Việt Nam phấn đấu giảm 20% phát thải khí nhà kính từ trồng trọt

(Dân trí) - Việc áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu sẽ có khả năng giảm phát thải được 20 tấn CO2, tương đương 15- 20% tổng lượng dự báo phát thải khí nhà kính của lĩnh vực trồng trọt ở Việt Nam đến năm 2020.

Theo dự kiến, đến năm 2020, sẽ có khoảng 7,4 triệu ha đất trồng lúa được ứng dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu vào để giảm phát thải khí nhà kính như SRI, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, nông-lộ-phơi...

Phát biểu tại hội nghị “Lập kế hoạch cho pha 1, dự án phát thải thấp CH4 trong canh tác lúa nước tại VN” do Viện Môi trường Nông nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tổ chức ngày 23/01/2015 tại Hà Nội, ông Mai Văn Trinh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) khẳng định rằng: Biện pháp “3 giảm 3” tăng giúp tăng năng xuất, chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời giảm thuốc trừ sâu, giống, giảm lượng phân đạm. Trong khi đó, “1 phải 5 giảm” yêu cầu người nông dân phải sử dụng giống lúa xác nhận, giúp giảm lượng giống, lượng thuốc  bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm nước và giảm thất thoát sau thu hoạch..

Tưới tiết kiệm 
Tưới tiết kiệm là biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính (Ảnh minh họa)

Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã đưa ra một số giải pháp như sản xuất xanh, cuộc sống xanh và tiêu dung xanh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã và sẽ áp dụng qui trình GAP trong trồng trọt; sử dụng biện pháp canh tác tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng nước tiết kiệm; làm đất ; kỹ thuật điều tiết nước, phân bón hạn chế phát sinh khí metan trên ruộng lúa.

Nhằm giảm phát thải khí nhà kinh trong trồng lúa Viện Môi trường nông nghiệp đang thực hiện dự án phát thải thấp CH4 trong canh tác lúa nước thông qua việc áp dụng kỹ thuật tưới khô ẩm xen kẽ (AWD).

Theo Th.S Bùi Văn Minh, cán bộ của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), qua thực hiện kết quả cho thấy, áp dụng SRI, nông dân tiết kiệm được 15,6% chi phí giống, 4,74% chi phí cho phân bón; giảm được 20 – 30% lượng nước tưới/vụ và đặc biệt là giảm đến 37,79% chi phí thuốc bảo vệ thực vật cho 1ha diện tích đất canh tác trong khi năng suất tăng trung bình 5,68 tạ/ha.

Ước tính, nếu áp dụng SRI trên toàn bộ diện tích canh tác lúa của Quảng Bình thì lượng giống tiết kiệm được lên đến 3.000 – 4.000 tấn, tương ứng số tiền 60 – 80 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, mô hình tưới ngập khô xen kẽ trên đất lúa được thực hiện thành công ở huyện Nam Sách (Hải Dương) đem lại những kết quả khả quan như: Giảm 1 – 2 lần bơm nước vụ; giảm công lao động cho cán bộ thủy nông và phí thủy lợi nội đồng cho nông dân; giảm sâu bệnh và tỷ lệ đổ ngã trong khi năng suất cây trồng vẫn tăng khoảng 10%.

Mặc dù đã được triển khai nhiều năm ở Việt Nam nhưng SRI vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, vẫn chỉ dừng lại ở mô hình do hệ thống ruộng đất ở nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, hệ thống tưới tiêu thiếu đồng bộ; trình độ, năng lực, nhận thức của nông dân và cán bộ cơ sở chưa đồng đều ở các vùng; việc điều tiết nước tại một số địa phương còn phụ thuộc vào kế hoạch của trạm thủy nông,…

Theo ông Vũ Dương Quỳnh, cán bộ của Viện Môi trường nông nghiệp (IAE), điều phối viên Dự án phát thải thấp CH4 trong canh tác lúa nước tại Việt Nam, khó khăn nhất khi triển khai các giải pháp kỹ thuật như SRI, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” là khâu quản lý nước. Nguyên nhân là do hệ thống đồng ruộng nhiều địa phương không bằng phẳng, quy mô nhỏ lẻ, phân tán; sự liên kết giữa lực lượng thủy nông và người dân chưa chặt chẽ.

Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng khẳng định rằng, tưới tiết kiệm lại là biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính một cách nhanh nhất.

Nguyên An