1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

Những uẩn khúc sau dự án Kumho Sài Gòn

(Dân trí) - Một dự án nằm ở vị trí đẹp nhất TPHCM, gần 10 năm hoạt động không đem lại hiệu quả, nhưng điều khó hiểu là thay vì bị thu hồi để giao cho doanh nghiệp khác có năng lực thì nguồn tài nguyên “béo bở” này lại dễ dàng được chuyển nhượng 100% cho phía nước ngoài.

Ngày 06/7/2005, UBND TPHCM ban hành văn bản số 3974/UBND-DA “chấp thuận về nguyên tắc cho các bên Việt Nam được chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong Liên doanh Kumho Sài Gòn cho bên nước ngoài là Tập đoàn Kumho với mức giá 38.852.800 USD để chuyển thành Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài”.

 

Sau văn bản này, dư luận từ các nhà đầu tư trong nước băn khoăn không hiểu tại sao một dự án hết sức quan trọng, nằm ngay trung tâm thành phố nhưng gần 10 năm không hoạt động hiệu quả vẫn được đồng ý cho chuyển sang 100% vốn nước ngoài dễ dàng như vậy?

 

Thông tin về dự án và vụ chuyển nhượng không được phép tiết lộ !

 

Đây là dự án xây dựng khu liên hợp khách sạn, trung tâm hội nghị, văn phòng, căn hộ, cửa hàng vui chơi giải trí và công trình phụ trợ trên diện tích 16.000 m2 tại 39 Lê Duẩn (Q1 TPHCM) của Công ty liên doanh Kumho Sài Gòn (Gồm Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty phát triển và dịch vụ nhà quận 1 và Tập đoàn Kumho, Hàn Quốc).

 

Dự án này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư số 1601/GP ngày 19/6/1996, tính đến nay đã gần 10 năm, nhưng các nhà đầu tư vẫn “án binh bất động”, gây nên một sự lãng phí lớn tài nguyên của Nhà nước.

 

Theo bản đồ địa chính, dự án này nằm ở một trong những vị trí đẹp nhất của TPHCM, với 4 mặt tiền là những tuyến phố chính của Sài Gòn. Từ vị trí đắc địa này, nếu đầu tư một khu liên hợp khách sạn, cao ốc, vui chơi giải trí... chắc chắn sẽ thu được nguồn lợi lớn cho TP, giá trị sử dụng tài nguyên đất sẽ tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế dự án đã không được triển khai như thiết kế ban đầu.

 

Sau khi dự án liên doanh Kumho Sài Gòn được phê duyệt năm 1996, theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ phải góp vốn vào liên doanh để triển khai dự án. Thế nhưng, sau gần 10 năm người ta vẫn chưa nhìn thấy hình hài của khu cao ốc này, mặc cho thị trường bất động sản và xây dựng ngày một trượt giá.

 

Lý giải vì sao dự án sau 10 năm vẫn chưa được triển khai, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó phòng hành chính - Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho biết: “Dự án này được phê duyệt năm 1996, theo kế hoạch sẽ phải triển khai ngay. Tuy nhiên,

 

Những uẩn khúc sau dự án Kumho Sài Gòn - 1
 

Phòng trà ca nhạc M&Tôi, chiếm một
góc đất dự án đang "làm ăn"
khá hiệu quả.

cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các bên tham gia liên doanh lúc bấy giờ. Phía đối tác Hàn Quốc là Tập đoàn Kumho cũng đành phải dừng lại giữa chừng vì cuộc khủng hoảng.

 

Thời gian sau, Liên doanh đã thống nhất lấy mặt bằng cho thuê lại để đỡ lãng phí và có thêm kinh phí hoạt động. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và Công ty phát triển nhà quận 1 góp vào liên doanh chủ yếu là thương quyền, tức là quyền sử dụng, kinh doanh trên mảnh đất đó”.

 

Ngay sau khi dự án Kumho Sài Gòn “rục rịch” chuẩn bị chuyển nhượng cho Tập đoàn Kumho Hàn Quốc, nhóm phóng viên chúng tôi đã tiếp cận nguồn tin này. Tuy nhiên, mọi sự cố gắng đều được trả lời bằng những lời từ chối khéo léo. Các đối tác trong dự án liên doanh đùn đẩy cho nhau, còn cơ quan chức năng thì đùn đẩy sang UBND TPHCM.

 

Ngày 12/7/2005, chúng tôi liên hệ với Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 qua điện thoại ... thì được giới thiệu sang Tổng công ty Du lịch Sài Gòn: “Mọi thông tin các anh cứ hỏi bển. Chúng tôi đã giao hết cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn rồi” - “Xin anh cho phóng viên gặp 5 phút” - “Một phút cũng không được, chúng tôi không thể cung cấp được thông tin gì cho các anh cả”.

 

Chúng tôi tìm đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP với hy vọng sẽ tìm được một lời giải đáp. Đồng chí phụ trách văn phòng của Sở này đề nghị chúng tôi để lại nội dung yêu cầu và câu hỏi để bố trí người trả lời.

 

Ngay buổi chiều hôm đó (12/7), ông Lương Thanh Phong, Trưởng phòng Doanh nghiệp nước ngoài - Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, thông báo qua điện thoại: “Theo công văn số 349/TB-VP ngày 09/6/2005 của Văn phòng UBND TP thông báo kết luận của Chủ tịch

 

Những uẩn khúc sau dự án Kumho Sài Gòn - 2
 

Mặt tiền dự án nhìn từ góc đường
Lê Duẩn.

UBND TP yêu cầu các báo, đài hạn chế đưa tin về Dự án liên doanh Kumho Sài Gòn, cho đến khi có kết luận chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vì thế, chúng tôi cũng không thể cung cấp bất cứ thông tin gì về dự án Kumho Sài Gòn cho nhà báo.”.

 

Xây dựng cao ốc, nhà đầu tư trong nước “thất thủ” trên sân nhà?

 

Qua khảo sát sơ bộ, hầu hết các toà cao ốc, khu liên hợp vui chơi giải trí hiện nay ở các thành phố lớn đều thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không khó lý giải bởi trước đây năng lực của các nhà đầu tư Việt Nam chưa đủ mạnh để với tới những công trình có mức đầu tư lớn, thời hạn đầu tư kéo dài và thu hồi vốn chậm như những dự án này.

 

Riêng ở Hà Nội và TPHCM, cứ 10 toà nhà chọc trời thì có đến 9 là do nhà đầu tư nước ngoài xây dựng. Dự án Kumho Sài Gòn dường như cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, nó khác các dự án khác là mặc dù đã được cấp Giấy phép đầu tư từ gần 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. 

 

Như vậy, so với những dự án đầu tư nước ngoài khác, Liên doanh Kumho Sài Gòn đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Giá trị khai thác và sử dụng đất của dự án rất thấp, trong khi giá trị thực tại khu vực này đã vượt qua gấp nhiều lần giá trị tại thời điểm năm 1996. Với 16.000 m2 đất tại trung tâm thành phố nhưng không được đầu tư có hiệu quả sẽ là một sự lãng phí lớn tài nguyên của Nhà nước. Vì vậy, việc khởi động lại dự án này là một điều hết sức cần thiết.

 

Tuy nhiên, sau khi Tổng Công ty du lịch Sài Gòn có văn bản gửi Bộ Kế hoạch đầu tư đề nghị chuyển toàn bộ dự án xây dựng tại 39 Lê Duẩn cho Tập đoàn Kumho Hàn Quốc với mức chuyển nhượng là 38,8 triệu USD, thời hạn hợp đồng thuê đất 50 năm, đã khiến không ít nhà đầu tư trong nước sửng sốt.

 

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao một dự án kéo dài gần 10 năm nhưng không được triển khai mà không bị thu hồi? Tại sao hiện nay nhiều nhà đầu tư trong nước đã đủ

 

Những uẩn khúc sau dự án Kumho Sài Gòn - 3
 

Mặt tiền dự án nhìn từ góc đường
Hai Bà Trưng.

năng lực để gọi vốn đầu tư những công trình như dự án này thì chúng ta lại vội vàng “chuyển ngang” cho đối tác thành Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài? Điều này đã đi ngược lại với Nghị quyết 09/2001/NQ-CP của Chính phủ Về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài: “Đối với các dự án chưa triển khai và không có triển vọng thực hiện, kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư, dành địa điểm cho các nhà đầu tư khác.”

 

Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên báo Khuyến học&Dân trí, ông Sơn cho biết: “Dự án trước đây là xây dựng cao ốc, khách sạn, trung tâm hội nghị và văn phòng cho thuê kèm theo các công trình phụ trợ và vui chơi giải trí khác. Nay các bên liên doanh thống nhất chuyển nhượng toàn bộ cho Tập đoàn Kumho Hàn Quốc, nếu được phê duyệt thì họ có thể triển khai thêm nhiều hạng mục khác, miễn là được Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chính phủ đồng ý.”

 

Ông Sơn cho biết thêm: Thực ra những năm trước đây để làm được một dự án như Kumho Sài Gòn thì Tổng công ty Du lịch Sài Gòn không thể kham nổi; nhưng với thực lực hiện tại của Tổng công ty, những dự án như vậy là trong tầm tay.

 

Được biết, vướng mắc hiện nay là dự án liên doanh này có sự ký kết tay ba giữa các đối tác từ trước, nay giá trị đất tại khu vực này đã thay đổi nên không ai chịu rút lui. Và giải pháp chuyển nhượng phải chăng là cách rút lui êm thấm nhất, vì ai cũng được lợi?

 

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này trong các bài viết tiếp theo.

 

Trần Đức

Dòng sự kiện: Kumho Sài Gòn