Các nhạc sĩ và quan điểm về “nhạc đỏ”, “nhạc trẻ”…

(Dân trí) - “Theo tôi, mỗi một thời đại có ngôn ngữ riêng của nó. Sẽ thật là gàn dở và cố chấp nếu bắt giới trẻ bây giờ cứ nghĩ như lớp cha ông họ”, nhạc sĩ của “Em ơi, Hà Nội Phố” Phú Quang cho hay như vậy.

Cũng theo nhạc sĩ Phú Quang thì, những ca khúc "đỏ" thời chiến tranh, dòng nhạc nhẹ thập niên 90 của thế kỷ XX qua thời gian vẫn còn nguyên giá trị bởi đó là những bài hát đích thực, trong nghệ thuật thì những cái gì đích thực sẽ tồn tại rất lâu. Trong quan niện của tôi không có bài hát cũ, bài hát mới mà chỉ có bài hát hay và bài hát không hay thôi.

 

Các nhạc sĩ và quan điểm về “nhạc đỏ”, “nhạc trẻ”… - 1
 Một tác phẩm hay, có sức sống lâu bền là tác phẩm rung động lòng người, xuất phát từ những gì chân thành nhất. Đó là những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Những tác phẩm hôm nay nghèo nàn về ngôn ngữ âm nhạc, nghèo nàn về ngôn từ, vì những người viết ra nó, có người giỏi nhưng rất ít ỏi, còn phần đông thì sáng tác theo kiểu thương mại, ồ ạt. Tôi nghĩ đó có thể là do lỗ hổng về kiến thức âm nhạc và cả vốn tri thức về đời sống nữa.

 

Những bài hát trẻ hiện nay rất thức thời, rất hợp với "gu" của giới trẻ nhưng lại chỉ tồn tại được trong khoảng thời gia rất ngắn ngủi chính bởi vì có nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái, ví dụ những bài hát nhạc Hoa, nhạc Thái, ban đầu khán giả trẻ cũng say mê lắm nhưng chỉ ít lâu sau người ta quên ngay.

 

Sẽ thật là gàn dở và cố chấp nếu bắt giới trẻ bây giờ cứ nghĩ như lớp cha ông họ. Hôm nay, họ thường tìm kiếm những cái được coi là lạ, mới nhưng nếu không hay, không thuyết phục, làm rung động được người nghe thì lạ cũng chẳng để làm gì cả.

 

Các nhạc sĩ và quan điểm về “nhạc đỏ”, “nhạc trẻ”… - 2
 Nhạc sĩ Văn Dung: “Nếu âm nhạc có thật...”

 

Nếu âm nhạc có thật thì đó là những cung bậc thanh âm, lắng đọng trong tâm hồn mỗi người, sống mãi với thời gian. Nếu âm nhạc có thật thì phải phản ánh ở trong đó văn hoá của người Việt, tâm hồn của người Việt và mang tính thời đại.

 

Hay dở là cái gì? Không ai có thể định nghĩa cái chuẩn đó cả. Nếu âm nhạc mà gieo nên cung bậc nó lắng đọng trong tâm hồn của mỗi người,sống với thời gian thì chúng ta có thể coi đó là âm nhạc. Tại sao âm nhạc được sáng tạo trong những năm vận động Cách mạng và kháng chiến cứu nước cho đến bây  giờ mọi người vẫn nghe và cảm thấy như chính có mình ở đó vì những tác phẩm đó đã phản ánh một thời đại của mình, đất nước mình đang sống, tâm tư nguyện vọng của dân tộc mình. Chính vì thế cho nên Bước chân trên dải đường Trường sơn, Xe ta đi trong đêm trường Sơn, Vui mở đường, Đường Trường Sơn xe anh qua... sống mãi trong lòng mỗi người.

 

Tại sao có những bài hát người ta cứ vỗ tay trong một thời gian thậm chí năm năm mười năm đi. Tất cả những bài hát chúng ta nói nhạc trẻ, nhạc nhẹ đó nó đã làm được việc là thoả mãn nhu cầu của một tầng lớp thanh niên, một tầng lớp xã hội trong một thời gian nhất định. Nhưng nó không mãi mãi vì chỉ phản ánh được một khía cạnh của thời đại, cái mãi mãi là phản ảnh được tổng thể của thời đại.

 

Các nhạc sĩ và quan điểm về “nhạc đỏ”, “nhạc trẻ”… - 3
 Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thuỵ Kha: “Công nghệ sáng tác đáp ứng theo kiển fast food”

 

Âm nhạc muốn lớn được thì phải có thời đại. Thời đại chống Mỹ, một thời đại rất hoành tráng đã tạo ra được một không khí âm nhạc rất rock. Cho đến bây giờ khi âm nhạc ấy đập vào anh vẫn làm cho anh cảm thấy có gì đó rất đáng hát.

 

Công nghệ sáng tác của ngày xưa cũng khác bây giờ: ngày xưa họ xuất phát từ tình cảm thật và họ viết ra để dâng hiến, viết ra để thoả mãn đời sống của họ. Người ta bày ra trước người nghe một bữa tiệc, bữa tiệc của âm nhạc- bữa tiệc ấy có thể người ta ăn xong rồi nhưng người ta vẫn nhớ và người ta muốn nấu lại. Công nghệ bây giờ căn bản là thương mại, xem lớp trẻ đang cần gì để đáp ứng, họ làm cái đó là vì tiền, không phải vì quả tim.

 

Đã vì tiền thì có tính “chợ búa” và không thể ở lâu được. Bây giờ công nghệ sáng tác đáp ứng theo kiển fast food, có thể nay ăn cái này mai ăn cái khác. Còn khi nào trở thành Fast food như Macdonald thì nó sẽ đứng lại- nó sẽ trở thành thuơng hiệu và lan tràn.

Chúng ta nên có cái nhìn bình tĩnh và thời gian sẽ sàng lọc hết. Có những bài mình không cần đào thải thì nó cũng tự mất đi. Cũng nói thêm rằng, vẫn có những sáng tác của lớp trẻ bây giờ khiến người ta phải nhớ như Không còn mùa thu, Dòng sông lơ đãng của Việt Anh hay Em về tinh khôi của Quốc Bảo…

 

Các nhạc sĩ và quan điểm về “nhạc đỏ”, “nhạc trẻ”… - 4
 Nhạc sĩ trẻ Hồ Hoài Anh: “Nhạc trẻ vẫn có thể tạo ra những ca khúc sống mãi...”

 

Có sự khác nhau khá rõ rệt giữa gu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ bây giờ so với các thế hệ trước. Chưa nói về phần ca từ, chỉ nói về phần âm nhạc thì các thế hệ cha chú chúng ta thường chỉ thích những giai điệu mộc mạc, trữ tình, dễ nghe. Nhưng bây giờ thì âm nhạc đã mở rộng, phát triển với nhiều dòng nhạc, ngoài Pop còn Rock, R&B, Hip hop...

 

Lớp trẻ nghe nhạc có gì mạnh mẽ, mãnh liệt hơn. Nhạc trẻ của ta hiện tại chưa định hình được phong cách ổn định nhưng nhìn chung xu hướng phát triển mạnh mẽ và rất tốt. Sự khác biệt trong gu âm nhạc này tác động khá tích cực với nhạc trẻ Việt Nam, làm đa dạng hóa nền âm nhạc.

 

Ngoài ra, các nhạc sĩ trẻ cũng đang cố tìm những hướng khai thác mới, lạ cho chính mình. Cái lạ để được đón nhận thì phải qua thử thách, tự khẳng định. Dòng nhạc trẻ cũng có thể tạo ra được những ca khúc sống mãi với thời gian giống dòng nhạc cũ.

 

 

Mạnh Cường – Phương Thảo