1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

TPHCM:

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách "sống ảo"

Xuân Hinh

(Dân trí) - Để chuẩn bị 200 phần cơm tấm cho lao động nghèo, mỗi ngày chị Phượng phải dậy từ 2h để nướng sườn, làm bì chả, xíu mại. Quán mang màu hoài cổ nên nhiều người đến xin chụp ảnh "sống ảo".

Những ngày qua, cộng đồng mạng ở TPHCM xôn xao về quán cơm tấm "cổ nhất Sài Gòn" ở 241 Bến Vân Đồn, quận 4. Gọi là quán nhưng thật ra đây chỉ là hàng cơm tấm vỉa hè với 2 chiếc bàn inox nhỏ để khách ngồi ăn tại chỗ.

Đơn sơ là thế nhưng khách đến quán ngoài no bụng còn có thể ra về cùng nhiều bức ảnh đẹp lung linh nhờ "view" nhà gỗ cũ kỹ, hoài cổ ngay phía sau.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (46 tuổi), quán được mở hơn 50 năm. Chị là đời thứ 3 nối nghiệp gia đình lưu giữ. Thời gian quán mở cửa từ 6-9h mỗi ngày, nhằm phục vụ cho lao động nghèo. Tuy nhiên, nhiều khi lao động đi làm đêm về 4h sáng vẫn tìm tới mua đồ ăn.

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 1

Nhiều bạn trẻ đến "quán check in" khiến quán càng ngày càng nổi tiếng.

"Của chú Năm sườn bì chả đúng không? Cô Bảy ăn như cũ ạ?" - tiếng chị Phương rộn ràng khắp con hẻm. Dù mới nối nghiệp mẹ hơn 2 năm, chị Phượng đã nhớ mặt và khẩu vị của hầu hết khách quen của quán.

"Chủ yếu bán cho khách quen nên ai ăn gì là tôi nhớ hết. Hiểu ý khách nên mọi người vui lòng rồi truyền tai nhau đến ủng hộ. Nhờ vậy mà tôi có thêm không ít khách mới", chị Phượng tâm sự. Cũng giống như những quán cơm tấm khác, quán chị Phượng cũng có đầy đủ sườn, trứng, bì chả, thịt kho, xíu mại. Nồi cơm tấm nóng bốc hơi bên cạnh bếp nướng thịt cùng hương thơm của mỡ hành mang lại cho khách cảm ngon khó cưỡng lại.

"Đồ ăn làm ngay trong ngày chứ không chế biến sẵn để qua đêm vì mất ngon và không an toàn. Tầm 2h là tôi phải dậy chuẩn bị, nhờ quen tay nên xong rất nhanh. Khoảng 4h là tôi đã có khách mở hàng. Thức khuya dậy sớm nấu nướng cũng cực. Nhưng thấy khách ăn ngon miệng thì lại vui, đó cũng là động lực để tôi buôn bán mỗi ngày", chị Phượng cho biết.

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 2

Quán được mệnh danh là quán cơm tấm "cổ nhất Sài Gòn" vì có căn nhà gỗ cũ kỹ phía sau tạo nên không gian hoài cổ độc đáo.

Chị Phượng cho biết, từ khi bà nội mở quán đã hướng đến việc hỗ trợ lao động nghèo trong xóm. Nhiều năm qua, dù giá cả leo thang nhưng quán rất ít khi tăng giá vì "mắc quá người ta ăn không nổi". Mỗi ngày quán bán khoảng 200 phần với mức giá 25.000 đồng/phần đầy đủ sườn, bì, chả, trứng.

"Tôi bán giá bình dân nên khách vẫn ủng hộ. Tiền lời chỉ đủ 2 mẹ con căn bản cuộc sống cơ bản thôi. Tôi không quá chú trọng đến lợi nhuận, chỉ mong bà con có dĩa cơm tấm đầy đủ chất ăn cho no bụng để đủ sức làm việc cả ngày", chủ quán chia sẻ.

Mỗi ngày, quán cơm có thêm nhiều khách lạ tìm đến vì nghe tiếng cơm ngon, giá rẻ lại có thêm "view" đẹp. Đối với khách lạ, chị thường hỏi kỹ khẩu vị để từng phần cơm đều vừa ý khách.

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 3

Chị Phượng cho biết chị là đời thứ 3 của gia đình duy trì quán nhằm hỗ trợ lao động nghèo có bữa ăn sáng no bụng, không quá quan tâm tới lợi nhuận nên rất ít khi quán tăng giá.

Từ sự tò mò ban đầu, họ dần lưu luyến mùi gạo tấm thơm lừng, vị sườn nướng đặc trưng và không gian hoài cổ. Cứ như thế, khách hàng từ lạ trở thành quen, nhờ vậy mà quán cơm nhỏ của mẹ con chị Phượng đã đỏ lửa suốt nửa thế kỷ. 

Vừa di chuyển gần 20 phút đến quán, Thanh Ngân (21 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho biết rất háo hức được thưởng thức món cơm tấm lâu đời và nôn nao chụp ảnh check-in để khoe với bạn bè. "Mình biết quán qua mạng xã hội, nghe nói chỉ bán đến tầm 9h là hết nên mình đã tranh thủ dậy từ 6h để chạy qua ăn sáng", Ngân cho biết.

Còn chị Ngọc Dung (40 tuổi, ngụ quận 4) vì sinh sống ngay tại con hẻm 241 Bến Vân Đồn nên không sợ quán hết sớm, cứ cầm dĩa ra trước cửa là có ngay phần cơm nóng hổi. "Tôi ăn cơm ở đây từ thời mẹ chị Phượng bán, thấm thoát đã mấy chục năm. Sườn nướng rất vừa miệng, giờ đến con cháu trong nhà tôi cũng thành khách ruột", chị Dung bày tỏ.

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 4

Quán chủ yếu phục vụ lao động nghèo, nhiều người là khách hàng quen hơn 30 năm. 

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 5

Chị Phượng phải dậy từ 2h sáng để chuẩn bị đồ ăn cho 200 phần cơm (Ảnh: P.N).

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 6

Do giá cả bình dân, đồ ăn có hương vị riêng và có không gian cổ nên khách hàng quen thường xuyên ghé quán (Ảnh: P.N).

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 7

Giá một dĩa cơm sườn chỉ từ 25.000 đồng, cơm thêm ăn thoải mái không tính tiền thêm (Ảnh: P.N).

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 8

Nhiều khách quen mang tô đến mua cơm để mang về nhà ăn (Ảnh: P.N).

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 9

Nhiều bạn trẻ dậy sớm từ 6h để được thưởng thức cơm tấm nóng hổi của chị Phương và chụp hình đăng tải lên mạng xã hội. 

50 năm bán cơm tấm ở... không gian hoài cổ cho khách sống ảo - 10

Với thực khách quen, chị Phượng đã thuộc khẩu vị nên không cần hỏi ăn gì, có ớt hay không... (Ảnh: P.N).