Thừa Thiên Huế nỗ lực cứu những lồng cá nuôi đang gặp nguy
(Dân trí) - Chiều 5/5, trao đổi với PV, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã cho tháo nước sông Hương qua đập Thảo Long chảy về đầm phá Tam Giang để tăng lượng oxy cho cá đang bị chết bất thường tại đây.
Tăng lượng oxy cho cá
Từ ngày 26/4, hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Huế đã giảm hẳn, bà con ngư dân đã phần nào yên tâm và đã bắt đầu ra khơi đánh bắt hải sản xa bờ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hải sản trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu phục hồi. Chất lượng môi trường nước nước biển được kiểm nghiệm an toàn theo tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước biển của việt Nam nên đã không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch trong dịp Festival, du khách tăng cao, đạt kỷ lục so với kỳ Festival trước.
Tuy nhiên, đến chiều tối ngày 2/5 và sáng ngày 3/5, tại khu vực ven biển từ xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền dọc vào đến xã Phú Hải, huyện Phú Vang lại có hiện tượng cá chết rải rác trôi dạt vào bờ. Bên cạnh đó tại khu vực cá lồng ven cửa Thuận An cũng có hiện tượng cá nổi lờ đờ và chết khi thủy triều lên. Nhận định ban đầu khả năng cá chết là do thiếu ôxy, tỉnh đã chỉ đạo xả nước đập Thảo Long, nâng lồng nuôi cá lên cao... nhằm tạo ôxy cho cá.
Cụ thể, từ ngày 4/5, cơ quan chức năng đã cho nâng các tấm chắn đập Thảo Long, đưa nguồn nước trong lành từ sông Hương chảy về khu vực đầm phá Tam Giang. Qua thời gian theo dõi ngắn, một số cá lồng lờ đờ tại đầm phá ven biển Thuận An, Hải Dương có dấu hiệu hồi phục sức khỏe.
Theo ông Khanh, nhận định ban đầu do một phần nguyên nhân thiếu ôxy nên đã dẫn đến hiện tượng cá lồng nuôi ở khu vực đầm phá nói trên đã chết hàng loạt. Việc dẫn nước tạo thêm nguồn ôxy mới từ sông Hương và một số giải pháp tăng lượng ôxy ở nơi nuôi cá như nâng lồng nuôi cá lên cao đang được tiến hành. Do đó, hiện tượng cá nổi lờ đờ và chết đã giảm hẳn.
“Qua việc cá chết hàng loạt, xác định đây là một sự cố môi trường bất thường nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Huế nên tỉnh đã cùng các cơ quan ban ngành vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Chính phủ” – ông Khanh nhấn mạnh. Hiện tại, theo Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì tỉnh đang huy động toàn bộ đội ngũ khoa học, gồm Sở Khoa học & Công nghệ và các trường Đại học để cùng tìm thêm nguyên nhân, giải pháp cho việc cá chết.
Trước mắt, tỉnh sẽ lấy mẫu nước quan trắc 1 ngày 2 lần tại các điểm bãi tắm, nuôi trồng thủy hải sản trên đầm phá để gửi ra Trung ương. Kết quả hiện đang công bố cập nhật trên trang web của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh.
Trả lời thông tin về đoàn các nhà khoa học nước ngoài đang về miền Trung làm việc, ông Khanh cho hay hiện chưa có lịch đoàn về Huế ngày nào, và sẽ thông báo cho báo chí để tham dự đưa tin một cách tốt nhất.
Xuất hiện rong biển lạ ở khu vực cá chết
Tại một cuộc họp báo sáng nay (5/5) tại TP Huế, ông Khanh đã có thông báo chính thức về tình trạng cá chết: Từ 15/4 đến 24/4 xuất hiện cá chết bất thường từ vùng ven bờ biển của huyện Phong Điền đến Phú Lộc. Đợt thứ 2 từ ngày 26/4 đến 29/4, hải sản chết bất thường ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và cửa Chu Mới (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc).
Đáng chú ý, đợt thứ 3 từ ngày 2/5 đến nay xuất hiện cá biển và cá nuôi lồng chết tại vùng biển Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền) và các xã Phú Thuận, Phú Hải, Thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà). Dự ước tổng thiệt hại do cá nuôi lồng bị chết trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay là khoảng 11 tỷ đồng.
Hiện đang có hiện tượng xuất hiện rong biển lạ ở các khu vực biển có cá lồng nuôi ở đầm phá phía trong chết. Tỉnh đang lấy mẫu, phân tích và gửi đi xét nghiệm để có kết quả sớm nhất.
Hải sản sạch đang được thu mua tốt
Chánh văn phòng UBND tỉnh kiêm phát ngôn vụ cá chết, ông Hoàng Ngọc Khanh cũng cho biết thêm đang tuyên truyền, nghiêm cấm người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm ở bất cứ hình thức nào. Số lượng cá chết đang tiếp tục theo dõi để thu mua, sau đó xử lý tiêu hủy. Đồng thời, cơ quan đang thống kê số lượng cá chết đối với các hộ dân nuôi trồng bị thiệt hại, từ đó có báo cáo lên chính phủ để hỗ trợ dân.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cảnh báo việc khai thác hải sản của ngư dân đánh bắt gần bờ. Riêng ngư dân đánh bắt xa bờ thì phải ở khoảng cách hơn 20 hải lý từ bờ trở ra, xác nhận địa chỉ ngư trường qua thiết bị GPS, báo cáo về Chi cục Thủy sản…, từ đó tạo nguồn hải sản sạch cung ứng về các điểm thu mua để bán cho người dân.
Cụ thể, các loại cá do ngư dân đánh bắt xa bờ đều được Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế chứng nhận hải sản sạch thông qua việc xác định các tọa độ vùng biển ngư dân đã khai thác, đánh bắt trên biển, khi vào bờ được kiểm tra và kiểm nghiệm trước khi xuất bán. Các loại hải sản ở tầng nổi xa bờ được Chi cục Thủy sản tỉnh công bố là sản phẩm sạch gồm: cá trích, nục, thu, ngừ, chim đen, cờ, hố, mực ống, cá trác, cá nhồng, cá bè, cá sòng…
Một gian hàng bán cá sạch ở TP Huế.
Tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến hải sản và các siêu thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế về tại các cảng cá để thu mua toàn bộ số lượng hải sản mà ngư dân đã đánh bắt được trên các vùng biển xa. Đến nay, các điểm bán cá sạch đã tiêu thụ hết cá do các tàu thuyền đánh bắt xa bờ đánh bắt được.
Tại Huế, hiện đã có điểm bán cá “sạch” mua từ tàu cá đánh bắt xa bờ có chứng chỉ cấp từ Chi cục Thủy sản ở Siêu thị Co-op Mart và Chợ Đông Ba và sắp tới sẽ là Siêu thị Big C. Qua thống kê, đã có trên 500 tấn hải sản an toàn đã được thu mua trong những ngày qua.
Hỗ trợ sớm cho người dân nuôi cá bị thiệt hại
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến các Bộ, cơ quan về việc hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất cho các đối tượng tham gia nuôi trồng, đánh bắt, hoạt động dịch vụ nghề cá, thu mua thủy, hải sản, các hộ ven bờ, các chủ tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng.
Cụ thể: Hỗ trợ đối với các hộ nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg; cấp 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng cho các hộ đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng; Hỗ trợ các tàu khai thác ven bờ không ra khơi được mỗi tàu 5 triệu đồng; Hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các hộ thu mua cá và dịch vụ nghề cá; Hỗ trợ tiêu hủy cá chết; Xem xét, hỗ trợ đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng; Thực hiện các giải pháp hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý rủi ro đối với các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định và tiếp tục cho vay mới để phục hồi, phát triển sản xuất.
Tại Thừa Thiên Huế, về vấn đề hỗ trợ gạo, tiền, lãi suất cho các đối tượng tham gia nuôi trồng, đánh bắt, hoạt động dịch vụ nghề cá, thu mua thủy, hải sản, các hộ ven bờ, các chủ tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay khi có văn bản hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành trung ương, Tỉnh sẽ triển khai thực hiện hỗ trợ kịp thời để người dân sớm ổn định cuộc sống, chủ động theo nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh.
Đại Dương