“Không phân biệt ô tô nhập khẩu hay lắp ráp trong nước”

(Dân trí) - Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khánh thành nhà máy Thaco Mazda tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam sáng 25/3. Cùng dự lễ khánh thành có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda có công suất 100 ngàn xe/năm với vốn đầu tư 12 ngàn tỷ đồng. Sau đúng 1 năm xây dựng và lắp đặt thiết bị, nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 50 ngàn xe/năm. Đây là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á, đạt chuẩn toàn cầu của Mazda Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Nhà máy Thaco Mazda được quy hoạch trong phân khu các nhà máy lắp ráp ôtô thuộc Khu Công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải. Nhà máy có diện tích hơn 30ha, trong đó có hơn 17ha nhà xưởng.

Nhà máy được chuyển giao công nghệ hoàn toàn mới với tiêu chuẩn cao cấp của Tập đoàn Mazda, đáp ứng yêu cầu chất lượng của sản phẩm thế hệ mới của Mazda toàn cầu theo hướng ít tiêu hao nhiên liệu, sử dụng năng lượng điện và thân thiện với môi trường.

Nhà máy áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất và bàn giao theo yêu cầu của khách hàng, đúng với tinh thần của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng cùng lãnh đạo Bộ, ngành, trung ương và địa phương cắt băng khánh thành nhà máy ô tô Thaco Mazda
Thủ tướng cùng lãnh đạo Bộ, ngành, trung ương và địa phương cắt băng khánh thành nhà máy ô tô Thaco Mazda

Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tập đoàn Thaco và Tập đoàn Mazda Nhật Bản đã hoàn thành cam kết xây dựng nhà máy sản xuất xe Mazda hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn, đánh dấu sự phát triển của Thaco và Quảng Nam. Đánh giá cao hợp tác thành công giữa Mazda và Thaco thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, điều này đóng góp vào sự hợp tác Việt Nam – Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu.

Thủ tướng cũng đánh giá cao đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Thaco đã làm chủ công nghệ để sản xuất sản phẩm theo công nghệ mới chất lượng tương đương sản phẩm của Mazda tại Nhật Bản. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc tạo niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam về xe ô tô sản xuất trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

“Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm đối xử với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô là bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp để tạo sự công bằng giữa ô tô sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Dĩ nhiên, tôi xin khẳng định rằng, việc bảo vệ sản xuất trong nước cũng phải đúng với các thông lệ, các cam kết hợp tác quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Dây chuyền lắp ráp tự động xe Mazda
Dây chuyền lắp ráp tự động xe Mazda

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành ô tô Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào khu vực ASEAN ngay đầu năm 2018 với thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm về 0%. Cùng với đó là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những cơ hội cũng như những thách thức lớn đối với đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo xu thế thế giới.

“Trong xu thế ấy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư lớn, bài bản, quyết tâm tạo ra thương hiệu và có chất lượng sản phẩm cao, đáp ứng yêu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu” Thủ tướng phát biểu.

Để nhà máy Thaco Mazda vận hành hiệu quả và an toàn, Thủ tướng đề nghị Thaco cần có kế hoạch cụ thể để phát triển hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Mazda Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, đặc biệt sản xuất các linh kiện, phụ tùng để ngày càng có nhiều sản phẩm linh kiện ô tô được sản xuất tại Việt Nam; đồng thời tiếp tục hỗ trợ Thaco sớm hoàn thành giai đoạn 2 của Nhà máy, đạt công suất thiết kế 100.000 xe/năm, theo đúng cam kết.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô và tăng cường kiểm soát chất lượng ô tô ở Việt Nam; hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, tăng cường kiểm soát nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN theo hiệp định thương mại và hàng hóa ASEAN, bảo đảm đáp ứng các điều kiện được hưởng thuế suất 0% đúng quy định của pháp luật.

Cũng trong sáng 25/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương đã cắt băng khai trương tuyến hàng hải quốc tế Nhật Bản - Chu Lai và đón chuyến tàu đầu tiên của hãng APL cập cảng Chu Lai.

Hãng tàu APL thuộc tập đoàn đa quốc gia CMA đến từ Pháp, là một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới,có mạng lưới hoạt động trên toàn cầu. Chuyến tàu đầu tiên vận chuyển lô hàng linh kiện thiết bị xe ô tô trực tiếp nhập từ Hiroshima - Nhật Bản, đáp ứng kịp thời tiến độ sản xuất của Nhà máy ThacoMazda.

Hàng hóa tàu vận chuyển đến Chu Lai gồm linh kiện, phụ tùng các dòng xe Mazda, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và lắp ráp ô tô cho nhà máy Thaco Mazda và nguyên vật liệu phục vụ cho KCN cơ Khí ô tô Chu Lai Trường Hải; tần suất khai thác: 1 chuyến/tuần, với sản lượng Thaco đăng ký tương ứng 400-600 TEUs/tuần.

Trong năm qua, Thaco cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm 173m cầu cảng, nâng tổng chiều dài cầu cảng hiện nay gần 500m và có năng lực tiếp nhận cùng lúc 3 tàu trên 20.000 tấn, với công suất 3 triệu tấn/năm.

Hiện nay, cảng Chu Lai đang có các tuyến container định kỳ: Hàn Quốc – Chu Lai; Trung Quốc – Chu Lai; Nhật Bản – Chu Lai và Chu Lai – TP.HCM – Hải Phòng.

Công Bính