10.000 tỷ trốn đóng bảo hiểm/năm, Bộ trưởng đề nghị chặn chủ DN xuất cảnh
(Dân trí) - Dự thảo Luật BHXH sửa đổi bổ sung nhiều chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH như hoãn xuất cảnh với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH, kiến nghị khởi tố khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 17/8.
Trình bày báo cáo tóm tắt dự án Luật BHXH sửa đổi, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc sửa đổi luật là cần thiết bởi qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã nảy sinh nhiều bất cập.
Mục tiêu sửa đổi luật, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.
Bình quân trốn đóng BHXH 10.000 tỷ đồng mỗi năm
Ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan điều kiện đóng BHXH để được hưởng lương hưu, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, chính sách hưởng BHXH một lần, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật đề cập một nội dung quan trọng khác được quy định trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này.
Đó là bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH. Nội dung này được quy định từ Điều 36 đến Điều 44 trong dự thảo luật.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh quy định này nhằm hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH.
Đặc biệt, chính sách được bổ sung nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ thực tiễn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và cũng đã có những chuyển biến tích cực nhất định.
"Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một thực trạng là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm", Bộ trưởng Dung thông tin.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.
Nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ trưởng Lao động cho biết, có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Vì thế, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.
Các chế tài được đề xuất, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.
Ngoài ra, cơ quan BHXH có thể kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bỏ quy định cho chậm đóng BHXH bắt buộc?
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất quy định về hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc tại một điều luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét nhiều vấn đề.
Cụ thể, với người có nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng, cơ quan thẩm tra cho rằng cần cân nhắc, không xác định trường hợp này là trốn đóng BHXH bắt buộc.
Dự thảo đã bỏ hành vi chậm đóng, Luật Quản lý thuế cũng có quy định về xử lý đối với việc chậm nộp thuế. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ lý do và đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc bỏ quy định chậm đóng BHXH bắt buộc.
Về xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ quy định "còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng" tại khoản 1 là tiền gì, có phải là tiền phạt trốn đóng BHXH hội bắt buộc hay không?
"Nếu là tiền phạt, cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính và làm rõ số tiền này nộp vào ngân sách Nhà nước hay vào Quỹ bảo hiểm xã hội", theo ý kiến của cơ quan thẩm tra.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm 9 chương và 136 điều, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm nay.
Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cân nhắc việc "ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên", vì đây là vấn đề liên quan tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo quan điểm của cơ quan thẩm tra, nếu không được sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Về quy định "Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên", Ủy ban Xã hội cũng nhấn mạnh cần cân nhắc kỹ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Luật hiện hành chỉ quy định đây là hành vi bị xử phạt hành chính.
Ngoài ra, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng có quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà bỏ trốn.
"Trường hợp này khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người trốn đóng BHXH bắt buộc mà đã quy định tạm hoãn xuất cảnh thì cần phải cân nhắc kỹ", cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.