu hầm mỏ. Anh Nguyễn Đức Hải, cán bộ y tế tại khu vực cho biết: "Với chức năng hỗ trợ ban đầu, trạm y tế tại hầm lò đã điều trị cho công nhân khi gặp các triệu chứng đau đầu, đau bụng hoặc phòng chống các tai nạn xảy ra".
Cũng tại đây, Thứ trưởng đã động viên, tặng quà tới đại diện công nhân và lưu ý, bên cạnh việc đảm bảo sản xuất, phải tuân thủ nghiêm các quy định an toàn lao động trong từng ca làm việc.
Trước đó, tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, ông Bùi Khắc Thất - Giám đốc Công ty Than Hòn Gai cho biết, doanh nghiệp hiện có hơn 4.100 lao động, đa số thuộc diện hợp đồng không xác định thời hạn.
Do đặc thù sản xuất, công ty luôn chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động, trong đó nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ, như: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong an toàn lao động, thành lập phòng an toàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên, đội cấp cứu mỏ bán chuyên; tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, chuyên đề theo kế hoạch; tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
Ngoài ra, công ty còn tự tổ chức huấn luyện cho người lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Kết quả, trong Quý I/2022, Công ty đã giữ vững mục tiêu an toàn, không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam trong đó có Công ty than Hòn Gai trong điều kiện khó khăn do Covid-19, giá nguyên liệu và dịch vụ gia tăng, tỷ lệ công nhân nhiễm Covid-19 cao, công tác xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do tình hình thế giới diễn biến bất lợi.
Đặc biệt, vấn đề việc làm và tiền lương của người lao động của Công ty luôn được giữ ổn định. Công tác phòng chống dịch và an toàn vệ sinh lao động được đảm bảo tốt, từ đầu năm 2022 tới nay, doanh nghiệp không để xảy ra tai nạn lao động.
Thứ trưởng cũng cho biết, Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa thông qua việc điều chỉnh "trần" giờ làm việc trong tháng lên 60 giờ và trong năm lên 300 giờ, áp dụng với mọi ngành nghề. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp cân đối thời gian, bố trí sản xuất và tăng năng suất lao động trong bối cảnh hiện nay.
"Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà, ở trọ số tiền từ 1,5-3 triệu đồng trong 3 tháng. Đây là cách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, nhưng sâu xa hơn chính là giúp cho doanh nghiệp giữ chân người lao động, thu hút người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động trong bối cảnh khó khăn", Thứ trưởng lưu ý.
Về chính sách tiền lương, Thứ trưởng Thanh cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định mới về tiền lương, theo đó thang bảng lương sẽ do người sử dụng lao động quyết định. Khi việc này được áp dụng sẽ là cơ sở để người sử dụng lao động tận dụng, linh hoạt quyết định việc đãi ngộ nhân sự.
Về đào tạo, lãnh đạo Bộ nhắc nhở doanh nghiệp chú trọng công tác tạo nguồn và tập huấn cho nhân lực trẻ, đặc biệt là người lao động thiểu số. Đồng thời cần tranh thủ chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (theo Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021) vẫn còn hiệu lực tới hết 30/6/2022.
Với đặc thù môi trường làm việc hầm lò, Thứ trưởng Thanh ghi nhận, công ty rất quan tâm tới công tác đảm bảo công tác an toàn cho người lao động, chăm lo vấn đề hậu Covid-19 của các công nhân từng là F0, đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho Tháng hành động về An toàn vệ sinh an toàn lao động năm 2022 đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Tiếp thu kiến nghị về tiền lương cho người lao động
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã tới làm việc với Công ty xăng dầu B12. Qua thực tế tìm hiểu, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và Công ty xăng dầu B12 tại nơi làm việc, như khu vực kho, nhà điều hành và cầu tàu; công tác đảm bảo phòng dịch Covid-19 cũng như việc đảm bảo thu nhập, đời sống việc làm của người lao động.
Với kiến nghị của doanh nghiệp về đơn giá tiền lương ngành cho người lao động, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận, trên cơ sở cân đối kế hoạch thực hiện, doanh thu, năng suất lao động và mức tiền lương chi trả cho người lao động để có ý kiến với cơ quan chức năng.
Thứ trưởng cũng lưu ý các quy định chung về đánh giá rủi ro cần thực hiện theo Luật An toàn vệ sinh lao động và hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành. Đồng thời, lãnh đạo Bộ ủng hộ việc tăng cường trao đổi thông tin về chia sẻ trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động giữa doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…