Bí mật động trời của con gái 16 tuổi xin mẹ "đừng bắt phá thai"
(Dân trí) - Thú nhận với mẹ về cái thai hơn 6 tháng, cô con gái 16 tuổi của chị L. năn nỉ mẹ "đừng bắt phá thai". Khi biết lý do con xin giữ thai, người mẹ muốn gục ngã vì bí mật động trời của cô bé...
Mang thai 6 tháng, con gái tiết lộ sự thật động trời
Chị M. L., 39 tuổi, ở Bình Dương sẽ không bao giờ biết sự thật về con gái nếu con bé không thú nhận việc mình mang bầu.
Con gái chị, mới 16 tuổi. Trong mắt mọi người, đó là cô bé trầm tính, ít nói, chỉ biết học và học. Chị không thể ngờ con mình mới tí tuổi đã yêu đương chứ chưa nói đến việc cháu dám làm "chuyện người lớn".
Quát tháo con chán chê, chị chốt lại: "Mai đến viện bỏ!". Không ngờ, con gái chị quỳ lạy, xin mẹ "đừng bắt phá thai". Con cho biết, thai đã 6 tháng, bạn trai chở con tới một bệnh viện sản ở TPHCM thăm khám và được trả lời "không thể can thiệp".
Trong cơn hoảng loạn, chị L. khư khư: "Sẽ tìm được chỗ, phải có cách" thì con chị òa khóc nức nở.
Thêm lần nữa, người mẹ bị sốc khi con thú nhận, trước đây con đã 3 lần bỏ thai. Lần đầu tiên năm 14 tuổi, với một người bạn trai khác. Đến lần này, khi thai đã lớn, con sợ lời cảnh báo nạo phá thai nhiều lần, nhất là ở tuổi vị thành niên, hệ quả dễ thành vô sinh.
Cũng như không ít người mẹ, khi biết chuyện tày trời của con, chị L. nghĩ sẽ tự mình tìm cách xoay xở, không để chồng hay biết. Nhưng chị rơi vào hoảng loạn, bế tắc cùng cực không biết phải giải quyết thế nào trước cái thai đã quá tháng của con, lại thêm lịch sử 3 lần nạo phá thai trước đó...
Chị không mường tượng được, không hề có sự chuẩn bị cho việc đứa con gái nhỏ tuổi của mình sinh con. Phương án duy nhất chị nghĩ được là "giải quyết", mong cuộc sống đỡ xáo trộn nhất có thể và cũng vì tương lai của con...
Trước tình trạng nữ sinh mang thai tuổi vị thành niên nhức nhối như hiện nay, con trẻ "dính" bầu là vấn đề mà không ít ông bố bà mẹ phải đối mặt, phải đưa ra phương án, phải lựa chọn.
Theo nghiên cứu của UNFPA (Quỹ dân số Liên hợp quốc), khoảng 17,4% phụ nữ Việt Nam đã từng phá thai, số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/người. Trong số đó, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.
Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý gặp trường hợp học sinh ở lứa tuổi phổ thông phá thai 2-3 lần, thậm chí nhiều hơn con số này không phải là hiếm.
Phá thai, có xong?
"Phá thai cho xong" là suy nghĩ của không ít thanh thiếu niên trước hệ quả của việc quan hệ tình dục thiếu an toàn. Đó cũng là suy nghĩ của không ít ông bố bà mẹ đứng trước tình cảnh con gái vị thành niên mang thai ngoài ý muốn.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải, tác giả cuốn sách "Vẽ đường cho hươu" từng gặp những ca phụ huynh nhờ chỉ cách gỡ "bom mìn" cho con gái. Mới nhất là trường hợp bé gái 16 tuổi có thai với bạn trai, bố mẹ cháu nghe nhiều người khuyên "bỏ ngay" vì tương lai của con.
Theo bà Hải, cách giải quyết vấn đề hôm nay sẽ dẫn đến kết quả cho mai sau. Nhiều người khuyên đưa con trẻ đi phá thai là để giải quyết hậu quả của việc quan hệ tình dục sai lầm trước đó. Nhiều người có thể ngỡ rằng phá thai là có thể lơ đi những hậu quả mà người trong cuộc phải gánh chịu, là giải quyết được mọi chuyện.
Bên cạnh việc thai nhi có quyền được sống, nhiều hậu quả của việc nạo phá thai khiến bác sĩ Nguyễn Lan Hải nhận định, một thiếu nữ đã quan hệ tình dục và phá thai thì cuộc đời rất dễ bị lệ thuộc vào người bạn trai. Nhiều cô gái trót dại thường sống chết tìm cách níu kéo người đàn ông đó, giữ rịt như "phao cứu sinh".
Họ sẽ phải tiếp tục quan hệ tình dục và có thể rồi lại lần nữa đứng trước quyết định giữ hay bỏ sinh linh đang lớn dần trong mình.
Theo bác sĩ Lan Hải, khi bà mẹ trẻ con bỏ đi cái thai đầu tiên thì câu trả lời cho những cái thai kế tiếp thường sẽ là tiếp tục phá bỏ. Các cô gái sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, băng huyết, phải cắt tử cung, vô sinh...
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho rằng, trong nhiều trường hợp, phá thai chưa chắc đã giải quyết được vấn đề mà còn làm tăng thêm rắc rối.
Trong trường hợp này, gia đình có thể cùng trao đổi để sắp xếp một chỗ bình yên để con sinh nở và học làm mẹ. Khi con đủ tuổi kết hôn và trưởng thành về tâm lý, nếu đôi trẻ vẫn còn yêu nhau thì vẹn cả đôi đường. Còn nếu hai bên đường ai nấy đi thì cũng tránh cho nhau một cuộc hôn nhân bất đắc dĩ.
Nữ bác sĩ cũng nhắc đến một nghiên cứu cho thấy, khoảng 18% con trai của các bà mẹ vị thành niên có khuynh hướng phạm tội, phải vào tù và 22% con gái của bà mẹ trẻ cũng sẽ trở thành những bà mẹ vị thành niên giống mẹ mình.
Điều này đòi hỏi ông bà phải có kế hoạch chăm sóc, hỗ trợ nuôi dạy cháu ngoại một cách chu đáo để trẻ phát triển toàn diện, lành mạnh.
Theo quy định hiện hành, pháp luật Việt Nam đảm bảo quyền nạo phá thai của phụ nữ, chỉ trừ 2 trường hợp cấm nạo phá thai là khi thai trên 22 tuần tuổi và vì lý do lựa chọn giới tính.
Luật không cấm nhưng phá thai liên quan đến đạo đức, quan điểm, không có lời giải chung cho tất cả mà những người liên quan phải lựa chọn, quyết định và cả chịu trách nhiệm.
Phá hay giữ khi con trẻ mang thai suy cho cùng đều là khi sự đã rồi. Với đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi thì việc bỏ thai hay giữ lại một mầm sống đều để lại những hệ lụy khó lường lên tinh thần, thể chất và cả tương lai của bà mẹ lẫn trẻ nhỏ.
Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, cần nghiêm túc quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ.
Việc giáo dục giúp trẻ hiểu, biết trân quý và giữ gìn giá trị, phẩm giá của bản thân. Qua đó, để có những bé gái hiểu về tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản, không dễ dàng trao thân hay những bé trai biết tôn trọng bạn gái, sống có trách nhiệm.
Con trẻ cần được cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục một cách khoa học, không né tránh, hù dọa. Kiến thức này bao gồm cả các biện pháp tránh thai an toàn, cách nhận biết dấu hiệu có thai giúp trẻ sớm nhận biết để có phương án hợp lý. Nhận biết sớm để trong trường hợp phải phá thai, cũng tránh phải phá thai lớn, đối mặt nhiều nguy hiểm.