Bà mẹ gây sốc khi nói với con gái 13 tuổi: "Con được quyền phá thai"
(Dân trí) - Chia sẻ về vấn đề giới tính, tình dục với con gái mới lớn, chị Hồng Thơm thẳng thắn nói: "Con có quyền phá thai!".
Tuổi của con đã có thể mang thai
Tháng 9 vừa qua, khi con gái qua sinh nhật tuổi 13 cũng là lúc chị Nguyễn Hồng Thơm, 40 tuổi, nhà ở phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM nói chuyện với con vấn đề "nặng đô" trong giáo dục giới tính: vấn đề nạo phá thai.
Lúc này, con vừa bước vào tuổi dậy thì, chị trao đổi kiến thức về quá trình thụ thai để con hiểu tuổi của con hoàn toàn có thể mang thai, các phương pháp tránh thai, dấu hiệu nhận biết có thai, hậu quả của việc mang thai, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên.
"Tôi cùng con phân tích về hậu quả của nạo phá thai. Nhưng tôi cũng nói với con, trong tình huống cần thiết, con có quyền phá thai, người mẹ nói.
Qua đó, chị trao đổi được với con về việc khi yêu, mỗi người cần giữ gìn, cần có kiến thức. Không may "yêu" thiếu an toàn, để lại hậu quả thì quan trọng nhất là việc lỡ mang thai cần được phát hiện sớm nhất, trao đổi với bố mẹ để có phương án phù hợp.
Người mẹ nói, trong việc dạy con, chị không hù dọa, cũng không tuyệt đối hóa mọi chuyện. Con cũng như bố mẹ, là con người thì đều có thể vấp ngã, sai lầm. Nhưng con cần thấy mình có nhiều con đường, nhiều lựa chọn và đặc biệt cần thấy luôn có bố mẹ ở bên trong mọi hoàn cảnh.
Chị Thơm kể, ngay từ ngày con còn bé xíu, khi tắm cho con, chị đã thường xuyên nói với con về cơ thể nam và nữ, về giới tính, quyền về thân thể, về các bộ phận riêng tư... không ai được phép động chạm.
"Nhiều trẻ nhỏ thường thay quần áo giữa chỗ đông người, các bé gái vô tư để chú, bác ôm ấm, cưng nựng nhưng con gái tôi tuyệt đối không. Cháu thay đồ nơi kín đáo, biết giữ khoảng cách với mọi người, đặc biệt là người khác giới", chị Thơm nói.
Theo độ tuổi của con, chị Thơm dần mở rộng vấn đề, nội dung trao đổi với con về sự trưởng thành, dậy thì và kinh nguyệt, về tình yêu nam nữ, quan hệ vợ chồng...
Chị Thơm cho biết, để có thể trao đổi với con chị phải học, đọc rất nhiều sách, không chỉ tìm hiểu kiến thức mà còn tìm hiểu về mặt luật pháp để cung cấp thông tin một cách khoa học, chính xác. Như lứa tuổi được phép và phù hợp để quan hệ tình dục, luật về nạo phá thai ở Việt Nam và các nước. Nhiều thông tin chị không nắm rõ, còn nhờ con tìm hiểu, hỗ trợ.
Cũng như quan điểm có nên "vẽ đường cho hươu chạy" gây tranh cãi lâu nay, người mẹ nói thẳng với con về các vấn đề giới tính, đặc biệt dạy "con có quyền phá thai" kéo theo nhiều ý kiến trái chiều.
Lâu nay, người lớn thường né tránh, che đậy, lờ đi những câu hỏi, thắc mắc tự nhiên về giới tính của con trẻ. Tuy nhiên, giờ đây, nhiều phụ huynh đã chọn cách thông tin, cung cấp cho con về vấn đề giới tính, tình dục một cách rõ nét, trực diện.
Bố mẹ né tránh, trẻ sẽ tự bơi
Trong chương trình "Nói gì với trẻ về mang thai và tránh thai" của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, PGS.TS Trần Thu Hương cho hay, ngay cả ở phương Tây, việc nói về vấn đề này với con cũng không hề dễ dàng. Đặc biệt, nền văn hóa Á Đông thường kiêng kị khi nói về các vấn đề tình dục, mang thai, tránh thai ở lứa tuổi sớm.
Theo bà Hương, khi bố mẹ ngại ngùng, không đồng hành để trang bị kiến thức, thông tin cho con, trẻ có thể tự tìm hiểu trên mạng xã hội. Thông tin cung cấp trên mạng thường khó kiểm soát, có thể gia tăng sự tò mò, thậm chí sai lệch, đẩy trẻ vào những tình huống nằm ngoài kiểm soát của chính bản thân và phụ huynh.
PGS.TS Trần Thu Hương bày tỏ, ngay ở bậc mầm non đã có bài học về việc giữ gìn thân thể, phòng chống xâm hại tình dục. Chương trình đạo đức, khoa học tự nhiên ở lớp 5 đã có nội dung về giảng dạy sức khỏe sinh sản.
Các con đã có những kiến thức cơ bản từ lúc đó mà nếu bố mẹ vẫn... cấm kị, trì hoãn thì có thể sẽ bỏ lỡ những cơ hội chia sẻ với con.
Với vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho con trẻ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP HCM - cho biết, muốn giáo dục tốt về lĩnh vực này cho trẻ thì chính người lớn cần có nhận thức, quan điểm đúng về tính dục, xem đó là một phần tự nhiên và lành mạnh của đời sống con người.
Kiến thức về chuyện "quan hệ", bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhấn mạnh, chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống giáo dục giới, sinh sản cho trẻ. Giáo dục giới tính bao gồm nhiều khía cạnh liên quan như đạo đức, thể chất, xã hội, cảm xúc, tâm lý, tâm linh… Việc giáo dục phải mang tính toàn diện chứ không đơn thuần chỉ dạy về cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc tránh thai.
"Trái với suy nghĩ của nhiều người, biết nhiều trẻ sẽ… hư thì các nghiên cứu cho thấy, việc được giáo dục về giới tính tốt và sớm giúp trẻ nhận thức rất nhiều về bản thân như sống có trách nhiệm, biết tự bảo vệ mình, không quan hệ tình dục sớm và tự tin hơn", BS Đỗ Hồng Ngọc lưu ý.
Một bác sĩ sản tại TPHCM nêu quan điểm, việc giáo dục giới tính cần đi theo lộ trình từ gốc đến ngọn.
Đầu tiên, phải dạy con trẻ trân quý, giữ gìn thân thể, phẩm giá để trẻ không dễ dãi "trao thân" hay chiếm đoạt người khác. Tiếp đó là cung cấp cho trẻ về các biện pháp phòng tránh thai, hậu quả nạo phá thai tuổi vị thành niên.
Nếu tránh thai bất thành thì cần có kiến thức phát hiện dấu hiệu mang thai sớm. Khi phát hiện sớm, việc can thiệp, hỗ trợ sẽ thuận lợi hơn, tránh việc trẻ vị thành niên phải phá thai lớn, cực kỳ nguy hiểm.
"Tôi không khuyến khích việc phá thai nhưng cần thẳng thắn với con, đó là việc luật pháp không cấm", nữ bác sĩ cho hay.
Theo bà, nếu người lớn đe dọa có thể dẫn đến việc đứa trẻ "lỡ dại" nhưng không dám nói với bố mẹ, giấu kín cho đến khi thai lớn không giấu nổi nữa hoặc chúng tìm đến những cơ sở phá thai chui...
Quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định về quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai: Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.
Theo quy định hiện hành, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần, loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai đều là vi phạm pháp luật.