1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngập lụt Chương Mỹ: Hà Nội sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất

(Dân trí) - Mực nước sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ tiếp tục dâng cao và TP Hà Nội đã sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ngay cả việc di dời khoảng 14.000 hộ dân ra khỏi vùng phân lũ.

Chiều tối 30/7, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đi kiểm tra đê tả sông Bùi, nằm trên địa bàn xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, từ ngày 18/7 đến 22/7 trên địa bàn huyện có mưa to và rất to. Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt là 7,5m ngày 30/7, trên báo động III 0,5m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m.

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đi kiểm tra đê sông Bùi chiều ngày 30/7
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đi kiểm tra đê sông Bùi chiều ngày 30/7

Lũ rừng ngang đã tràn qua các khu vực Tân Mai, Bùi Xá của thị trấn Xuân Mai; Xuân Linh, Bùi Xá của xã Thủy Xuân Tiên. Nước dâng cao đã làm tràn nhiều đoạn của đê Hữu Bùi, làm ngập đê Bùi 2, gây ngập úng cho hầu hết diện tích canh tác ở vùng Hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng Tả Bùi – Hữu Đáy.

Nước đã tràn vào 2349 hộ của 10 xã, thị trấn, trong đó các thôn, xóm, khu dân cư bị ngập sâu là Bùi Xá – Thị trấn Xuân Mai; Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn – xã Nam Phương Tiến… Các thôn Yên Trình, Thuận Lương – xã Hoàng Văn Thụ bị cô lập.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua kiểm tra hiện trường cho thấy, công tác bảo đảm an ninh trật tự, đời sống người dân cũng như công tác chống tràn đê của huyện Chương Mỹ tại khu vực đê tả sông Bùi đúng kỹ thuật và tinh thần khẩn trương.

Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh về thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận rằng việc nước lên do xả lũ hồ Hòa Bình. “Nước lên không phải do xả lũ hồ hòa bình, hiện nay hồ hòa bình đóng toàn bộ các cửa xả, đây là tình huống do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về. Đây là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra, năm nay lại tiếp tục xảy ra”, Tổng Cục trưởng Trần Quang Hoài khẳng định.

Tổng Cục trưởng cũng đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hiện trường là kiên cố bờ tả, bởi nếu có sự cố ở đây gây thiệt hại lớn về đời sống và kinh tế.

Hiện nay, Đồng bằng sông Hồng bắt đầu đợt lũ chính vụ, Tổng cục trưởng đề nghị Chi cục đê điều Hà Nội tăng cường các lực lượng tuần tra canh gác và chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Chương Mỹ, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, nhân dân đã nhận thức được rõ các tình huống trong vùng phân lũ, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, khi lũ dâng cao thì có hơn 1.000 hộ bị ngập sâu.

Chủ tịch UBND TP đề nghị huyện và các xã phân công trực 24/24 trên các tuyến đê bằng bộ đàm. Bộ tư lệnh và Công an TP cung cấp xuồng cứu hộ và đèn pin và công tác hậu cần cho lực lượng túc trực.

Ông Chung yêu cầu lực lượng công an, Bộ tư lệnh Thủ đô tăng cường tuần tra để bảo vệ tài sản cho người dân, đảm bảo không mất cắp

Kết lại buổi làm việc, Chủ tịch TP cho biết, theo dự báo, đêm 30/7 và sáng 31/7, mực nước sông Bùi mới lên đỉnh điểm. Do vậy, ông Chung đề nghị lực lượng chức năng của TP phải chuẩn bị để ứng phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Một mặt ông Chung cho biết, TP sẽ cung cấp thêm 10.000 bao cát để lực lượng của huyện triển khai khẩn trương đắp bờ đê cao thêm 50cm ngay trong đêm nay. Kế hoạch này nhằm giữ cho mực nước sông Bùi không tràn vào bên tả.

“Để phòng ngừa trường hợp xấu nhất là có mưa to và lũ lớn thì phải chuẩn bị phương án sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân nằm trong vùng phân lũ. Chúng ta phải tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tai nạn đáng tiếc nào xảy ra”, ông Chung nói.

Quang Phong