Thanh tra SCIC, yêu cầu xác định lại giá trị doanh nghiệp của Vinaconex
(Dân trí) - Qua thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại SCIC, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND TPHCM chỉ đạo việc xác định lại giá trị doanh nghiệp của Vinaconex khi cổ phần hóa do chưa thực hiện đúng việc xác định số tiền thuê đất đối với khu đất tại 47 Điện Biên Phủ (Quận 1, TPHCM).
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về cơ bản là có lợi nhuận, tuy nhiên còn có một số khoản đầu tư xác định hiệu quả chưa rõ ràng. Việc đầu tư thêm vốn theo quyền mua của cổ đông hiện hữu chưa được thẩm định kỹ vấn đề hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư, nhất là việc so sánh lợi ích của việc đầu tư tăng vốn vào các doanh nghiệp đang thực hiện thoái vốn, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.
Cụ thể, khoản đầu tư tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Giao thông Hà Nội không có trong kế hoạch đầu tư, không thực hiện các bước thẩm định, đánh giá đề ra quyết định đầu tư, không có căn cứ xác định giá cổ phần, không vì vấn đề hiệu quả mà thực chất chỉ là đối trừ công nợ cổ tức phải trả của công ty với SCIC. Việc này đã vi phạm Quy chế ra quyết định đầu tư theo Quyết định số 13/2013 của SCIC. Hơn nữa, sau khi đầu tư tăng vốn điều lệ đến nay, công ty luôn trong tình trạng hoạt động khó khăn, hiệu quả thấp.
Khoản đầu tư tăng vốn điều lệ tại Vinaconex với giá trị đầu tư thêm của SCIC 1.602 tỷ đồng theo quyền mua của cổ đông hiện hữu thực chất chỉ giúp Vinaconex tái cơ cấu về tài chính trả nợ cổ phiếu đến hạn, do khoản lỗ gần 2.000 tỷ đồng tại Dự án Xi măng Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Khoản đầu tư trên 43,3 tỷ đồng vào Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo Quyết định số 731/2009 của Thủ tướng Chính phủ chưa được Tổng công ty Giấy Việt Nam xác nhận.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện SCIC lập kế hoạch bán vốn hàng năm chưa có kế hoạch kinh doanh dài hạn để làm căn cứ theo quy định của Bộ Tài chính. Tại Công ty cổ phần Du lịch TPHCM, khi tính lợi thế kinh doanh để xác định giá khởi điểm, SCIC đã loại trừ khoản lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của năm 2011 ra khỏi kết quả kinh doanh 3 năm từ 2010 tới năm 2012. Tại Công ty cổ phần Sứ Hải Dương, Công ty cổ phần Du lịch TPHCM, SCIC chưa xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm bán cổ phần. SCIC bán vốn đầu tư khi doanh nghiệp còn nợ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp hoặc chưa có cam kết trả nợ Quỹ.
Về quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Đến hết năm 2014 vẫn còn có tỉnh, thành phố chưa có báo cáo, quyết toán và chuyển số tiền còn lại của Quỹ tại địa phương về Quỹ tại SCIC theo quy định. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nộp tiền về Quỹ theo quy định trong đó có nhiều doanh nghiệp do SCIC làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước kinh doanh có lãi, thực hiện chia cổ tức hàng năm, nhưng vẫn không trợ nợ Quỹ; SCIC thực hiện chế độ báo cáo chưa đúng định kỳ.
Bộ Tài chính chậm phê duyệt xếp loại doanh nghiệp dẫn đến SCIC chậm thực hiện việc công khai trên trang thông tin điện tử về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý. SCIC không theo dõi, thu các khoản thù lao doanh nghiệp khác trả cho người đại diện và chậm thực hiện chi trả phụ cấp cho người đại diện vốn kiêm nhiệm theo quy định; không trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định.
“Công tác đầu tư, mua sắm tài sản còn có vi phạm trong việc lập hồ sơ hoàn công, quyết toán; hạng mục phát sinh thiếu thủ tục theo quy định; nghiệm thu, thanh quyết toán sai khối lượng trên 251,8 triệu đồng, sai phạm khác trên 129 triệu đồng”- kết luận chỉ rõ.
Làm rõ việc Hà Nội không chuyển giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiến hành rà soát các quy định để tách biệt vai trò trong quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước với chức năng, nhiệm vụ của SCIC là mô hình Công ty TNHH MTV hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc chuyển giao nguyên trạng, xác định lại đối tượng chuyển giao đối với loại hình Công ty xổ sổ kiến thiết để phù hợp với các quy định khác.
Đồng thời, chỉ đạo UBND TP Hà Nội báo cáo, làm rõ nguyên nhân không chuyển giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC và tổng kết thực hiện làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của UBND TP Hà Nội; xem xét, xử lý đối với 11 địa điểm đất đã được UBND TP Hà Nội giao thu tiền sử dụng đất hàng năm và 9 mảnh đất không có giấy tờ đất tại Công ty Hapharco. Hà Nội cũng cần chỉ đạo cơ quan thẩm quyền xem xét việc sử dụng nhà đất tại 15 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm của Tổng công ty cổ phần Điện tử tin học.
Chấp thuận việc thoái vốn tại Công ty TNHH Côn Đảo nhưng yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải kiểm điểm trách nhiệm về những sai phạm trong quản lý đối với công ty này để phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhưng do cấp huyện quản lý, lợi nhuận trong thời gian dài không thu nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Cơ quan thanh tra kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND TPHCM chỉ đạo xử lý việc xác định lại giá trị doanh nghiệp của Vinaconex khi cổ phần hóa do chưa thực hiện đúng việc xác định số tiền thuê đất đối với khu đất tại 47 Điện Biên Phủ (Quận 1, TPHCM).
“Bộ Tài chính, SCIC căn cứ vào những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra để tiến hành kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân theo thẩm quyền quản lý; đồng thời đề xuất hoặc áp dụng ngay các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục, xử lý những khuyết điểm, vi phạm”- kết luận nêu rõ.
Thế Kha