1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phạt "nguội" ô tô không chính chủ bằng cách đình chỉ đăng kiểm

(Dân trí) - Qua hệ thống camera giám sát, Hà Nội xử lý 849 trường hợp vi phạm luật giao thông, trong đó có nhiều trường hợp xe vi phạm chưa sang tên chuyển chủ. PC67 kiến nghị đình chỉ đăng kiểm đối với ô tô và đình chỉ lưu hành đối với xe máy chưa sang tên chuyển chủ.

Liên quan đến hoạt động xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh ghi lại từ hệ thống camera giám sát, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội (CSGT - PC67) để làm rõ hơn những hiệu quả và hạn chế.

Phóng viên: Công tác xử lý vi phạm bằng hình ảnh mà người dân thường gọi là phạt “nguội” sau 6 tháng triển khai đã đạt được những hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Năm 2014, PC67 đã nâng cấp Trung tâm Chỉ huy điều khiển giao thông; lắp đặt thêm 450 camera, trong đó có 300 camera để theo dõi lưu lượng phương tiện, 100 camera xử phạt vi phạm qua hình ảnh và 50 camera giám sát giao thông. PC67 đã tổ chức tuyên truyền về việc sẽ xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh. Đầu năm 2015, PC67 lập các tổ công tác để kiểm tra xử lý các vi phạm qua hệ thống camera.

Hình thức xử lý vi phạm giao thông này không phải là phạt “nguội” mà là xử lý qua hình ảnh ghi lại từ hệ thống camera giám sát. Bước đầu PC67 đã xử lý 849 trường hợp vi phạm, hầu hết các trường hợp bị phát hiện qua hình ảnh là vi phạm các hiệu lệnh chỉ huy, tín hiệu đèn chỉ dẫn giao thông, như: Vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, quay đầu xe sai quy định, vượt sai quy định…

Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67 Hà Nội
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67 Hà Nội

Thông qua hình ảnh ghi lại từ camera đã phát hiện, bắt giữ và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, giải quyết 3 vụ gây tai nạn gia thông (TNGT) rồi bỏ chạy. Cung cấp 60 lượt thông tin phục vụ điều tra các vụ việc liên quan đến tội phạm. Ghi nhận 5 hình ảnh lực lượng CSGT giúp đỡ nhân dân.

So với các hình thức xử lý vi phạm khác thì xử phạt bằng hình ảnh có ưu điểm như thế nào, thưa ông?

Camera giám sát là khoa học kỹ thuật và việc ghi nhận các hành vi vi phạm cũng như lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường, làm tăng hiệu quả đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần nâng cao văn hóa giao thông.

Tại các điểm có camera giám sát, ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng lên. Khi có camera theo dõi, giám sát thì tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao, trật tự công cộng, ùn tắc giao thông, tội phạm gây tai nạn giao thông… đều được phát hiện và ghi lại.

Nhưng máy móc cũng có thể bị “lỗi”, vậy xử lý vi phạm bằng hình ảnh có đảm bảo đúng người đúng tội?

Hình ảnh ghi lại đảm bảo chính xác 100% về lỗi vi phạm và người vi phạm, không có trường hợp nào bị phạt oan.

Khi phát hiện vi phạm, Trung tâm Chỉ huy điều khiển giao thông sẽ phát đi thông tin tín hiệu cho các tổ công tác, các tổ tuần tra kiểm soát cơ động để đến kiểm tra và xử lý, đối với các trường hợp mà tổ công tác chưa kịp thời xử lý thì sẽ được rút danh sách từ trong máy ra với những thông tin ghi rõ về thời gian, lỗi vi phạm, phương tiện vi phạm… để gửi giấy mời mời các trường hợp vi phạm lên Trung tâm Chỉ duy để giải quyết, xử lý theo quy định của Nghị định 171.

Được biết, công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh đang gặp khó khăn đối với những trường hợp xe chưa sang tên chuyển chủ, điều này có đúng không thưa ông?

Từ camera giám sát, cảnh sát giao thông có thể biết rõ lỗi vi phạm của phương tiện

Trung tâm Chỉ huy điều khiển giao thông ghi nhận hình ảnh vi phạm giao thông từ 450 camera (ảnh: Quang Phong)

Đúng như vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay đang gặp phải là việc xử lý vi phạm đối với những trường hợp xe ô tô và mô tô chưa sang tên chuyển chủ. Vì vậy, khi phạt trực tiếp trên đường, đã có những trường hợp CSGT phải tạm giữ phương tiện theo nguyên tắc, có trường hợp phải tạm giữ giấy phép lái xe hoặc cũng có nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện khai báo là xe đi mượn nhưng khi xác minh ra thì đó là xe đã bán nhưng chưa sang tên chuyển chủ, khi đó lực lượng CSGT phải tiếp tục tiến hành xác minh về chiếc xe để xử lý vi phạm…

Nói như ông thì xe chưa sang tên chuyển chủ hiện nay là vấn đề lớn khi xử lý vi phạm giao thông, vậy cần giải pháp gì để đảm bảo việc xử lý “đúng người, đúng tội”?

Những quy định về trật tự an toàn giao thông đã tuyên truyền và nhắc nhở rất nhiều nên cần phải tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 171 để răn đe và đảm bảo hiệu quả xử lý vi phạm, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Quan điểm của chúng tôi là kiến nghị đối với cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh và bổ sung quy định vào Nghị định xử phạt 171.

Đối với tất cả những xe ô tô chưa sang tên chuyển chủ, ngoài việc bị xử phạt theo pháp lệnh xử phạt hành chính khi vi phạm thì kiến nghị các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới không thực hiện kiểm định đối với những trường hợp phương tiện này. Đối với mô tô, xe máy, những trường hợp mua bán nhưng không sang tên chuyển chủ thì đề nghị tạm giữ phương tiện và đình chỉ lưu thông có thời hạn, có thể là 15 - 30 ngày, nếu tái phạm thì có thể tạm giữ hàng tháng.

Xin cảm ơn ông!

Đăng ký xe sang tên theo Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 đến nay, PC67 Hà Nội đã làm thủ tục sang tên, di chuyển 57.191 xe ô tô; 35.770 mô tô, xe máy. Trong đó, sang tên trong TP Hà Nội là 31.129 xe ô tô, chuyển đi 17.497 xe, chuyển đến 8.565 xe; mô tô, xe máy sang tên trong TP Hà Nội là 26.831 trường hợp, chuyển đi 6.128 xe và 2.811 xe chuyển đến.

Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân và từ 2-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô không thực hiện đăng ký sang tên chuyển chủ theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.

Hiệu lực xử phạt đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô được áp dụng từ ngày 1/1/2015. Trong khi đó, thời điểm xử phạt đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô từ ngày 1/1/2017. Việc xử phạt theo Nghị định 171 được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gây hậu quả mức nghiêm trọng trở lên và thông qua công tác đăng ký xe.

Châu Như Quỳnh (thực hiện)
nhuquynh@dantri.com.vn