DNews

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Xót xa nước mắt mẹ già nhớ con

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Giữa cánh đồng lúa, rau ngút ngàn ngày nay, ít ai biết được, để có nước canh tác, gần 100 đoàn viên thanh niên đã phải đánh đổi cả mạng sống.

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Xót xa nước mắt mẹ già nhớ con

Thảm họa sập cống Hiệp Hòa năm 1978

Đã 46 năm sau thảm họa sập cống vào năm 1978 khiến 98 đoàn viên thanh niên hi sinh, cống Hiệp Hòa (thôn Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) vẫn nằm yên bình giữa vùng bán sơn địa đầy cây xanh.

Đường dẫn vào cống Hiệp Hòa cũng chính là bờ của sông Đào, rộng rãi, thoáng đãng. Chỉ có điều nơi này thường vắng vẻ, duy chỉ có cái am nhỏ đặt ở lưng chừng đồi nhắc lại sự đau thương, mất mát của 98 con người đột ngột ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Xót xa nước mắt mẹ già nhớ con - 1

Sau hơn 40 năm vận hành, trải qua nhiều lần bị đánh phá, cống bị lắng cặn (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Cống Hiệp Hòa nằm trên hệ thống sông Đào dẫn nước từ sông Lam ở bara Đô Lương, tưới cho những cánh đồng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu. Đây là những vựa lúa lớn của tỉnh Nghệ An. Nếu không có công trình này, ruộng đồng các huyện vùng hạ lưu sẽ bị xâm nhập mặn khó có thể canh tác được.

Công trình do Pháp xây dựng năm 1934 và hoàn thành năm 1937. Qua thời gian dài sử dụng bị lắng cặn, bị đánh phá do chiến tranh, lượng nước chảy qua không đủ tưới tiêu.

Ông Nguyễn Hoàng Cảnh, Tổ Trưởng tổ vận hành cống Hiệp Hòa, kể: "Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhu cầu mở rộng sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An rất bức thiết. Sau hơn 40 năm vận hành, trải qua nhiều lần bị đánh phá, cống bị lắng cặn, năm 1977, lưu lượng nước qua cống Hiệp Hòa rất yếu, vấn đề sửa chữa, mở rộng cống là điều bắt buộc".

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Xót xa nước mắt mẹ già nhớ con - 2

Đến nay, người thân, gia đình các nạn nhân và người dân địa phương còn trăn trở khi việc xây dựng bia chứng tích công trình cống Hiệp Hòa năm 1978 chưa được triển khai... (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Để nạo vét, sửa chữa, mở rộng cống, người ta thiết lập 14 chiếc thang để đưa đất từ dưới lên. Chiều cao từ đáy cống lên mặt bằng đổ đất khoảng 80m.

Đầu tháng 1/1978, công trình sắp hoàn thành, hàng trăm đoàn viên thanh niên bắt đầu đổ bê tông thì thảm họa ập xuống. Cống bất ngờ đổ sập kéo theo hàng nghìn khối bê tông, đất đá đổ xuống trước sự hoảng loạn, la hét của những người may mắn thoát nạn. Có tổng cộng 98 đoàn viên thanh niên bị vùi lấp.

46 năm trôi qua nhưng vẫn còn đó hình ảnh những người mẹ héo mòn vì thương nhớ con. Nhiều người cha vẫn ngỡ ngàng như chuyện mới xảy ra hôm qua. Sự ra đi đột ngột trở thành nỗi đau lớn của gia đình, người thân và bao thế hệ vẫn chưa nguôi ngoai.

Quan tài nằm chật kín sân kho

Chúng tôi tìm về xã Cát Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) - nơi có số thanh niên hi sinh nhiều nhất với 38 người. Dù đã 46 năm trôi qua nhưng những người cao tuổi nơi đây không bao giờ quên không khí tang tóc đêm 3/1/1978.

Đêm hôm đó, 38 chiếc quan tài chuyển về chật kín sân kho, một số phải chuyển sang nơi khác. Xã quyết định chôn cất cả 38 người trên nghĩa địa Rú Đụn với ý nghĩ sau này thành lập một nghĩa trang chung nếu họ được công nhận là liệt sỹ. Nhưng thời gian trôi qua, mọi thứ dường như rơi vào quên lãng, người dân lần lượt đưa họ về với nghĩa trang của gia đình.

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Xót xa nước mắt mẹ già nhớ con - 3

Cụ bà Nguyễn Thị Liên (90 tuổi) - mẹ của nạn nhân Bùi Thị Tiến đưa tấm di ảnh con gái ra xem (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Nhật Lý (SN 1954, xóm 11, xã Cát Văn) - chồng nạn nhân Bùi Thị Nga (SN 1958). Chị Nga ngày ấy là một trong những người hiếm hoi đã xây dựng gia đình. Ngày hi sinh, chị vừa tròn 20 tuổi.

Ngước khuôn mặt đượm buồn nhìn xa xăm, ông Lý kể, năm 1972, khi vừa 18 tuổi, ông đi bộ đội. Sau nhiều năm ở quân ngũ, ông về quê và cưới vợ. Nhưng rồi mới về ở với nhau được 4 ngày thì chị Nga vĩnh viễn ra đi.

"Tôi ở trong quân ngũ, bom đạn ác liệt nhưng vẫn may mắn trở về lành lặn. Ấy thế mà vợ tôi lại ra đi khi đất nước đã hòa bình. Mới cưới nhau được 4 ngày thì cô ấy ra đi. Tôi suy sụp suốt thời gian dài", ông Lý nhớ lại.

Mãi 4 năm sau, nỗi đau dần nguôi ngoai, ông Lý xây dựng gia đình với bà Trần Thị Lý (SN 1959) - một người chết đi sống lại trong vụ sập cống Hiệp Hòa. 

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Xót xa nước mắt mẹ già nhớ con - 4

Vợ chồng ông Nguyễn Nhật Lý, trú xóm 11, xã Cát Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) kể lại sự việc cống Hiệp Hòa năm 1978 (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại nỗi đau quá khứ, bà Lý đưa tay quệt nước mắt kể: "Cả công trường chuẩn bị thay ca để ăn trưa. Tổng đội Quỳnh Lưu vừa nghỉ, tổng đội Thanh Chương làm cố thêm chút nữa rồi nghỉ ăn trưa luôn.

Cống sập nghe như tiếng bom. Tiếng la hét khắp nơi. Tôi bị lấp nhưng may là đứng sau chiếc thang nên được che chắn. Người dân lấy cào sắt đào bới đất hở được nửa người phía trên nên tôi may mắn sống sót. Người chết la liệt, tội lắm…".

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Xót xa nước mắt mẹ già nhớ con - 5

Chiếc am nhỏ đặt ở lưng chừng đồi nhắc lại sự đau thương của 98 thanh niên đã ngã xuống (Ảnh: Nguyễn Tùng).

46 năm trôi qua nhưng nỗi đau mất con vẫn hiện rõ trên khuôn mặt già nua của cụ bà Nguyễn Thị Liên (90 tuổi) - mẹ của nạn nhân Bùi Thị Tiến. Đôi mắt mờ đục nhưng cụ Liên vẫn thường xuyên đưa ảnh con gái ra ngắm trong nỗi xót xa vô tận.

Bà Trần Thị Kim (hàng xóm cụ Liên) nhớ lại: "Lúc đó khoảng 22h, họ đưa thi thể các nạn nhân về xã. Cả làng kéo đến sân kho của xóm 3, quan tài để chật kín sân. Tiếng la hét, khóc than vang cả một vùng trời, không còn gì đau đớn hơn…".

Loay hoay làm bia tưởng nhớ

Năm 1979, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã truy tặng Bằng Ghi công đối với 98 thanh niên tử nạn ở cống Hiệp Hòa. Tỉnh này cũng trợ cấp hàng tháng cho thân nhân có người tử nạn 6kg gạo. Năm 2001, mức trợ cấp đã được nâng lên bằng mức trợ cấp xã hội hiện hành.

Tuy nhiên, đến nay, người thân, gia đình các nạn nhân và người dân địa phương vẫn còn trăn trở khi việc xây dựng bia chứng tích công trình cống Hiệp Hòa năm 1978 chưa được triển khai, dù đã được Tỉnh ủy Nghệ An cho chủ trương từ năm 2018.

Tháng 6/2018, tỉnh Nghệ An, tổ chức đại lễ cầu siêu cho 98 người tử nạn, thân nhân và bà con nhân dân rất xúc động. Ai cũng phấn khởi khi nghe tin bia tưởng niệm cống Hiệp Hòa sẽ được xây dựng trên ngọn đồi cạnh tuyến đường quản lý vận hành kênh nhưng đến nay công trình vẫn chưa thấy đâu.

Được biết sau khi có chủ trương (năm 2018), tỉnh Nghệ An đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, lập dự án thực hiện. Sau đó, Sở này đã xây dựng 2 phương án cho hạng mục bia tưởng niệm, nguồn vốn từ dự án JICA 2. Nhưng rồi công trình phải tạm dừng do chưa đủ điều kiện theo quy định về vốn ODA.

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Xót xa nước mắt mẹ già nhớ con - 6

Hai dòng chữ "Ghi công" là niềm an ủi duy nhất của 98 thanh niên đã ngã xuống tại công trường năm ấy (Ảnh: Nguyễn Duy).

Tỉnh Nghệ An sau đó đã giao huyện Đô Lương làm tờ trình, lập dự toán sơ bộ báo cáo tỉnh để thực hiện theo hình thức đầu tư công. UBND huyện Đô Lương đã gửi tờ trình và báo cáo dự toán cho UBND tỉnh Nghệ An. Thế nhưng đến nay huyện Đô Lương vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Ban quản lí dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương, cho biết: "Huyện đã làm tờ trình, lập dự toán và hồ sơ. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thống nhất, giờ chỉ chờ quyết định của UBND tỉnh".

Năm 1977, tỉnh Nghệ An huy động 21.000 người dân thuộc 7 huyện cùng sự hỗ trợ của Sư đoàn 337 - Quân khu 4 tổ chức mở rộng, nâng cấp công trình đại thủy nông.

Ngày 3/1/1978, khối đất đá được đổ tạm trên mái núi đã đổ ập xuống làm 98 thanh niên bị vùi lấp, thiệt mạng, 132 người khác bị thương. Năm 1979, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh truy tặng Bằng Ghi công đối với 98 người tử nạn tại cống Hiệp Hòa, đồng thời thực hiện các chính sách trợ cấp xã hội đối với thân nhân người tử nạn.