8 tháng, TPHCM giảm được… 11 trong tổng số 21.000 hộ nghèo
(Dân trí) - Đầu năm 2023, TPHCM có 21.313 hộ nghèo. Tính đến tháng 8, thành phố còn 21.302 hộ nghèo, giảm được… 11 hộ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8, 8 tháng đầu năm và phương hướng tháng 9/2023 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Theo báo cáo trên, đầu năm 2023, thành phố có 39.381 hộ nghèo và cận nghèo với 155.764 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,55% tổng số hộ dân thành phố. Trong đó, hộ nghèo là 21.313 hộ với 83.106 nhân khẩu, hộ cận nghèo là 18.068 hộ với 72.658 nhân khẩu.
Tính đến tháng 8, toàn thành phố còn lại 39.368 hộ nghèo và cận nghèo với 155.683 nhân khẩu. Trong đó, hộ nghèo là 21.302 hộ với 83.049 nhân khẩu, hộ cận nghèo là 18.066 hộ với 72.634 nhân khẩu.
Như vậy, sau 8 tháng, TPHCM giảm được 11 hộ nghèo với 57 nhân khẩu và 2 hộ cận nghèo với 24 nhân khẩu.
Trong 22 đơn vị hành chính cấp huyện của TPHCM, huyện Cần Giờ đứng đầu về số người nghèo khi có đến 6.263 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 32,5% tổng số hộ trên địa bàn (6.263 hộ/19.249 hộ).
Địa phương có số hộ nghèo và cận nghèo nhiều thứ 2 là huyện Củ Chi với hơn 4.800 hộ, chiếm tỷ lệ 3,65% (4.823 hộ/131.982 hộ).
Địa phương có ít người nghèo nhất là quận 5 với 183 hộ nghèo và cận nghèo trên tổng số 38.454 hộ, chiếm tỷ lệ 0,48%.
Địa phương có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất là quận Bình Tân với 364 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16% (364 hộ/227.310 hộ).
Tỷ lệ hộ nghèo tại nhiều địa phương của TPHCM vẫn ở mức cao do thành phố áp dụng bộ tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 khác với toàn quốc.
Theo đó, bộ tiêu chí nghèo của thành phố gồm 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt.
Hộ nghèo là hộ có từ 3 chỉ số thiếu hụt trở lên hoặc thiếu hụt 2 chỉ số chiều thu nhập (thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống và có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%).
Hộ cận nghèo là hộ gia đình có 2 chỉ số thiếu hụt và có thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng đến 46 triệu đồng/người/năm.
Trong khi đó, mức chuẩn nghèo cả nước trong giai đoạn 2022-2025 tại khu vực nông thôn là từ 18 triệu đồng/người/năm trở xuống, tại khu vực thành thị là từ 24 triệu đồng/người/năm trở xuống.
Để hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững, TPHCM thực hiện đồng bộ nhiều chương trình như tổ chức cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; xây dựng nhà tình thương; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm…
Tính đến 31/7, thành phố đã giải ngân cho 4.864 lượt hộ vay với số tiền gần 277 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo; sử dụng gần 227 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi.
Tính đến 30/6, thành phố đã giải ngân cho 23.156 lượt hộ vay số tiền gần 1.545 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm thành phố.
Ngoài ra, các địa phương còn mua gần 120.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo; xây dựng, sửa chữa 607 căn nhà tình thương, tình nghĩa; hỗ trợ tiền điện cho gần 42.000 lượt hộ nghèo…