3 lý do khiến TPHCM chưa thể "cấm cửa" người xin ăn trên đường phố
(Dân trí) - Trong 1 năm, TPHCM đã phát hiện và xử lý hơn 4.000 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn… trên đường nhưng thực tế vẫn còn tình trạng này diễn ra.
Kiểm tra 58.000 lần, phát hiện 4.356 trường hợp
Ngày 2/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 812/QĐ-UBND của UBND TP về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo 1 năm thực hiện Quyết định 812 của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, các cơ quan chức năng thành phố đã phối hợp với Tổ công tác tại xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý các đối tượng theo quy định, nhất là các địa phương có địa bàn phức tạp.
Kết quả, các tổ công tác đã thực hiện gần 58.000 lượt kiểm tra, tuần tra. Qua đó, phát hiện và xử lý 4.356 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn.
Căn cứ vào quy chế xử lý của thành phố, cơ quan chức năng đã sàng lọc và giao về cho gia đình, địa phương quản lý đối với 507 trường hợp đã xác định rõ nơi cư trú hiện tại; lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội 2.353 trường hợp…
Đối với 2.353 trường hợp lang thang xin ăn không xác định được nơi cư trú, 16 cơ sở bảo trợ xã hội của Sở trong năm qua đã tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong số đó có 145 trẻ em, 336 người cao tuổi, 96 người khuyết tật, 368 người bệnh tâm thần, 1.059 người trong độ tuổi lao động (16-60 tuổi)…
Ngoài ra, Công an Thành phố đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Ngoại vụ và các đơn vị có liên quan lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội 220 trường hợp người có quốc tịch nước ngoài lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố. Sau đó, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác xác minh, bàn giao những người này về cho nước sở tại.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết: "Trong thời gian qua, các địa phương rất tích cực thực hiện quyết định 812 của UBND Thành phố. Nhưng thực tế rõ ràng là vẫn còn tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố, vẫn còn hình ảnh này tại các khu vui chơi, nơi tập trung đông người".
"Chúng ta đã làm rất tốt, rất tích cực nhưng tại sao vẫn còn hình ảnh này trên địa bàn thành phố? Tất nhiên là xóa hết hình ảnh này rất khó, nhưng làm sao để hạn chế được tình trạng này đến mức tối thiểu nhất là điều phải bàn, cần các đơn vị đóng góp ý kiến", ông Minh đề nghị.
Vì tương lai những đứa trẻ lang thang
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, công tác thực hiện Quyết định 812 còn gặp một số khó khăn dẫn đến tình trạng người lang thang, xin ăn vẫn tiếp diễn trên địa bàn thành phố.
Thứ nhất là nhiều người khó khăn ở các địa phương di cư vào Thành phố để đi xin ăn kiếm sống qua ngày, dẫn đến tạo áp lực cho địa phương vì người mới xuất hiện liên tục.
Thứ hai, nhiều đối tượng chuyên nghiệp có hành vi đối phó với lực lượng chức năng như: Giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... để xin ăn nên rất khó xử lý.
Thứ ba, một số trường hợp có đối tượng chăn dắt, hoạt động tinh vi, có hướng dẫn cụ thể về nội dung, cách thức cho các trẻ em, người xin ăn… để đối phó khi bị lực lượng chức năng phát hiện.
Do đó, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề nghị các cơ quan tố tụng xét xử công khai điển hình một số vụ án chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật xin ăn để trục lợi nhằm răn đe, giáo dục, ngăn chặn các vụ việc tương tự.
Quan trọng nhất, Sở đánh giá phương pháp tuyên truyền chưa sáng tạo để thu hút, làm chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi nhận thức trong nhân dân về hoạt động này.
Quan điểm của thành phố là người dân không nên cho tiền, tặng quà trực tiếp người xin ăn trên đường, đặc biệt là trẻ em, người già… xin ăn. Bởi người dân cho tiền là gián tiếp khuyến khích những kẻ chăn dắt đẩy trẻ em, người già… ra đường xin ăn để trục lợi.
Cách hỗ trợ tốt nhất cho những người khó khăn thực sự là giới thiệu họ đến các cơ sở từ thiện, bảo trợ xã hội chính thống để được giúp đỡ, chăm sóc, nuôi dưỡng.
Theo ông Nguyễn Tăng Minh, người dân cần hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của chương trình này, không chỉ vì mỹ quan đô thị mà còn là vì tương lai của những đứa trẻ lang thang.
Chủ trương của thành phố không chỉ là quyết liệt tập trung người lang thang, xin ăn trên đường mà còn có quy chế sàng lọc, xử lý hợp lý cho từng trường hợp. Đối với những người già, khuyết tật, trẻ em… không nơi nương tựa đều được đưa đến cơ sở bảo trợ phù hợp để nuôi dưỡng, chăm sóc.
Đặc biệt, trẻ em lang thang khi tập trung về các cơ sở bảo trợ còn được học văn hóa, học nghề. Với những trường hợp không có giấy tờ tùy thân, thành phố tổ chức nhiều đoàn công tác đưa trẻ về địa phương xác minh, làm giấy khai sinh, mã định danh, thẻ căn cước… để đảm bảo tương lai có cuộc sống ổn định.
Trong 1 năm thực hiện Quyết định 812, Công an Thành phố đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức cấp căn cước, tài khoản định danh điện tử cho hơn 1.500 trường hợp, thu nhận hơn 300 trường hợp không có giấy tờ tùy thân và bàn giao cho cơ quan liên quan tiếp tục xử lý theo quy định.