Đòn bẩy thoát nghèo từ cuộc vận động mỗi đơn vị giúp một xã nghèo
Bài 2: "Cứu tinh" giúp người dân thoát nghèo bền vững
(Dân trí) - Không chỉ hỗ trợ giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều mô hình phát triển kinh tế cho các xã nghèo miền Tây Nghệ An đã được triển khai. Từ sinh kế này, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An là đơn vị nhận giúp đỡ các xã Môn Sơn (huyện Con Cuông), Tam Hợp (Tương Dương) và Bắc Lý (Kỳ Sơn). Đây cũng là đơn vị duy nhất nhận giúp đỡ 3 xã nghèo của tỉnh Nghệ An.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hậu - Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An, trong năm qua, đơn vị đã hỗ trợ 3 xã nghèo hơn 660 triệu đồng mua vật nuôi, làm mới, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn; giúp đỡ 35 hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo.
Ngoài ra, BĐBP tỉnh cũng trao 2.200 suất quà trị giá hơn 1,1 tỉ đồng cho các hộ nghèo của các xã nhận giúp đỡ; thực hiện đỡ đầu cho 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 500 nghìn đồng và nhận nuôi 6 cháu tại các đồn biên phòng.
Đến nay đã có 78 mô hình chăn nuôi, trồng trọt được các sở ngành, đơn vị xây dựng và duy trì phát triển tại các xã nghèo thuộc 11 huyện miền Tây Nghệ An. Các mô hình này được đánh giá là đưa lại hiệu quả thiết thực và cho hiệu quả kinh tế cao.
"Người dân vùng biên có giàu thì biên giới mới vững chắc nên giúp dân thoát nghèo không chỉ gắn với trách nhiệm xã hội mà còn là nhiệm vụ chính trị, góp phần củng cố, bảo vệ an ninh biên giới. Cùng với chương trình mỗi đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới giúp 2-3 hộ dân thoát nghèo mỗi năm, BĐBP tỉnh tập trung nguồn lực giúp 3 xã nghèo đã nhận.
Sau 5 năm thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ 3 xã nghèo, tỉ lệ hộ nghèo tại 3 xã này giảm xuống dưới 50%, đời sống người dân đã được cải thiện, các điều kiện kinh tế, xã hội được nâng lên rõ rệt. Nhờ vậy tình hình an ninh quốc phòng khu vực biên giới được giữ vững", Thượng tá Nguyễn Văn Hậu cho hay.
Ngoài việc hỗ trợ giúp người dân giảm bớt khó khăn trước mắt, BĐBP Nghệ An đã có nhiều mô hình sinh kế hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho các hộ dân. Việc hỗ trợ sinh kế không thực hiện dàn trải mà tập trung, đảm bảo các hộ dân được giúp đỡ đều có điều kiện phát triển kinh tế để từ đó nhanh chóng thoát nghèo. Trong đó phải kể đến mô hình giao lợn giống bản địa cho các hộ dân.
"Nguồn lợn giống do chính cán bộ, chiến sĩ các đồn tự nuôi, chăm sóc, khi lợn đủ điều kiện tách mẹ sẽ được trao cho các hộ dân. Hàng năm trên địa bàn có đồn biên phòng đóng chân, trong đó có 3 xã nghèo nhận giúp đỡ, chúng tôi sẽ bàn giao cho 2 hộ dân mỗi hộ 4-5 con lợn giống.
Cán bộ của các Đồn sẽ trực tiếp phổ biến kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ người dân trong việc chăm sóc, phòng bệnh cho đến khi lợn xuất chuồng. Hiện trên thị trường thịt lợn đen đang rất có giá, nên sau khi xuất bán, các hộ dân sẽ có một số thu nhập khá để cải thiện cuộc sống, tái đầu tư sản xuất", Thượng tá Hậu cho biết thêm.
Tính đến thời điểm này, BCH BĐBP tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ 1.200 con lợn giống bản địa cho các hộ nghèo, trong đó nhiều hộ dân thuộc 3 xã nghèo đơn vị nhận giúp đỡ để họ có sinh kế để vươn lên thoát nghèo.
Năm 2015, xã Xiêng My (Tương Dương, Nghệ An) có 477 hộ nghèo trên tổng số 734 hộ dân toàn xã, chiếm đến 64,99%. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 33%, trung bình mỗi năm giảm gần 8% hộ nghèo. Ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, không thể không nhắc tới "ngân hàng bò" mà 70 hộ nghèo ở đây đã được thụ hưởng.
Những con bò được luân chuyển từ gia đình này qua gia đình khác thực sự là đòn bẩy giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Đây là sinh kế mà cán bộ, nhân viên Báo Nghệ An hỗ trợ cho người dân.
Bà Trần Thị Thu Phương - Phó Chủ tịch công đoàn Báo Nghệ An cho biết: "Năm 2012, Báo Nghệ An được UBND tỉnh phân công giúp đỡ xã nghèo Xiêng My. Từ đó đến nay, có 70 hộ dân được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện sống tốt hơn. Ngoài việc mỗi năm hỗ trợ 2 hộ dân bò giống, chúng tôi hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu đồng để làm chuồng.
Cùng với cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, chúng tôi phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện và chính quyền xã hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng cỏ voi chủ động nguồn thức ăn cho bò. Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện là từ đóng góp của cán bộ, phóng viên, nhân viên, người lao động của báo và vận động từ các đơn vị, doanh nghiệp".
Chị Vi Thị Chói là một trong hai hộ nghèo đầu tiên tại xã Xiêng My được hỗ trợ bò sinh sản từ Báo Nghệ An. "Hồi đó nhà nghèo lắm nên khi được nhận bò của Báo Nghệ An mình vui lắm. Được tặng bò, được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh, hai vợ chồng bàn với nhau phải chăm cho con bò thật béo, thật khỏe để nhanh đẻ con.
Sau 1 năm, con bò đẻ ra con bê, nhà mình được nhận con bê này để nuôi, còn bò mẹ thì chuyển cho gia đình nghèo khác. Từ con bê này, nhà mình nuôi thành bò, đến nay nó sinh được 3 con nữa rồi. Tiền bán bò mình sửa sang được nhà cửa, nuôi 3 con ăn học, mừng lắm".
Bài 3: Phát huy trách nhiệm, thiết thực giúp xã nghèo