1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Phát hiện loài Voọc xám ở vườn quốc gia Pù Huống

(Dân trí) - Trong lúc đi tuần tra khu vực Khu BTTN Pù Huống, cán bộ của vườn đã phát hiện tiếng kêu của loài Voọc xám đang sinh sống tại đây. Sau khi phát hiện, cán bộ Khu BTTN đã tiến hành ghi âm tiếng kêu để điều tra loài Voọc xám quý hiếm này.

Phát hiện loài Voọc xám ở vườn quốc gia Pù Huống  - 1
Hiện ở Việt Nam còn sót lại khá ít về loài Voọc xám này.

Ông Dương Ngọc Hùng - GĐ Khu BTTN Pù Huống xác nhận thông tin trên là có cơ sở. Theo ông Hùng, sau khi nghe tiếng kêu của con Voọc xám, cán bộ vườn đã tiến hành ghi âm lại và đang được lưu giữ tại cơ quan.
 
“Sau khi nghe tiếng kêu của con Voọc xám chúng tôi đã tiến hành ghi âm và xác định trong Khu bảo tồn đang có sự hiện diện loài Voọc xám quý hiếm này. Hiện cán bộ của Khu bảo tồn đã và đang tiến hành điều tra về việc bẫy ảnh quang học cũng như chụp ảnh thông thường của con Voọc xám này. Tuy nhiên, do Khu bảo tồn rộng lớn nên rất khó khăn trong việc bẫy ảnh cũng như chụp anh thông thường. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan cũng như người dân nếu phát hiện Voọc xám ai có điều kiện chụp được ảnh nó thì sẽ mua để tiếp tục điều tra và bảo tồn”, ông Hùng cho biết.
 
Cũng theo ông Hùng, Voọc xám (có tên khoa học là Trachypithecus phayrei crepusculus) là loài linh trưởng phân bố ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng của loài này ở nước ta không còn nhiều. Mức độ đe dọa ở bậc V (sắp nguy cấp, số lượng còn rất ít). Voọc Xám có tên trong nhóm IB (nghiêm cấm khai thác sử dụng) của Nghị định 32/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ, phụ lục I, của CITES và được xếp ở cấp nguy cấp - trong Sách đỏ Việt Nam (Bộ KHCN& MT, 2000), cấp nguy cấp - trong sách đỏ IUCN (Hilton-Taylor, 2002).
 
Riêng ở Việt Nam Voọc xám phân bố ở một số nơi như: Yên Bái (Trấn Yên, Nghĩa Lộ); Lai Châu, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phú, (Thanh Sơn), Ninh Bình (Hoàng Long), Thanh Hóa (Lang Chánh, Hồi Xuân), Nghệ An (Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn).

Trước đó, vào tháng 3/2009, các nhà khoa học thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp với Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã khảo sát tại xã Diễn Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, một xã nằm trong khu bảo tồn tồn thiên nhiên Pù Huống đã phát hiện được một đàn Voọc xám (khoảng 4 con).

Tháng 11/2010, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp tiến hành điều tra cũng ghi nhận sự tồn tại của một Voọc xám trong Khu bảo tồn. Việc phát hiện ra đàn voọc xám (Trachypithecus phayrei crepusculus) có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học, thêm bằng chứng cho thấy sự tồn tại của loài linh trưởng sắp nguy cấp này tại Khu BTTN Pù Huống tỉnh Nghệ An nâng mức độ đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn lên.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là phát hiện ban đầu chưa có thông tin chính xác về mật độ, kích thước quần thể của loài Voọc này. Để nắm được một cách khái quát về đặc điểm sinh trưởng, phát triển, số lượng, từ đó có kế hoạch hành động để bảo tồn loài Vọoc xám tại Khu BTTN Pù Huống thì cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học của Việt Nam ủng hộ cán bộ Khu trong việc này.
 
Phát hiện loài Voọc xám ở vườn quốc gia Pù Huống  - 2
Đây là một con Voọc xám bị người dân ở xung quanh Khu BTTN Pù Huống sau khi phát hiện và bắn chết vào năm 2010. Sau khi hay tin người dân bắn chết con Voọc này lãnh đạo Khu BTTN Pù Huống đã mua lại bộ lông nó với giá hơn 3 triệu đồng về để nghiên cứu.
 
Ông Hùng cũng cho biết thêm, sau khi phát hiện tiếng kêu của loài Voọc xám, lãnh đạo Khu bảo tồn đã đề xuất hoạt động “Điều tra mật độ, kích thước quần thể, tình trạng đe doạ và lập kế hoạch hành động bảo tồn loài Voọc xám Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống để tránh người dân săn bắn và giết hại nó. Ông Hùng hy vọng sẽ có nhiều người dân cũng như cơ quan chức năng liên quan ủng hộ và chia sẻ với Khu bảo tồn các thông tin, hình ảnh về loài Voọc xám quý hiếm đang có mặt tại đây.

Được biết, Khu BTTN Pù Huống nằm ở đầu nguồn của sông Cả và sông Hiếu. Địa hình chia cắt tạo nên sự khác biệt khí hậu giữa sườn Bắc và sườn Nam Pù Huống. Địa hình địa thế phong phú đã tạo nên tính đa dạng sinh học cực kỳ phong phú và có giá trị cao trong Khu BTTN Pù Huống.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống là một trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Miền tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9 năm 2007. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học đặc trưng của dãy Bắc Trường Sơn Việt Nam.

Do có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, khu BTTN Pù Huống được xem là một bộ phận của cảnh quan ưu tiên bảo tồn Bắc Trường Sơn (WWF- Chương trình Đông Dương, 2001) và trong “khu vực nhạy cảm ưu tiên” bảo vệ các loại chim (Birdlife, 2002). Các nhóm loài quan trọng, đặc trưng cho khu bảo tồn như: thú linh trưởng; thú ăn thịt, ăn cỏ lớn; chim có nguy cơ tuyệt chủng và thực vật quan trọng đã được ghi nhận trong nhiều đợt điều tra.

Các đợt điều tra, nghiên cứu về khu hệ động thực vật tại khu BTTN Pù Huống mới dừng lại ở việc thống kê thành phần loài. Chưa có nghiên cứu hướng đến việc đánh giá mật độ, kích thước quần thể và tình trạng đe dọa của các loài quan trọng. Công tác nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ và người dân địa phương về việc bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm ít được quan tâm.

Khu BTTN Pù Huống đã được Chính phủ Việt Nam ghi vào Danh mục hệ thống các khu rừng đặc dụng của nước Việt Nam tại Quyết định số 194QĐ/CT ngày 9/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Ngày 25/1/2002 UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 342QĐ/UB về việc thành lập ban quản lý Khu BTTN Pù Huống.
 
Ngày 11/7/2002UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2452QĐ/UB phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu BTTN Pù Huống thời kỳ 2002-2006. Ngày 11/8/2006 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2901QĐ/UB phê duyệt điều chỉnh, kéo dài dự án đầu tư xây dựng Khu BTTN Pù Huống thời kỳ 2006-2010.
 
Theo các quyết định trên, Khu BTTN Pù Huống có diện tích vùng lõi 49.806 ha, Ban quản lý khu bảo tồn có nhiệm vụ: Bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi khu bảo tồn, phục hồi và phát triển rừng, nghiên cứu khoa học về bảo tồn và đa dạng sinh học,tham gia phát triển kinh tế xã hội vùng đệm để giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng vùng lõi, tham gia quản lý cơ quan được giao theo quy định của nhà nước.
 
Ngày 2/2/2007 thực hiện rà soát lại 3 loại rừng theo Chỉ thị 38CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 482QĐ/UB phê duyệt kết quả rà soát 3 loại rừng trong đó vùng lõi Khu BTTN Pù Huống được phê duyệt là 40.127,7ha.
 
 
Nguyễn Duy