Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thị sát đê tại Thanh Hóa

(Dân trí) - Chiều 15/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn công tác đi thị sát các tuyến đê xung yếu và kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã đến thị sát tại tuyến đê hữu sông Cầu Chày, đoạn qua xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân bị lũ “khoan thủng” và đoạn đê sông Chu, qua xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân bị nứt, sạt trượt dài 250m.

Qua thị sát 2 tuyến đê ở xã Xuân Minh và Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, mưa lũ đã làm hư hỏng nghiêm trọng một số công trình đê xung yếu của Thanh Hóa.

Ông yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Thanh Hóa khẩn trương xử lý sớm tuyến đê sông Chu (đê do Trung ương quản lý), vì chỉ cần một trận mưa lớn nữa sẽ rất nguy hiểm cho hơn 440.000 hộ dân ở 3 huyện Thọ Xuân, Yên Định và Thiệu Hóa. Riêng tuyến đê sông Cầu Chày, đê sông Yên (là những tuyến đê do địa phương quản lý), Trung ương cũng sẽ có hỗ trợ kịp thời.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đến thăm hỏi, động viên và tặng quà một số gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua tại huyện Thọ Xuân.


Phó Thủ tướng kiểm tra tuyến đê sông Cầu Chày, đoạn qua xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân

Phó Thủ tướng kiểm tra tuyến đê sông Cầu Chày, đoạn qua xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân

Sau khi đi thị sát một số tuyến đê xung yếu và thăm một số gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, Phó Thủ tướng đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa. Phó Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, tích cực trong việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.


Phó Thủ tướng thị sát tuyến đê sông Chu, đoạn qua xã Thọ Trường, bị nứt, sạt trượt

Phó Thủ tướng thị sát tuyến đê sông Chu, đoạn qua xã Thọ Trường, bị nứt, sạt trượt

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần tập trung chỉ đạo, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng, không để hộ dân nào đứt bữa, thiếu đói. Đồng thời, quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, dịch bệnh, đảm bảo nước sạch cho nhân dân.

Đối với cơn bão số 11 dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thanh Hóa chủ động, chuẩn bị ứng phó với bão và hoàn lưu mưa sau bão.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho Thanh Hóa 580 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở các tuyến đê và các công trình giao thông bị hư hỏng.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Thanh Hóa một số dự án đầu tư, nâng cấp các tuyến đê sông Chu với tổng kinh phí khoảng 700 tỷ đồng.


Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, mưa lũ đã làm hư hỏng nghiêm trọng 1 số công trình đê xung yếu của Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, mưa lũ đã làm hư hỏng nghiêm trọng 1 số công trình đê xung yếu của Thanh Hóa.

Đồng thời, để giảm bớt khó khăn cho nhân dân, đề nghị Trung ương quan tâm bố trí kinh phí ngân sách trung ương để hỗ trợ các gia đình có gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi và vùng nuôi trồng thủy sản bị ngập do mưa lũ; hỗ trợ một số giống cây trồng để khôi phục sản xuất vụ Đông 2017 - 2018.

Ngoài ra, Thanh Hóa cũng đề nghị Chính phủ cho chủ trương để lập dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đê hữu sông Cầu Chày, đê sông Hoạt và đê sông Thị Long từ nguồn vốn ODA với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê lại các thiệt hại để báo cáo Trung ương, từ đó các Bộ, ngành liên quan sẽ tổng hợp đề xuất của tỉnh, báo cáo Chính phủ, Trung ương.

Chính phủ, Trung ương sẽ rà soát lại nguồn kinh phí dự phòng, ngân sách trung hạn để có quyết định phân bổ, hỗ trợ Thanh Hóa, cũng như các tỉnh khác trong việc khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Bộ NN&PTNT trên cơ sở tổng hợp báo cáo thiệt hại cũng như đề xuất của các tỉnh, sẽ cân đối nguồn vốn, hỗ trợ Thanh Hóa và các tỉnh khôi phục sản xuất.


Phó Thủ tướng lắng nghe chia sẻ của nhân dân vùng lũ Thọ Xuân

Phó Thủ tướng lắng nghe chia sẻ của nhân dân vùng lũ Thọ Xuân


Phó Thủ tướng thăm và tặng quà cho một số gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại huyện Thọ Xuân

Phó Thủ tướng thăm và tặng quà cho một số gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại huyện Thọ Xuân

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và ủng hộ chủ trương của Thanh Hóa tìm kiếm nguồn vay ODA để sửa chữa, khắc phục, nâng cấp hệ thống đê điều do địa phương quản lý.

Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, đợt mưa lũ vừa qua, Thanh Hóa đã có 16 người chết, 5 người mất tích, 5 người bị thương; 55 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 172 nhà bị thiệt hại một phần, 28.146 ngôi nhà bị ngập, 144 ngôi nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất.

Hệ thống đê xung yếu, đê cấp III, đê cấp IV của Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề; hàng chục nghìn ha hoa màu, cây vụ đông bị thiệt hại; 6.455 con gia súc, 210.355 con gia cầm...bị cuốn trôi; 6.055 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập... Tổng giá trị thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2.700 tỷ đồng.

Tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, giúp nhân dân sớm ổn định sản xuất và đời sống, tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ các gia đình người bị nạn...

Duy Tuyên