10 năm nghiện ma túy, chàng trai quyết làm lại từ đầu vì muốn gọi..."mẹ ơi"

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Khi còn là thợ xây, anh Mai Thế Bắc (ở Nga Sơn, Thanh Hóa) bị bạn bè rủ rê, sa vào nghiện ngập. Lấy động lực từ gia đình, anh đã cai nghiện thành công và xin vào nhà máy làm việc cho thu nhập ổn định.

Chia sẻ tại tọa đàm "Chủ động ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa để bảo vệ công nhân lao động" sáng 27/6, anh Mai Thế Bắc (SN 1978) từng có thời gian dài trượt dài khi "dính" vào ma túy. Khi đó, người thân thì thất vọng, mọi người xa lánh anh.

Đã có thời điểm, anh nghĩ đến cái chết. Khi tỉnh táo, anh Bắc thấy được người mắc bệnh hiểm nghèo còn mong sống từng ngày. Khi đó, nhìn mẹ già 90 tuổi "gần đất, xa trời" vẫn đau đáu vì con, vợ con anh cũng chán nản vì chồng nên quyết tâm vượt lên tất cả để đi cai nghiện.

"Tôi bảo vợ khóa trái cửa để tôi nằm trong nhà tự cai nghiện. Quá trình đó phải đấu tranh rất nhiều. Có những ngày tắm đến 5-6 lần để vượt qua những cơn nghiện", anh Bắc chia sẻ.

Sau khi cai nghiện thành công, anh tiếp tục quay trở lại hòa nhập vào cuộc sống, đi làm như bao người khác. Sau tai nạn bị gãy chân, anh đã nộp đơn xin vào một công ty tại địa phương làm việc. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của công đoàn công ty, anh đã có công việc ổn định, cho thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Đến giờ, anh vẫn thấy nuối tiếc bởi tuổi trẻ lầm lạc của mình. "Tôi nghĩ nếu mình không nghiện ngập, mẹ tôi không phải suy nghĩ nhiều về chuyện này thì mẹ có thể sống thêm một vài năm nữa. Bây giờ đã bỏ được ma túy rồi nhưng có còn mẹ đâu mà gọi, chỉ có ảnh thôi", anh Bắc nghẹn ngào.

10 năm nghiện ma túy, chàng trai quyết làm lại từ đầu vì muốn gọi...mẹ ơi - 1

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, đến nay, vẫn chưa có con số chính thức về số công nhân lao động nghiện ma túy.

Ông Hiểu phân tích, hầu hết lao động di cư, xa gia đình, gặp căng thẳng trong công việc, thu nhập không cao, nhiều nguy cơ rình rập từ cổng nhà máy... là nguy cơ dẫn đến việc người lao động nghiện ma túy.

"Nhiều người vượt qua được nhưng nhiều người cũng sa chân vào. Từ ma túy dẫn đến nhiều hệ lụy khác như trộm cắp, giết người, là tội phạm của các loại tội phạm. Kiểm soát tốt được vấn đề trên, sẽ giảm thiểu những mối nguy khác về an ninh trật tự", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần kết hợp giảm cung hay giảm cầu để phòng ngừa để lao động không tiếp xúc với ma túy. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở cần có nhiều hoạt động, giải trí… cho công nhân.

Tình trạng khủng hoảng, khó khăn việc làm, ông Hiểu cho rằng nguy cơ tội phạm, "dính" vào ma túy sẽ lớn hơn. Ngoài chăm lo đời sống lao động, cán bộ công đoàn còn có trách nhiệm bảo vệ họ.