1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ chăn trâu bò phải đóng phí đồng cỏ: Gà vịt ra đồng cũng bị xử phạt!

(Dân trí) - Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc tại một xã ven đô của thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), người dân muốn chăn thả trâu, bò ra đồng phải đóng phí đồng cỏ. Không chỉ thu phí đồng cỏ chăn thả trâu, bò, Hợp tác xã quản lý đồng điền ở đây còn áp dụng các biện pháp xử phạt cả ngan, gà, vịt… ra đồng.

Qua tìm hiểu được biết, trong "Quy ước bảo vệ đồng điền" do Hợp tác xã dịch vụ Minh Anh (HTX) ở xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) đề ra có những điều khoản hết sức vô lý đối với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân trên địa bàn.

Không chỉ thu phí đồng cỏ chăn thả trâu bò...
Không chỉ thu phí đồng cỏ chăn thả trâu bò...

Cụ thể, trong đó nghiêm cấm người dân chăn dắt, thả trâu, bò, lợn, dê, vịt, gà, ngan, ngỗng,... trên tất cả các xứ đồng, kể cả bờ mương, bờ kênh do HTX quản lý; các chủ máy gặt, máy lồng đất trước khi xuống đồng phải đăng ký với HTX để có kế hoạch phân bổ diện tích cho từng chủ máy.

Trong quy định về thẩm quyền và mức độ xử lý vi phạm nêu rõ: Tất cả các trường hợp vi phạm, dù vô tình hay cố ý, đều lập biên bản và tùy theo mức độ vi phạm và thái độ trong từng trường hợp để xử lý một cách khách quan, công bằng, dân chủ, công khai trước tập thể theo quy ước của HTX.

Mức xử phạt cụ thể như sau: Những người vi phạm bắt buộc phải bồi hoàn 100% giá trị thiệt hại, đồng thời tiến hành phạt theo quy ước bằng tiền từ 100.000 - 300.000 đồng (lần thứ nhất); nếu cố tình tái phạm hoặc có thái độ chống người thi hành công vụ thì lập biên bản báo cáo, đề nghị UBND xã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính theo luật định.

Mức xử lý đối với trâu, bò, dê mỗi con từ 100.000 - 200.000 đồng/1 lần, nếu tái phạm nhiều lần thì phạt mỗi con từ 200.000 - 300.000 đồng.

Đối với vịt, gà, ngan, ngỗng lần thứ nhất xử phạt mỗi con từ 50.000 - 100.000 đồng/1 con, nếu tái phạm nhiều lần thì mức xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/1 con.

HTX dịch vụ Minh Anh, ở xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa còn đưa ra các mức xử phạt đối với gà, vịt, ngan, ngỗng...
HTX dịch vụ Minh Anh, ở xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa còn đưa ra các mức xử phạt đối với gà, vịt, ngan, ngỗng...

Đồng thời, yêu cầu phải đưa ngay các đàn vịt ra khỏi đồng; nếu có hành vi chống đối, lập biên bản đưa về nơi quy định và đề nghị UBND xã xử lý bằng biện pháp hành chính...

“Việc chăn thả trâu bò ngoài đồng cho ăn cỏ ở những bãi đất trống, bờ mương, bờ ruộng là bình thường, nó đã trở thành hình ảnh quen thuộc, tập quán canh tác của người nông dân nơi các vùng quê. Nhiều hộ gia đình sống gần khu vực đồng ruộng, nuôi thả vài ba con vịt, con gà là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đến cả con vịt ra mương tắm cũng bị phạt thì quá vô lý”, một người dân cho biết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương, xác nhận việc HTX đề ra "Quy ước bảo vệ đồng điền" với các điều khoản xử phạt và thu tiền như trên là có thật. Hiện chính quyền địa phương đã chỉ đạo HTX mời các hộ dân có liên quan lên để họp và xin lỗi người dân, đồng thời trả lại các khoản tiền mà HTX đã thu, trong tuần tới.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, người dân tại xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) muốn chăn thả trâu bò ra đồng phải đóng một khoản phí gọi là phí đồng cỏ, tiền thế chấp cho HTX.

Cụ thể, mức thu mà HTX đưa ra là 100.000 đồng phí đồng cỏ/con/năm, 300.000 đồng tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm.

Việc xử phạt gia cầm ra đồng được gọi là quy ước đồng điền do HTX đặt ra
Việc xử phạt gia cầm ra đồng được gọi là quy ước đồng điền do HTX đặt ra

Không riêng gì các hộ chăn nuôi trâu, bò mà những người có máy gặt đập cũng phải phải đóng tiền “đặt cọc” cho HTX khi muốn đầu tư máy móc phục vụ nông nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, những hộ dân có máy gặt, máy lồng phải đóng 5 triệu đồng gọi là tiền thế chấp cho HTX, ngoài ra mỗi máy còn phải đóng thêm 10%/đầu sào phí dịch vụ.

Lãnh đạo HTX đã thừa nhận có thu những khoản tiền nêu trên. Tuy nhiên, HTX thu tiền trên tinh thần tự nguyện đóng góp và có văn bản họp dân, dựa trên quy ước đồng điền của làng từ xưa đến nay.

Ngay sau khi báo chí phản ánh về vấn đề trên, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, đã yêu cầu các phòng ban chuyên môn tiến hành kiểm tra, làm rõ vấn đề này.

Cũng theo khẳng định của ông Xuân, trong ngày hôm nay 20/4, lãnh đạo thành phố cùng các phòng ban sẽ có buổi làm việc trực tiếp với xã Thiệu Dương. Đồng thời, Chủ tịch thành phố cho biết, sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Duy Tuyên