"12 năm nghiện ma tuý, tôi đã làm lại từ đầu vì vợ con..."
(Dân trí) - Từ một người nghiện ma tuý 12 năm, anh Phạm Văn Hoằng (Hà Nội) trở thành một tấm gương tiêu biểu trong việc giúp người cai nghiện trên địa bàn tái hòa nhập cộng đồng.
Tự lấy gậy để đánh mình
Anh Phạm Văn Hoằng sinh năm 1965 trú tại thôn An Duyên (Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) từng được nhiều người coi là đối tượng bất hảo của xóm làng vì nghiện ma tuý.
Trao đổi với PV, anh Phạm Văn Hoằng nhớ lại: “Sau khi lấy vợ kinh tế khó khăn quá, tôi lên vùng Mộc Châu, Sơn La để buôn bán. Sống xa gia đình và không tự kiểm soát bản thân, tôi đã mắc nghiện ma tuý”.
Anh làm chẳng đủ tiền mua thuốc phiện, không có tiền gửi về cho gia đình. Lúc này anh sống phụ thuộc vào người cho thuốc phiện, họ sai gì làm ấy, từ buôn lậu, phá rừng, kéo gỗ.
“Để có thuốc phiện để hút, chúng tôi phải là việc suốt ngày đêm. Khi làm không theo ý chủ, người ta bắt mình tự đi lấy gậy gỗ to như cổ tay quỳ xuống dâng lên để người ta đánh mình” - anh Phạm Văn Hoằng kể.
Không chịu được cảnh khổ nhục, anh Phạm Văn Hoằng quyết tâm trở về quê cai nghiện. Năm lần bảy lượt tự xích chân rồi nhốt mình trong phòng, nhưng anh vẫn chưa vượt qua.
Anh Phạm Văn Hoằng tâm sự: “Những ngày mới từ Sơn La trở về, trong cơn thèm thuốc nằm ngửa thì tôi nhớ đến từng vết rạn trên cột nhà chỗ hay sử dụng ma tuý. Lúc nằm nghiêng thì lại nhớ bạn nghiện”.
Để phòng những cơn nghiện, mỗi khi thèm thuốc anh lại dội lên người nước thật lạnh. Nhưng chỉ được vài giờ cơn thèm thuốc sẽ lại quay lại.
Cai nghiện thực sự là việc khó khăn nhất cuộc đời anh từng làm. Nhưng vì thương vợ thương con anh quyết tâm làm cho bằng được.
Báo công an bắt chồng
Năm 1995, trong một lần đang sử dụng ma tuý tại nhà cùng bạn nghiện, anh Phạm Văn Hoằng bất ngờ bị công an ập vào bắt giữ.
Nằm trong danh sách cai nghiện bắt buộc, anh được đưa tới Lạng Sơn. Cùng lúc đó đứa con thứ 2 của anh Phạm Văn Hoằng ra đời.
Anh Phạm Văn Hoằng tâm sự: “Khi ấy trong trại cai nghiện chỉ nghĩ về vợ và hai đứa con nhỏ ở nhà phải sống trong khổ cực, điều tiếng thế rồi tôi phải quyết tâm cai cho bằng được”.
Sau 1 năm cai nghiện trở về, người vợ luôn động viên, chia sẻ với vay mượn tiền đầu tư con giống giúp anh tái hòa nhập cộng đồng.
Biết tin anh về các đối tượng nghiện hút hàng ngày vẫn cố gắng tiếp cận, rủ rê quay lại con đường tệ nạn. Với quyết tâm trở lại làm người anh Phạm Văn Hoằng tránh xa bạn xấu.
Sống một mình cùng với đàn vịt giữa cánh đồng, phải mất đến 4 năm, anh mới dứt thói quen nhớ tới thứ thuốc ma quỷ này.
Người có công không nhỏ giúp anh cai nghiện thành công chính là chị Lê Thị Huấn, vợ của anh Hoằng. Năm ấy, chị là người đi báo công an đến bắt chồng mình.
Chị Lê Thị Huấn nhớ lại: “Lúc ấy, tôi khuyên ngăn anh ấy chẳng được. Anh ấy cứ hứa cai xong một lúc sau lại trốn đi mua ma tuý về sử dụng. Nghĩ về 2 đứa con sau này có 1 người bố nghiện ngập, tôi chỉ còn cách báo công an để người ta đưa anh đi cai nghiện bắt buộc may gia thì được” .
Mãi nhiều năm sau, chị Lê Thị Huấn mới nói cho chồng, con và mọi người biết. Chính năm ấy người báo công an đến đưa anh đi là chị.
Anh Phạm Văn Hoằng khi biết chuyện, không một lời trách móc mà còn cảm ơn vợ đã cố gắng, vượt qua khó khăn để cứu mình ra khỏi vòng vây của ma tuý.
Hiện nay, vợ chồng anh làm nghề sản xuất bánh dày truyền thống của địa phương. Mỗi tháng cơ sở làm bánh của gia đình anh bán ra thị trường hàng ngàn chiếc bánh, thu lời hàng chục triệu đồng.
Kinh tế ổn định, anh Phạm Văn Hoằng tham gia vào nhiều công tác phòng chống ma tuý của huyện như phát bơm kim tiêm, vận động người nghiện đi cai. Anh luôn có mặt động viên, chia sẻ giúp người cai nghiện sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hoàng Long - Trưởng thôn An Duyên (Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) - cho biết: “Từ một người nghiện có thâm niên, anh Hoằng đã cai nghiện thành công và hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội”.
Cũng theo ông Phạm Hoàng Long, không chỉ là một người làm kinh tế tiêu biểu của thôn, anh Phạm Văn Hoằng còn là công dân gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào của địa phương nhất là phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy. Quyết tâm, nghị lực của anh đã khiến mọi người trong thôn rất tôn trọng và ủng hộ.