1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bé 17 tháng tuổi bị đánh đến chết: Đớn đau trao con cho... "ác mẫu"!

Hoài Nam

(Dân trí) - Đã không ít đứa trẻ đang chập chững bước đi bị chính các bảo mẫu hoặc người được gia đình tin tưởng nhờ chăm sóc bạo hành đến tử vong.

Vụ việc bé gái 17 tháng tuổi T.G.H tử vong bất thường nghi bị bạo hành tại phòng trọ ở đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM gây xôn xao những ngày qua. Cơ quan điều tra thông tin, trước khi tử vong, cháu bé đã bị người giữ trẻ bạo hành. 

Bé 17 tháng tuổi bị đánh đến chết: Đớn đau trao con cho... ác mẫu! - 1

Điểm giữ trẻ của "bảo mẫu" 9X Nguyễn Ngọc Phượng nằm trong khu trọ ở phường Phú Mỹ, quận 7 (Ảnh: Hoàng Thuận).

Theo tố giác của anh Trương Hoàng Đức, bố cháu bé trên mạng xã hội, anh gửi con qua đêm cho Nguyễn Ngọc Phượng (31 tuổi) tại phòng trọ nói trên từ ngày 25/9 với chi phí 5 triệu đồng/tháng.

Giữa đêm 6/11, anh nhận được điện thoại của Phương báo tin bé bị bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện quận 7 và đã chuyển lên cấp cứu ở bệnh viện Nhi Đồng 2. 

Vào viện, anh Đức thấy toàn thân bé tím tái, đang hôn mê, trên người có nhiều vết bầm tím. Nghi ngờ con bị bạo hành, anh trình báo sự việc lên công an. Sáng 8/11, con gái anh tử vong tại bệnh viện. 

Khi tiếp nhận, cơ quan điều tra buộc phải khám nghiệm tử thi cháu bé, xác định nguyên nhân tử vong do chấn thương sọ não. 

Ban đầu làm việc với công an, "bảo mẫu" Nguyễn Ngọc Phượng chối phăng việc đánh bé gái. Chỉ đến khi cơ quan điều tra đưa ra những tài liệu, chứng cứ rõ ràng, Phượng mới khai nhận việc đã nhiều lần đánh đập cháu bé. 

"Bảo mẫu" 9X kể rằng, cô nhận giữ bé H. toàn thời gian từ ngày 25/9 vừa qua. Trong thời gian đó, Phượng nhiều lần dùng tay, cán chổi bằng nhựa đánh vào mặt, tay chân của bé gái. 

Việc bạo hành một đứa trẻ chỉ mới chập chững bước đi được "ác mẫu" lý giải là do "bé hay quấy khóc" và "cha bé không trả tiền giữ bé đúng hạn". 

Đỉnh điểm từ ngày 31/10 đến 5/11, khi bé quấy khóc, Phượng nhiều lần dùng tay tát mạnh vào mặt, vào đầu, thậm chí dùng bình sữa gõ đầu cháu bé. 

Chồng Phượng là Trần Trọng Hữu khai nhận từng lên tiếng can ngăn khi nhiều lần chứng kiện vợ đánh đập bé gái. Tuy nhiên, chính hắn ta cũng từng đánh cháu bé. 

Cơ quan CSĐT Công an quận 7 đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Ngọc Phượng về tội "Cố ý gây thương tích" và đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Ngọc Phượng và Trần Trọng Hữu trong vụ việc này. 

Bé gái 17 tháng tuổi chết trong đau đớn này không phải là đứa trẻ duy nhất thiệt mạng dưới tay bảo mẫu được bố mẹ gửi gắm. 

Chỉ cách đây vài tháng, cũng tại TPHCM, bé gái chỉ mới 1 tuổi T.K chết tức tưởi dưới tay người chăm sóc Hứa Thị Kim Trang. 

Sáng hôm đó, sau khi trao cháu bé cho Trang, mẹ bé vừa quay đi chưa lâu thì phải kinh hoảng quay lại đưa con đi cấp cứu, nhưng đáng tiếc, nạn nhân đã không qua khỏi. 

Bé 17 tháng tuổi bị đánh đến chết: Đớn đau trao con cho... ác mẫu! - 2

Cháu bé ở Lâm Đồng bị hai bảo mẫu đánh đập dẫn đến chấn thương sọ não, dập phổi...

Khám nghiệm tử thi cho thấy bé gái bị đa chấn thương vùng bụng, dập gan, dập phổi, có dấu hiệu bị bạo hành. Cô bảo mẫu là bà con của gia đình cháu bé khai nhận, do bực tức vì cháu K. ho và ói sữa nhiều lần nên dùng tay đánh vào vùng bụng cháu bé. 

Cũng trong năm nay, tại Lâm Đồng, cháu bé 2 tuổi con chị C.T.TH bị hai bảo mẫu là Huỳnh Thị Thanh Hằng (26 tuổi) và Vương Ngọc Thảo Vy (27 tuổi) đánh đập dã man. Cháu bé được đưa vào viện trong tình trạng chấn thương sọ não, tụ máu não và dập phổi... 

Không biết bao nhiêu đứa trẻ bị mất mạng hoặc phải chịu đau đớn, thương tổn ảnh hưởng đến cuộc đời từ chính những người chăm sóc được bố mẹ gửi gắm. 

Theo quy định hiện nay, phụ nữ được nghỉ thai sản 6 tháng. Sau khi đi làm trở lại, việc thu xếp người giữ con vô cùng nan giải với nhiều gia đình. Họ phải bấu víu, gửi con khắp nơi mà không kiểm chứng sự an toàn. Như trường hợp cháu bé 17 tuổi tử vong nói trên, người bố gửi con vì nghe thông tin qua mạng xã hội... 

Thạc sĩ Trần Thị Minh, chuyên gia tâm lý tại TPHCM cảnh báo, điều nguy hiểm nhất là nhiều người không hề có khả năng, chuyên môn chăm sóc trẻ nhỏ nhưng lại tham gia vào công việc này. Trong khi thực tế, nhiều người trẻ hiện là con một trong gia đình, được cưng chiều, đến tự chăm sóc mình còn khó chứ chưa nói đến việc chăm sóc một đứa trẻ từ việc ăn tới ngủ nghỉ, vệ sinh, dạy dỗ... 

Ngoài ra, bà Minh cũng băn khoăn việc nhiều người lớn tàn nhẫn, độc ác với trẻ nhỏ. Thậm chí, có những uất ức với bố mẹ các cháu hay người xung quanh, họ xem đứa trẻ là nơi để trút giận. 

Đề án giữ trẻ từ 6-18 tháng tại TPHCM được phê duyệt từ năm 2014 sau nhiều tranh cãi. Đến nay có rất nhiều trường mầm non ở khắp các quận huyện nhận giữ trẻ trong độ tuổi này. Tuy vậy, các trường cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Trường chỉ nhận số lượng nhất định nên nhiều gia đình phải tự xoay xở việc gửi con. 

Bé 17 tháng tuổi bị đánh đến chết: Đớn đau trao con cho... ác mẫu! - 3

Đề án giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại TPHCM triển khai từ năm 2014 (Ảnh: H.N).

Không thiếu những hoàn cảnh rơi vào bế tắc, những người phụ nữ không thể quay lại công việc, bỏ việc để trông con. Cụ thể, gần đây, Cơ quan công an phát hiện người mẹ chết trong tư thế treo cổ ở nhà tắm, còn cháu bé 2 tuổi tử vong trên giường tại một căn phòng trọ ở Hóc Môn, TPHCM. Theo hàng xóm xung quanh, do không có người giữ con để đi làm, cuộc sống quá khó khăn, trước đó, người mẹ này đã từng nhiều lần nghĩ đến cái chết.