1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Vũ Huy Hoàng có quyền khiếu nại việc bị “phê phán nghiêm khắc”

(Dân trí) - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, với tư cách một công dân, ông Vũ Huy Hoàng có quyền khiếu nại, kiến nghị việc Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội đã “phê phán nghiêm khắc” cá nhân mình.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại cuộc họp báo.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sáng nay 23/11, trả lời câu hỏi về việc Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội “phê phán nghiêm khắc” ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương dựa trên căn cứ quy định pháp luật nào và với tư cách một công dân, ông Hoàng có quyền khiếu kiện Nghị quyết của Quốc hội hay không, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Vừa qua, với sai phạm hết sức nghiêm trọng của ông Vũ Huy Hoàng , Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, phê bình, công khai trước toàn dân vi phạm của ông Hoàng”.

Trước diễn đàn Quốc hội và tại phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội, vấn đề này cũng đã được đưa ra. Chính vì thế, sau đó Quốc hội có nghị quyết phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng về sai phạm khi làm Bộ trưởng Bộ Công Thương.

"Tuy nhiên, Quốc hội đã miễn nhiệm ông Vũ Huy Hoàng nên vừa qua trên cơ sở pháp lý, Quốc hội đã phê phán và đang giao cho Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét quy định pháp luật, tham mưu việc tiếp theo xử lý việc liên quan đến những sai phạm của ông Hoàng”-ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, với tư cách một công dân, ông Vũ Huy Hoàng có quyền khiếu nại, kiến nghị nội dung Nghị quyết nêu trên của Quốc hội.

“Nếu ông Hoàng có kiến nghị, khiếu nại thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thanh tra, kiểm tra sẽ xem xét theo thẩm quyền.

Sau khi kết thúc buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội đã trao đổi thêm với báo chí những vấn đề liên quan đến việc Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật những vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Cụ thể, ông Phúc cho biết, cơ quan bảo vệ pháp luật ở đây là cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc để tham mưu cho các hình thức xử lý tiếp theo với ông Vũ Huy Hoàng.

“Hiện vụ việc chưa kết thúc, các cơ quan vẫn đang tiếp tục làm rõ. Trong quá trình xem xét cụ thể, nếu như có vi phạm về vấn đề pháp luật thì phải xử lý”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Trước câu hỏi về việc ông Vũ Huy Hoàng vẫn đang là đảng viên, việc yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc xem xét liệu có “vướng” gì không?, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, bất kể ai vi phạm đều phải xử lý. Còn nếu là đảng viên mà vi phạm hình sự thì đương nhiên phải xem xét về mặt đảng viên.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, trong quá trình cơ quan pháp luật thanh tra, kiểm tra, điều tra, nếu thấy vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị có vi phạm pháp luật cần xử lý thì đương nhiên xem xét về mặt đảng viên.

Trước đó, Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội viết: “Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Nghị quyết cũng đồng thời yêu cầu tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vì vấn đề kinh tế

Trả lời báo chí về việc Quốc hội đã rút ra những kinh nghiệm, bài học gì sau khi quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và phải sửa đổi ngay Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Hình sự 2015 khi chưa có hiệu lực thi hành, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cuộc sống luôn phát triển và không dừng lại nên luật pháp cũng phải vận hành theo sự phát triển của đất nước. Luật pháp luôn là những cái đi trước mở đường tạo sự phát triển.

“Điện hạt nhân được phê duyệt vào thời điểm Quốc hội khóa XII, lúc ấy đưa ra rất trúng, đúng, giá dầu rất cao 100 USD/thùng nhưng bây giờ có 49-50 USD/thùng thôi. Thời điểm đó giá thành giá điện cao, nhưng bây giờ có nhiều lựa chọn, nhiều năng lượng mới như gió, mặt trời, tính giá ra thấp hơn năng lượng nguyên tử. Hôm qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nói rất kỹ tại cuộc họp báo về vấn đề này. Tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giải trình rất rõ. Cái này hiệu quả kinh tế quy định. Đất nước còn nghèo nên cần cân nhắc kỹ trước sau. Quốc hội đã bàn về cái này và đạt được sự đồng thuận rất cao, trên 92%”- ông Phúc nói.

Tuy vậy, ông Phúc thừa nhận quá trình làm luật của Quốc hội có những quy trình, có những cái cần tiếp thu ý kiến trong quá trình hoàn thiện hơn.

Trước câu hỏi về việc Việt Nam có xem xét đàm phán lại TPP sau khi Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng sau khi Chủ tịch nước trở về từ hội nghị APEC (tổ chức tại Peru) sẽ có báo cáo Quốc hội và Quốc hội sẽ có xem xét cụ thể vấn đề này.

Thế Kha - Quang Phong