“Tịch thu bình trà đá cho người nghèo là quá vô tâm!”

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho rằng hành động tịch thu bình trà đá miễn phí cho người nghèo là vô tâm và đụng chạm tới những giá trị nhân văn đang ngày càng ít trong xã hội, nên lập tức gặp phải phản ứng dữ dội.

thutradamienphi-69d94

Những ngày qua, sự việc Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tịch thu bình trà đá miễn phí cho người nghèo đặt trên vỉa hè đường Giải Phóng đã gây ra “bão” dư luận mạng xã hội.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 3/8, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng đó là hành động “quá vô tâm”. “Những năm qua, bình trà đá miễn phí cho người nghèo đã xuất hiện nhiều trên vỉa hè các tuyến đường ở Hà Nội và TPHCM. Có thể thấy chủ của những bình trà đá đó đều là những người dân lao động, kinh doanh bình thường chứ không giàu sang gì. Họ coi bình trà đá miễn phí đó là sự sẻ chia với những người lao động nghèo. Đó là những nghĩa cử nhân văn, cao đẹp mà cần được nhân lên nhiều hơn nữa trong xã hội chúng ta hiện nay”- ông Hậu nói.

Ông Hậu cho biết nhiều lần ra Hà Nội công tác, hình ảnh dễ đập vào mắt ông nhất chính là việc kinh doanh hàng quán tràn lan trên vỉa hè, thậm chí lấn chiếm cả lòng đường. “Nhưng rất nhiều nơi việc kinh doanh, buôn bán như vậy không hề bị nhắc nhở, xử phạt hay tịch thu tang vật vi phạm. Thậm chí quanh khu vực do Công an phường Thịnh Liệt quản lý chắc chắn cũng không thiếu hàng quán lấn chiếm vỉa hè, vậy thì tại sao lại tịch thu bình trà đá miễn phí như vậy? Xét về khía cạnh thực thi pháp luật thì việc kiểm tra, xử lý đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè là đúng quy định pháp luật, nhưng phải đảm bảo công tâm, công bằng, khách quan. Việc xử lý thiếu công bằng của cơ quan công quyền, bỏ qua cho hàng loạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè nhưng lại sẵn sàng quyết liệt đi tịch thu bình trà đá miễn phí cho người nghèo đã đụng chạm tới những giá trị nhân văn đang ngày càng ít đi trong xã hội gây ra phản ứng mạnh mẽ như vậy”- luật sư Hậu phân tích.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Hậu cho rằng hành động tịch thu bình trà đá của Công an phường Thịnh Liệt còn có dấu hiệu chưa đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Theo điều 81 Luật xử lý vi phạm hành chính, khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến.

“Tuy nhiên qua thông tin báo chí phản ánh có thể thấy công an phường đã tịch thu mà không cần có ý kiến nào của chủ nhân bình trá đá, như vậy là làm sai quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính”- luật sư Hậu nhận định.

Trong khi đó, PGS-TS. Trịnh Hòa Bình (nhà nghiên cứu xã hội học) khẳng định bình trà đá miễn phí cho người nghèo đặt trên vỉa hè là hình ảnh tiêu biểu cho những tấm lòng thiện nguyện, nhân đạo nhưng có thể đã khiến nhà chức trách “ngứa mắt”.

“Theo các quy định hiện nay thì trách nhiệm của nhà chức trách là làm cho đường thông, hè thoáng, xử lý nghiêm những vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng việc này không được làm triệt để, chỗ bị xử nghiêm, chỗ được thả lỏng. Họ có thể xử nghiêm việc đặt bình trà đá miễn phí lấn chiếm vỉa hè nhưng lại bỏ qua cho những hàng quán cóc lấn chiếm vỉa hè khác. Chính việc quản lý như vậy kéo dài suốt thời gian dài đã tạo ra tâm lý bất bình trong người dân. Người dân phản ứng với hành động tịch thu bình trà đá miễn phí cho người nghèo chỉ là một việc nhỏ, cái tôi nhìn thấy đằng sau hiện tượng đó là sự phản ứng với lực lượng “cầm cân nảy mực”, họ cho rằng lực lượng này hành động không có sự công bằng, làm việc tùy hứng, tùy tiện nhưng lại đang nhân danh lực lượng thực thi công vụ để sắp xếp lại trật tự”- ông Bình nói.

Ông Trịnh Hòa Bình cho rằng chính niềm tin của xã hội vào lực lượng thực thi công vụ mỗi ngày một loãng, lại được “tích tụ” hàng ngày nên đến khi xảy ra một sự việc cụ thể, rõ ràng như việc Công an phường Thịnh Liệt tịch thu bình trà đá miễn phí cho người nghèo, đã lập tức trở thành “cái cớ” bùng phát những phản ứng mạnh mẽ như vậy.

Thế Kha