1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

1 tháng nghỉ dịch bị chồng đánh 7 trận vì không có việc làm

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, trên toàn cầu bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trầm trọng hơn. Đặc biệt, bạo lực gia đình tăng từ 30%-300%.

Nghỉ việc, thiếu thốn, gia đình căng thẳng

Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, có rất nhiều phụ nữ tìm đến "Ngôi nhà bình yên" để tạm lánh, trốn tránh những trận bạo hành của chồng.

"Đại dịch xảy ra khiến vợ chồng tôi mất việc làm. Thời gian ở nhà nhiều, nhà thì nhỏ, vợ chồng đi ra đi vào va chạm nhau, kinh tế thiếu thốn nên vợ chồng thường xuyên lời qua tiếng lại.

Mỗi lần cãi cọ, chồng tôi lại đập phá đồ và đánh vợ. Anh cho rằng "đàn ông đánh vợ là bình thường". Anh đổ lỗi cho vợ, vì vợ yếu kém nên tình hình gia đình mới căng, không vì "gánh nặng" vợ thì dịch Covid, bố con anh vẫn sống được" - một nạn nhân của bạo lực gia đình đang trú tại "Ngôi nhà bình yên" chia sẻ.

Câu chuyện của người phụ nữ nói trên không hiếm gặp trong đại dịch Covid-19. Một người vợ, người mẹ khác gạt nước mắt kể, đại dịch xảy ra khiến cả 2 vợ chồng đều phải ở nhà. Áp lực từ tiền thuê nhà, chi phí tiền sữa, bỉm cho con dẫn tới việc người chồng bức bối, mệt mỏi mua rượu về uống, uống xong là... quay ra đánh vợ.

"Tôi bị đánh tới 7 lần/tháng. Bị đánh nhiều nên tôi phải đến trốn chạy. Tôi đã tìm đến "Ngôi nhà bình yên" để tạm lánh. Qua 2 tháng, tôi vẫn không dám về vì sợ những trận đánh đập từ chồng" - nạn nhân của bạo hành nghẹn lời kể.

Hai câu chuyện trên được nêu tại hội thảo tổng kết Chương trình chung gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giai đoạn III tại Việt Nam (2021-2022), diễn ra ngày 21/6 tại Vĩnh Phúc.

1 tháng nghỉ dịch bị chồng đánh 7 trận vì không có việc làm - 1

Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ - UN Women (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Chia sẻ tại hội nghị, bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, trên toàn cầu bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trầm trọng hơn, bạo lực với phụ nữ, đặc biệt là bạo lực gia đình tăng từ 30%-300%.

Có hơn 1/3 phụ nữ (37,8%) bị ít nhất một loại hình bạo lực, trong đó có bạo lực thể chất, tình dục, bạo lực bằng hành vi hay kinh tế do chồng/bạn tình gây ra. Các thống kê cũng chỉ ra, tình trạng bạo lực tình dục và lạm dụng tình dục gia tăng.

"Tại Việt Nam, đường dây nóng và "Ngôi nhà bình yên", "Ngôi nhà Ánh dương" đều ghi nhận sự gia tăng báo động các cuộc gọi kêu cứu của nạn nhân từ khi Covid-19 xuất hiện.

Nạn nhân càng khó tiếp cận tới các dịch vụ thiết yếu do bị giãn cách xã hội và gặp nhiều nguy hiểm hơn khi phải ở chung nhà với người gây bạo lực", bà Lan Phương chia sẻ.

Theo bà Lan Phương, thời gian qua, UN Women đã triển khai Chương trình làm việc - Gói dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giai đoạn 3 (2021-2022). Chương trình đã cung cấp dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực, năng lực của các bên cung cấp dịch vụ được tăng cường.

Về kết quả ở cấp độ chính sách, theo các diễn giả, Việt Nam đã có một số tiến bộ trong việc thực hiện luật pháp và chính sách về bạo lực trên cơ sở giới trong lĩnh vực y tế, hành pháp và tư pháp, dịch vụ xã hội quản trị và điều phối thông qua thực hiện gói dịch vụ thiết yếu; hiểu biết và việc sử dụng các dịch vụ sẵn có ở cộng đồng được tăng lên. 

Cũng tại hội thảo, bà Phương cho biết, nạn nhân của bạo lực có nhiều nhu cầu như nơi trú ẩn an toàn, hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp lý.

Tuy nhiên các biện pháp ứng phó bạo lực đối với gia đình còn rời rạc. Các dịch vụ sẵn có khá ít, chuẩn mực xã hội còn xem nhẹ, bình thường hóa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, thiếu thông tin liên ngành và cơ chế chuyển gửi…

"Bạo lực với phụ nữ là một trong những hình thức vi phạm quyền con người nghiêm trọng nhất. Những gói dịch vụ thiết yếu được thiết kế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tốt hơn của phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở giới tới các dịch vụ thiết yếu đa ngành có chất lượng và có sự điều phối nhịp nhàng", bà Lan Phương nói.

Quy trình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại

Ở góc độ hỗ trợ y tế cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bà Nguyễn Thanh Ngọc, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế kiến nghị, các tổ chức, bộ ngành, hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế về thăm khám, cung cấp dịch vụ cận lâm sàng đối với chị em, phụ nữ bị hành hạ, ngược đãi và bị xâm hại tình dục.

1 tháng nghỉ dịch bị chồng đánh 7 trận vì không có việc làm - 2

Bà Nguyễn Thanh Ngọc, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế (Ảnh: Sơn Nguyễn).

"Trên thực tế, khi bệnh nhân bạo lực gia đình vào các cơ sở khám chữa bệnh y tế nhưng bác sĩ khám được bệnh mà không phát hiện ra bệnh nhân bị bạo lực dù tại đây có đầy đủ các chuyên khoa sản khoa, nhi, cấp cứu… 

Ví dụ, bệnh nhân bị chấn thương xương đùi, cẳng chân, cẳng tay nhưng chỉ phát hiện ra những thương tích đó mà không xác định được nguyên nhân sâu xa là do bạo lực.

Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế về vấn đề này hơn", bà Ngọc nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện cục Quản lý khám chữa bệnh cũng kiến nghị xây dựng quy trình một cửa tại bệnh viện để hỗ trợ tiếp nhận, thăm khám, cung cấp các dịch vụ cận lâm sàng đối với phụ nữ và trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, bị xâm hại tình dục.

1 tháng nghỉ dịch bị chồng đánh 7 trận vì không có việc làm - 3

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Tại hội nghị, có đại biểu nêu vấn đề hỗ trợ cho người khuyết tật bị bạo hành, gặp những khó khăn. Thực tế có không ít cản trở với việc tiếp cận, hỗ trợ người khiếm thính khi phải thuê phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Vì vậy, nhân viên công tác xã hội, nhân viên y tế cần được học thêm ký hiệu ngôn ngữ cơ bản với người khuyết tật.

Bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, luật có quy định việc bố trí trụ sở, địa điểm tiếp người khuyết tật dễ tiếp cận, ở mặt đường và ở tầng 1, trong một số trường hợp không có phòng riêng thì phải bố trí địa điểm riêng để đảm bảo bí mật đời tư, danh tính của họ.

"Hiện vấn đề phiên dịch với người điếc, khiếm thính gặp nhiều khó khăn vì trong hệ thống hành pháp, tư pháp không có đội ngũ cán bộ được trang bị, đào tạo kỹ năng này nên phải thuê nhân lực hỗ trợ. Điều này càng gây nên khó khăn để khuyến khích các đối tượng cởi mở vì bạo lực thể xác còn dễ thấy chứ bạo hành tinh thần thì phải trò chuyện để chia sẻ", bà Hường nói.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, hiện nay, vấn đề hỗ trợ tạm trú cho thân chủ là người khuyết tật vận động gặp trở ngại do "Ngôi nhà bình yên" có địa điểm là căn nhà 4 tầng, việc đi lại của các đối tượng sẽ khó khăn.

"Với những trường hợp bị khuyết tật về trí tuệ, nhất là trẻ em tự kỷ, nhiều cháu đi cùng mẹ nhưng mẹ không biết con mình bị khiếm khuyết. Khi đến, chúng tôi đánh giá hỗ trợ ở mức độ nhẹ nhưng cũng có nhiều trường hợp phải đưa đi điều trị ở bệnh viện", bà Hiền chia sẻ.

Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ và trẻ em Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (63%) đã từng chịu một hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời.

Tuy nhiên, hơn 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.