1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bỏ lương hưu tối thiểu, cách nào hỗ trợ người có mức lương quá thấp?

Hoa Lê
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi không còn quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất như hiện hành và đề xuất thiết kế lương hưu có tính chia sẻ, hỗ trợ.

Lo ngại khi không còn mức lương hưu thấp nhất

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 27/5, về việc giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) nhận định, chính sách này cụ thể hóa Nghị quyết 28.

Hướng quy định này cũng phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của Việt Nam còn ở giai đoạn phát triển, tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục.

Bỏ lương hưu tối thiểu, cách nào hỗ trợ người có mức lương quá thấp? - 1

Đại biểu Vương Thị Hương (Ảnh: Quốc hội).

Tuy nhiên, do mức lương hưu hằng tháng dựa trên thời gian đóng và mức tiền lương thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên nữ đại biểu lo ngại việc giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm xuất hiện thêm trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức thấp, lao động nam hưởng 33,75%.

Bên cạnh đó, đại biểu Vương Thị Hương đề cập thêm, dự thảo luật không còn mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như quy định của luật hiện hành.

"Đây là điều người lao động rất băn khoăn, lo ngại nguy cơ nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai", đại biểu nói.

Do vậy, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị xem xét thiết kế lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho người có mức lương hưu quá thấp đảm bảo cuộc sống.

Lương hưu với lực lượng vũ trang sẽ giảm với cách tính mới?

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, cần phải làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự thảo luật, đồng thời phát huy  dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động.

"Với người lao động, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến chuyện an sinh cả cuộc đời", đại biểu Phước nhận định.

Bỏ lương hưu tối thiểu, cách nào hỗ trợ người có mức lương quá thấp? - 2

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Ảnh: Quốc hội).

Theo phương án đề xuất trong dự thảo luật, đại biểu Phước cho biết, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2019, lương hưu được tính bằng mức bình quân tiền lương tháng trong toàn bộ quá trình đóng.

"Việc này tác động lớn đến lương hưu của lực lượng vũ trang do đa phần đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng vũ trang thời gian từ 2-6 năm là thời gian học viên, công an, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ được đóng trên mức lương cơ sở là 1.0. Do đó, nếu tính bình quân cả quá trình làm giảm lương hưu của lực lượng vũ trang", đại biểu cho biết.

Để khắc phục hạn chế trên, đại biểu kiến nghị cân nhắc việc tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu của đối tượng lực lượng vũ trang theo hướng tính trên mức bình quân tiền lương tháng toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội sau khi trừ thời gian được nhà nước đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương cơ sở.