1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những người đi xây bờ cõi

(Dân trí) - “Đảo của mình, biển của mình, chủ quyền Tổ tiên mình xác lập thì mình phải giữ lấy chứ. Lúc đó nếu Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo, chúng tôi bằng búa, bằng xẻng, bằng bất cứ thứ gì trong tay cũng quyết sống mái một phen, không thể để chúng trắng trợn cướp đảo, cướp biển của ta được”, cựu binh Lê Trọng Phiệt khẳng khái.

Cựu chiến binh Ngô Xuân Nam kể về những ngày xây dựng nhà khung sắt ở đảo Len Đao sau sự kiện ngày 14/3//1988.
Cựu chiến binh Ngô Xuân Nam kể về những ngày xây dựng nhà khung sắt ở đảo Len Đao sau sự kiện ngày 14/3//1988.

Sau sự kiện ngày 14/3/1988, trên các đảo, các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa diễn ra một cuộc chiến đấu. Cuộc chiến không có tiếng súng nhưng là cuộc chiến không kém phần cam go, quyết liệt và đầy hiểm nguy để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Và tôi gọi những người lính công binh hải quân đi xây đảo thủơ ấy là những người đi xây bờ cõi.

Cựu chiến binh Ngô Xuân Nam (trú xã Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An) nguyên là chiến sỹ quân y thuộc đại đội 8, tiểu đoàn 3, trung đoàn 83 Quân chủng Hải quân. Dù là lính quân y nhưng ông đã có những tháng ngày nơi đầu sóng ngọn gió vào thời điểm Trường Sa sôi sục cuộc chiến bảo vệ chủ quyền. “Sau sự kiện ngày 14/3/1988 chúng tôi được lệnh chuyển từ bán đảo Sơn Trà (nơi đơn vị đóng quân) vào Cam Ranh. Sau đó, đơn vị chia làm nhiều tổ, nhận nhiệm vụ ra khơi, tham gia xây dựng các nhà khung sắt ở các đảo”, cựu binh Ngô Xuân Nam nhớ lại.

Con tàu chở Ngô Xuân Nam cùng đồng đội ra nhận nhiệm vụ tại đảo Len Đao. Chặng đường ra đảo, tàu liên tục phải chịu sự uy hiếp của tàu Trung Quốc. “Tàu họ tàu lớn, tàu mình bé hơn. Tàu của chúng tôi “được” 2 tàu có trang bị vũ khí của Trung Quốc “hộ tống”. Tàu lớn nên sức đè sóng lớn, họ kẹp hai bên là sóng đánh tàu mình trùng triềng, dạt ra. Ra gần đến đảo, tàu phải neo lại để vận chuyển vật liệu lên bờ, tàu Trung Quốc lượn lờ xung quanh. Bên ta phát loa yêu cầu họ rút tàu khỏi vùng biển đảo chủ quyền của mình nhưng họ vẫn tiếp tục cho tàu lượn xung quanh đảo để uy hiếp”, ông Nam kể.

Linh công binh hải quân Lê Trọng Phiệt, người đã tham gia xây dựng lô cốt, nhà khung sắt ở đảo Phan Vinh, Thuyền Chài.
Linh công binh hải quân Lê Trọng Phiệt, người đã tham gia xây dựng lô cốt, nhà khung sắt ở đảo Phan Vinh, Thuyền Chài.

Nhà khung được dựng bằng sắt, thép nên nhiệm vụ khó khăn nhất là chuyển những trụ bê tông, thanh thép cỡ lớn từ tàu lên đảo. Trong khi đó phương tiện vận chuyển vật liệu chỉ có xích sắt, dây thừng và xuồng cao su. Thủy triều lên thì vận chuyển vật liệu lên đảo, thủy triều xuống, bãi cát lộ ra thì lên đảo dựng khung nhà.

“Khó nhất là chuyển trụ giàn bằng bê tông trên tàu xuống. Cứ 4 người dòng một trụ, thả từ từ khối bê tông nặng cả mấy tạ từ boong xuống xuồng, cẩn thận nhích từng tý vì sơ sẩy là cả khối bê tông rơi xuống biển mất hút hoặc thả mạnh tay thì xuồng cũng chìm luôn. Lúc đó chúng tôi chỉ được phát cờ lê, búa, xẻng… chứ không được trang bị vũ khí khi lên đảo. Bởi vậy nếu Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo thì xác định 1 sống 1 chết với chúng”.

Trong quá trình dựng khung sắt, một thanh sắt rơi xuống chân khiến Ngô Xuân Nam bị gãy xương bàn chân. 1 tuần sau, công trình hoàn thành, Ngô Xuân Nam được đưa vào điều trị tại Bệnh viện quân y Phú Khánh (Khánh Hòa), cuối năm thì ra quân.

Cùng đại đội với ông Ngô Xuân Nam nhưng tổ của ông Lê Trọng Phiệt (SN 1965, trú tại xã Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An) nhận nhiệm vụ xây dựng ở đảo Phan Vinh (thuộc quần đảo Trường Sa). Cựu binh Lê Trọng Phiệt nhớ lại: “Ngày mùng 2 Tết tôi được về phép nhưng do tình hình cấp bách nên được lệnh quay lại đơn vị ngay. Khi sự kiện Gạc Ma xảy ra, chúng tôi ở chế độ trực chiến 100% rồi được lệnh ra khơi, xây dựng lô cốt, nhà khung, các chiến hào ở đảo Phan Vinh.

Những ngày đó cả nước đang sôi sục hướng về Trường Sa nên chúng tôi không thiếu thốn chi cả nhưng luôn bị tàu Trung Quốc có vũ trang theo sát. Chúng không nổ súng nhưng cho tàu lượn lờ xung quanh uy hiếp tàu của ta hay các đảo mà ta đang xây dựng khẳng định chủ quyền”.

Những người lính công binh hải quân không được trang bị vũ khí nhận nhiệm vụ xây dựng các công trình quân sự trên đảo với một ý chí thép bởi lúc này, đối mặt với khó khăn trong việc vận chuyển, xây dựng công trình là tàu Trung Quốc có vũ trang thường xuyên uy hiếp, sử dụng loa phóng thanh để tuyên truyền, ngông cuồng cho rằng những đảo, những bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền của chúng. Tình hình căng thẳng trên biển, trên mặt trận ngoại giao buộc những người lính xây đảo phải triệt để thực hiện chỉ đạo hết sức kiềm chế, không để xảy ra các hành động khiêu khích. Cùng với đó là chạy đua với thời gian để hoàn thành công trình quân sự.

“Lúc đó lực lượng của ta ở trên biển không thể bằng với lực lượng của Trung Quốc, kể cả quy mô tàu. Tàu ta liên lục phải thực hiện chiến thuật ngụy trang. Trong thời gian ngắn, vượt khó khăn, vượt sóng gió, vượt nguy hiểm rình rập, những khung giàn cao ba bốn mươi mét được dựng lên, trên mỗi khung nhà có cả ụ pháo, có nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt… Các công trình sau khi hoàn thành được bàn giao cho các đơn vị chiến đấu của lực lượng Hải quân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo”, ông Phiệt kể.

Nếu Trung Quốc cho lính đổ bộ lên đảo, chúng tôi sẽ 1 sống, 1 chết với chúng.
"Nếu Trung Quốc cho lính đổ bộ lên đảo, chúng tôi sẽ 1 sống, 1 chết với chúng".

“Không được trang bị vũ khí, nếu Trung Quốc cho lính có vũ trang đổ bộ lên đảo thì làm thế nào?” – tôi hỏi. Người cựu binh khẳng khái: “Đảo của mình, biển của mình, chủ quyền Tổ tiên mình xác lập thì mình phải giữ lấy chứ. Lúc đó nếu Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo, chúng tôi bằng búa, bằng xẻng, bằng bất cứ thứ gì trong tay cũng quyết sống mái một phen, không thể để chúng trắng trợn cướp đảo, cướp biển của ta được”.

Xây xong công trình ở đảo Phan Vinh, con tàu chở Lê Trọng Phiệt cùng đồng đội lại chuyển đến xây dựng công trình quân sự trên đảo Thuyền Chài. Mỗi công trình xây dựng trên đảo là một cuộc chiến thầm lặng nhưng quyết liệt, cam co và hiểm nguy. Vượt qua tất cả, những người lính công binh của lực lượng hải quân Việt Nam góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc giữa trùng khơi.

Hoàng Lam