Vĩnh biệt Thiếu tá tình báo 6 lần bị địch cưa chân

(Dân trí) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương từng khiến kẻ địch phải thốt lên: “Tao thua rồi, mày là sinh vật thép” khi ông đã 6 lần “chết đi, sống lại” bởi màn tra tấn cưa chân dã man. Sắc đẹp và kim tiền không thể làm người chiến sĩ tình báo lung lay ý chí quật cường. Ngày 13/8, người cựu chiến sĩ tình báo ấy đã qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.

Sự ra đi của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thương là niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng đội...
Sự ra đi của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thương là niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng đội...

Sự ra đi của Thiếu tá Nguyễn Văn Thương để lại niềm thương tiếc vô hạn với gia đình, bạn bè, đồng đội và dân tộc.

Ngôi nhà trong con hẻm của ông trên đường Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) những ngày qua đã đón nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhà nước, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, TPHCM, ban ngành… đến thắp nén hương đưa tiễn, chia buồn...

Vĩnh biệt Thiếu tá tình báo 6 lần bị địch cưa chân - 2
Vĩnh biệt Thiếu tá tình báo 6 lần bị địch cưa chân - 3
Vĩnh biệt Thiếu tá tình báo 6 lần bị địch cưa chân - 4
Những người đồng đội trẻ chào tiễn biệt Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương
Những người đồng đội trẻ chào tiễn biệt Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương
Đoàn Tỉnh Đoàn Tây Ninh viếng đám tang cựu chiến sĩ tình báo Nguyễn Văn Thương - người con anh hùng của quê hương Tây Ninh
Đoàn Tỉnh Đoàn Tây Ninh viếng đám tang cựu chiến sĩ tình báo Nguyễn Văn Thương - người con anh hùng của quê hương Tây Ninh

Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (sinh năm 1938) trở về sau chiến tranh với đôi chân bị cưa cụt. Cách đây 3 năm, PV Dân trí có dịp đến thăm nhà cựu chiến sĩ tình báo năm nào, không giấu được xúc động khi chứng kiến ông đi bằng hai tay ra mở cửa cho khách. Ngược dòng thời gian, ông kể lại những tháng năm sống và chiến đấu vì Tổ quốc.

Cha ông vốn là một chiến sĩ quân báo và hy sinh trong nhà tù Tây Ninh năm 1959. Mẹ ông là giao liên hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc, bị địch bắt, đày ra nhà tù Côn Đảo và hy sinh.

Ông Nguyễn Văn Thương tham gia quân ngũ, sau thời gian huấn luyện, năm 1961, ông được chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy T4 Sài Gòn – Gia Định).

Một thời gian sau, ông Thương sang hoạt động trong ngành tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Trưởng Ban tình báo khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Năm 1969, trên đường chuyển tài liệu mật về Sài Gòn, ông bị quân Mỹ cho trực thăng vây bắt tại một cánh đồng ở tỉnh Bình Dương. Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, ông bị thương rồi ngất đi bởi cú đập báng súng làm gãy cánh tay.


Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương bị cụt đôi chân vì những màn tra tấn dã man của địch

Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương bị cụt đôi chân vì những màn tra tấn dã man của địch

Ông Thương được quân Mỹ cho về sống ở một biệt thự sang trọng tại Sài Gòn và được một người phụ nữ xinh đẹp chăm sóc. Tại đây, một đại tá quân đội Mỹ nói rằng một xấp tiền 100.000 USD, một chiếc xe hơi, ngôi biệt thự sẽ thuộc về ông nếu ông thừa nhận mình là Nguyễn Văn Thương. Hơn nữa, nếu chịu hợp tác thì được trao bộ quân phục với lon trung tá.

Dù bị địch mua chuộc bằng kim tiền, sắc đẹp trong 100 ngày nhưng ông Thương không lay chuyển, tiết lộ thông tin của tổ chức cách mạng. Không chiêu dụ được, quân Mỹ chuyển sang những màn tra tấn dã man, tàn độc để ông Thương khai báo.

Chúng trói chặt chân ông lên bàn rồi bẽ gãy từng ngón chân. Khi bẻ xong 10 ngón chân, quân địch lại dùng gậy đập nát hai bàn chân để ông không thể tiếp tục làm tình báo.

Dù bị những đòn tra tấn dã man nhưng người chiến sĩ tình báo vẫn một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, ông thà chịu chết chứ không bao giờ bán nước.

Khi các vết thương ở bàn chân ông chưa lành, quân Mỹ lại cưa chân ông. Mỗi lần chân bị cưa một đoạn, lúc thì bằng gang tay, lúc thì chỉ vài cm… Trong một thời gian ngắn, ông Thương bị quân Mỹ cưa chân đến 6 lần và vĩnh viễn mất đi đôi chân.

Sự gan dạ, lòng yêu nước giúp ông giữ vững khí tiết sau những màn tra tấn tàn độc của quân địch, đến nỗi chính những kẻ tra tấn ông phải thốt lên: “Tao thua rồi, mày là sinh vật thép”.

Sau đó, ông Nguyễn Văn Thương bị đưa về giam giữ tại trại giam Hố Nai. Tại đây, ông vẫn tiếp tục hoạt động, đấu tranh, viết truyền đơn nên bị nhốt vào thùng sắt 3 tháng, rồi đày ra Côn Đảo. Đến năm 1973, sau hiệp định Paris, ông được thả tự do về đoàn tụ với gia đình.

Là tấm gương sáng chói của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, năm 1978, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương sinh năm 1938 tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nguyên cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM.

Khen thưởng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương quân công hạng Ba; Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương chiến sĩ giải phóng.

Dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe tăng, dũng sĩ diệt máy bay. Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, giấy khen.

Ông Nguyễn Văn Thương từ trần lúc 9h50 phút ngày 13/8/2018. Linh cữu quàn tại tư gia: 337/6 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Lễ truy điệu vào lúc 5h30 ngày 17/8.

Linh cữu được đưa đi an táng tại nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương.

Quốc Anh – Phạm Nguyễn