55% người hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu vào năm 2025
(Dân trí) - Theo chiến lược phát triển Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngành phấn đấu 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội và trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng.
Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu tổng quát đề ra là hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Từ đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân.
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, quyết định nêu rõ phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội trên 85%.
Số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68%.
Đến năm 2030, sẽ phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nêu rõ khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; trên 97% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của chiến lược là cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hơn nữa tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của công chức, viên chức, người lao động ngành bảo hiểm xã hội.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai có nội dung thông tin trùng lặp, không phát sinh thủ tục hành chính mới không cần thiết.
Công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cải tiến quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ công theo hướng người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính...