Bị bệnh hiểm nghèo, người lao động được nghỉ tối đa 180 ngày/lần?
(Dân trí) - Lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng chế độ BHXH khi nghỉ việc để chữa bệnh. Thời gian mỗi lần nghỉ chữa bệnh tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh mà người lao động mắc phải.
Chế độ ốm đau là 1 trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) quan trọng mà người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng.
Tại các diễn đàn trao đổi về chính sách BHXH, chế độ ốm đau cũng là đề tài mà nhiều người lao động thắc mắc. Nhiều lao động vẫn chưa hiểu hết các quy định về chế độ này, đặc biệt là thời gian mà người lao động được nghỉ việc hưởng chế độ BHXH để trị bệnh.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau không ngừng tăng lên qua các năm. Trong 6 năm, từ 2016 đến 2021, đã có trên 45 triệu lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Chế độ ốm đau được thực hiện đã góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi họ không may bị ốm hoặc tai nạn rủi ro phải nghỉ việc hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau.
Đặc biệt, chế độ này hỗ trợ rất lớn cho người lao động chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, phải nghỉ việc để chữa bệnh trong thời gian dài được hưởng chế độ BHXH với thời gian nghỉ tối đa mỗi lần chữa bệnh lên đến 180 ngày.
Cụ thể, theo điều 26 luật BHXH, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động là 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Thời gian nghỉ là ngày làm việc, không tính ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần). Khi hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Theo BHXH Việt Nam, khoản 2 điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT (sau đó được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-BYT) quy định chi tiết về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Theo đó, một lần người lao động đi khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo Chương trình Chống lao Quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật BHXH nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Theo BHXH Việt Nam, căn cứ vào nguyên tắc trên, người lao động có thể đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình để xác định chính xác số ngày tối đa được nghỉ việc hưởng BHXH.