1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bị anh ruột xâm hại tình dục, "sống sao cho nổi một ngày bình thường?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Th. tưởng rằng có thể gạt đi ký ức bị anh ruột xâm hại tình dục hồi bé. Vậy nhưng, càng lớn hậu quả của việc xâm hại để lại trên cuộc đời cô càng rõ nét.

Lo bố biết chuyện hơn là sợ nhiễm bệnh

Tới 25 tuổi, N.L.Th đã có hơn 2 năm liên tục trị liệu tâm lý. Cô bị xâm hại tình dục (XHTD) lúc mới hơn 6 tuổi và kẻ xâm hại là anh trai ruột, người hơn cô 7 tuổi. Nhiều lúc, Th. vẫn không tin đó là chuyện có thật nhưng mọi cảnh như cuộn phim hiện lên trước mắt. 

Việc đó thường xảy ra sau giờ học khi bố mẹ chưa đi làm về nhưng cũng có khi xảy ra ngay trong phòng ngủ. Lớn hơn một chút Th. bắt đầu mường tượng đó là "chuyện xấu xa" nhưng cô không biết làm cách nào để chạy trốn khi anh em ở chung nhà, chung phòng và càng không dám hé nửa lời với bố mẹ. 

Bị anh ruột xâm hại tình dục, sống sao cho nổi một ngày bình thường? - 1

Cô gái đau khổ không biết phải bước tiếp thế nào khi bị chính anh trai xâm hại tình dục (Ảnh minh họa).

"Tôi không thể trả lời rõ mình sợ gì nhưng thay vì mách bố mẹ, tôi đã im lặng", Th. nói. Đến năm Th. 11 tuổi, sự việc mới chấm dứt khi anh trai đi học xa nhà. Từ đó đến nay, Th. chưa từng nhìn thẳng vào mắt anh mình, chưa từng nói chuyện với anh, cô tìm mọi cách né tránh...

Bề ngoài Th. luôn thể hiện mình ổn, cố gắng gạt đi những chuyện mình không muốn nhớ, không muốn nhắc... Dẫu rằng, những thứ cô gọi là "bệnh hoạn, bẩn thỉu" vẫn hiện mồn một trong đầu, thường xuyên đi vào những giấc ngủ làm cô toát mồ hôi, hoảng loạn thức giấc giữa đêm. 

"Hồi lớp 2 tôi bị anh trai của đứa bạn thân cạnh nhà XHTD. Gần 20 năm qua, tôi vẫn nhớ khi đó hắn nói dối là chỉ chơi trò bác sĩ và bệnh nhân. Đến khi cấp 2 tôi mới biết đó là hành vi XHTD. Nỗi sợ bị người ngoài phát hiện và nguy cơ bệnh tật còn không lớn bằng nỗi sợ bị bố biết chuyện. Tôi bây giờ, một con người sợ giao tiếp, không bạn bè. Với mọi người, tôi là kẻ lập dị. Tôi chưa từng có lấy một ngày vui vẻ", lời kể của một nạn nhân bị XHTD.

Mọi việc càng khó khăn hơn khi Th. bước vào mối quan hệ tình cảm ở năm cuối đại học. Tưởng rằng tình yêu có thể làm lành vết thương trong quá khứ. Nhưng không, đó lại lúc cô điên loạn nhất. Th. sợ hãi, phản ứng kỳ quái khi bạn trai thể hiện tình cảm như cái vuốt tóc, cầm tay.

Không chỉ là việc cô từ chối một cách cực đoan việc tiếp xúc nam nữ, điều bạn trai cô không thể chịu đựng được là ánh mắt của T. nhìn anh đầy sợ hãi, ghê rợn. Trầy trật hơn một năm, mối quan hệ này tan vỡ. 

Sau đó, Th. quyết định đi khám tâm lý. Đó cũng là lần đầu tiên cô gái mở lời kể về sự việc. Cô sợ khi phải nhớ đến, phải gọi tên những sự việc mình đã trải qua. 

Giờ cô không còn căm hận đến mức muốn giết anh trai như trước. Nhưng cô ghét bản thân mình. "Cách nào để tôi có thể sống nổi một ngày bình thường đây?", Th. hỏi đầy đau khổ. 

Bị XHTD đã là điều khủng khiếp, bị chính người ruột thịt trong gia đình xâm hại phải nói là tận cùng của đớn đau, bi kịch. Đã rất nhiều lần, Th. nghĩ đến cái chết...

Bố mẹ "dẫn cọp vào hang"

Đã hơn 20 năm trôi qua, Minh Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi), 28 tuổi vẫn mang nỗi đau tận cùng vì quá khứ bị XHTD. Đã cả trăm lần Ngọc muốn kể ra với mẹ nhằm mong vơi đi phần nào cơn tức căng phồng lồng ngực. Nhưng cô không tài nào mở lời được.

Kẻ xâm hại là người đồng hương của bố mẹ Minh Ngọc. Bố mẹ xem ông ta như anh em, đến làm ăn rồi ở lại trong nhà Ngọc.

"Buổi chiều hôm ấy, sau khi bị ông ấy xâm hại, em chảy máu rất nhiều. Ông ấy xách em ra phi nước, dội sạch cho em trước khi ba mẹ về. Năm đó, em 7 tuổi", cô gái đau đớn kể lại ký ức với TS tâm lý Phạm Thị Thúy (Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM). 

Bị anh ruột xâm hại tình dục, sống sao cho nổi một ngày bình thường? - 2

Nhiều đứa trẻ không thể lên tiếng khi bị xâm hại (Ảnh minh họa từ bộ ảnh "Những đứa trẻ mang bầu").

Sau đó nhiều năm trời, "người bạn tốt" này của bố mẹ tiếp tục xâm hại Ngọc. Sự việc đó chỉ dừng lại khi em đi học xa nhà năm lớp 8. 

Cô chán ghét bản thân vì mình đã không đủ dũng khí để nói lên tất cả. Liều thuốc thời gian có thể chữa lành mọi thứ nhưng không có tác dụng với nỗi đau này của Ngọc. Khi có bạn trai, cô càng đau khổ, dằn vặt vì quá khứ của mình. 

Ngọc có cô cháu gái, lúc nào cô cũng lo sợ cháu mình bị xâm hại. "Râu xanh" có thể bất kỳ ai xung quanh, như: Ông anh, ông chú, ông bạn hoặc ông hàng xóm... 

Số liệu thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), trẻ em bị XHTD từ những người thân quen lên đến 93%,. Trong đó, hơn 34% là thành viên trong gia đình, gần 60% là người có quen biết với trẻ và chỉ có 7% kẻ xâm hại là người lạ.

Ngọc nói, người Việt rất mến khách: Cứ có người ở xa tới chơi là dễ dàng mời ở lại nhà ngủ vài ngày. Hay có người quen đến đi làm cũng cho ở lại nhà, có khi còn để ngủ cùng con với con gái mình vì nghĩ người ta tốt, còn con mình còn bé. 

Bố mẹ thường nhầm tưởng kẻ XHTD trẻ là một kẻ xấu xa, xa lạ nào đó. Nhưng thực tế, kẻ xâm hại không mang khuôn mặt lạ, dữ tợn mà hầu hết là người thân, người quen ngay cạnh trẻ. Chưa kể, có khi chính bố mẹ chủ quan để anh em ở chung phòng hay "dẫn cọp vào hang ăn thịt con mình".

Người quen là người các em khó đề phòng nhất, khó phản kháng nhất. Và cũng vì thủ phạm là người quen nên gia đình nạn nhân thường ngại tố cáo, lên tiếng hoặc có những thương lượng riêng...

Hậu quả của XHTD để lại trên đứa trẻ là vô cùng khủng khiếp. Nhiều người vật vã cả đời cũng khó chữa lành nổi bản thân, không thể tha thứ cho chính bản thân... dù rằng họ là nạn nhân.