1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất

(Dân trí) - “Cổ vật trong di tích cũng như đồ vật sở hữu trong nhà chúng ta ở. Thiếu nó, di tích sẽ chỉ là những công trình kiến trúc đơn thuần; ngôi nhà sẽ lạc lõng, thiếu tính đặc trưng. Lúc đó, nhà cũng như di tích: sẽ không còn lưu dấu ấn…”.

Từ vụ trộm cổ vật tại lăng Khải Định vừa xảy ra rạng sáng ngày 1/12, nhà nghiên cứu văn hóa Huế nổi tiếng Phan Thuận An (tuy sức khỏe đã yếu do chứng bệnh tai biến mạch máu não) đã dành cho Dân trí một buổi nói chuyện đầy nhiệt huyết và không kém phần xót xa về số phận những cổ vật quý ở Huế.
 
Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất - 1
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế nổi tiếng Phan Thuận An nói chuyện cổ vật ở Huế

 

Kim Ngọc Bảo Tỷ - cổ vật quý nhất không còn ở Huế nữa

 

Sau nhiều biến cố về chiến tranh, cố đô Huế đã mất đi rất nhiều cổ vật giá trị nhất. Trước tiên là biến cố Thất thủ kinh đô ngày 5/7/1885 (nhằm ngày 23 tháng 5 Âm lịch). Sau khi phe chủ chiến của vua Hàm Nghi muốn đánh Pháp nhưng bại lộ, lính Pháp đã tấn công và chiếm kinh đô Huế, lấy đi khá nhiều cổ vật giá trị và các đồ vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu.

 

Trong suốt 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 Kim Ngọc Bảo Tỷ bằng vàng và bằng ngọc - chưa kể số ấn tín quý riêng được tấn phong của các vương công. Ngoài hệ thống Ngọc Tỷ của vua ra, Thái Hoàng Thái hậu (bà nội của vua), Hoàng Thái hậu (mẹ của vua) và Hoàng hậu, Hoàng phi (vợ vua) tùy thứ bậc mà sẽ có ấn vàng, ấn bạc mạ vàng hay ấn bạc. Có cả Ngọc Tỷ chế tác riêng cho từng vua sau khi qua đời mang tên vua có hình con rồng đứng ngẩng cao đầu. Loại này được thờ trước bài vị vua ở Thế Miếu.

Tháng 2 năm 1947, Pháp tái chiếm Việt Nam, cũng như Huế. Một số cung điện bị hư hại nặng, tiêu biểu như Tử Cấm Thành nằm trong Kinh thành Huế bị cháy đến 3 ngày 3 đêm. Khi quân Pháp tràn vào đã cướp đi toàn bộ những thứ quý giá nhất của triều Nguyễn, hoàng cung Huế gần như trống rỗng.

 

Cụ thể những Kim Ngọc Bảo Tỷ - là ấn của nhà vua, được làm bằng ngọc, đúc vàng, bạc hay bạc mạ vàng tượng trưng cho đế quyền, chế độ quân chủ phong kiến triều Nguyễn (gồm chúa và vua Nguyễn) ở Việt Nam - đã biến mất. Đây được xem là những cổ vật quý báu hàng đầu của Huế.

 

Tiếp đến là chiến tranh Mậu thân 1968 rồi đến 1972. Đặc biệt vào năm 1975, khi thành phố đi di tản gần hết thì giữa cảnh “tranh tối tranh sáng”, thêm một phần cổ vật nữa cũng “khăn gói ra đi”.

 

Tuy nhiên sau đó bạn bè tôi đã cho biết hàng trăm Ngọc Tỷ trên vẫn còn lưu giữ tại Hà Nội, tôi rất mừng. Vào tháng 10/2010, Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội đã khai mạc cuộc triển lãm chuyên đề “Bảo vật hoàng cung”. Tôi tuy vì sức yếu không tham dự được nhưng được bảo tàng gửi tặng cuốn sách “Kim Ngọc Bảo Tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam”.

 

Tôi đọc và được biết còn lại 85 Kim Ngọc Bảo Tỷ hiện đang bảo quản ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Hiện số lượng chính xác tôi không nắm rõ lắm, chỉ ước tính ít nhất là trên 100 chiếc. Số còn lại có thể đang lưu lạc ở Pháp, Mỹ hay các nước châu Âu. Tuy nhiên vẫn còn những Ngọc Tỷ quý giá, may mắn đang ở tại bảo tàng này như chiếc “Sắc mệnh chi bảo” nặng 8,3kg đúc năm 1827 thời Minh Mạng, chiếc “Hoàng Đế tôn thân chi bảo” nặng 8,7kg đúc cùng thời Minh Mạng. Và Ngọc Tỷ xưa nhất, quý nhất là “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” nặng 6 thoi 4 lạng 4 tiền 3 phân, đúc năm 1709.

 

Trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang còn một ít ấn triện nhưng đều là loại dùng cho các quan, không phải của vua cho nên giá trị không lớn. Riêng Ngọc Tỷ ở Huế từ lâu đã không còn cái nào nữa. Dù không còn ở Huế nhưng 85 Ngọc Tỷ cũng đang ở trên đất Việt Nam cũng là một điều đáng mừng.
 
Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất - 2
Kim Ngọc Bảo Tỷ “Sắc mệnh chi bảo” thời vua Minh Mạng (ảnh chụp lại từ sách “Kim Ngọc Bảo Tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam”)

 

Giá trị cổ vật hiện có chỉ bằng 1/10 thời xưa

 

Nếu so số cổ vật khoảng hơn 8.000 tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế với số mất đi không dấu vết cộng với số lưu lạc ở các tỉnh thành, ngoại quốc thì tôi nghĩ giá trị cổ vật Huế hôm nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với thời kỳ hoàng kim triều Nguyễn.

 

Nói thế cũng không phải là toàn bộ cổ vật ở đây là không có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Vì nếu đi vào xem tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, khách du lịch hay người bình thường trước nhiều bộ sưu tập như “cành vàng lá ngọc” “tiền cổ” “đồ sứ” “kim loại quý” … toát lên không khí vương giả hồi xưa cũng đã bị chinh phục rồi. Chỉ có những người thực sự am hiểu về cổ vật mới thấy thật sự chính xác những gì quý nhất ở Huế đã không còn nữa.

 

Một dòng “chảy máu” cổ vật khác do kẻ trộm. Giai đoạn 1975-1985, một số cổ vật quý báu làm tùy táng cho vua bị đào bới mất cắp tại các lăng ở Huế. Những năm 87-88, lăng bà Từ Dũ (mẹ vua Thiệu Trị) cũng bị mất đi chiếc mũ bằng vàng trong những ngày mưa gió cuối năm. May mắn sau đó kẻ trộm đã bị bắt giữ. Tuy nhiên cổ vật này sau đó lại được đem đi thanh lý - tôi thật sự không hiểu nổi.

 

Rồi cách đây 20 năm tại lăng Khải Định đã bị mất đi một bát nhang kim loại rất lớn do một vị khách tham quan đã đổ toàn bộ đất, nhang ra và bỏ vào túi áo ra về trót lọt (mất trong giờ tham quan), đến nay vẫn chưa tìm ra trộm…
 
Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất - 3
Lăng Khải Định - nơi vừa xảy ra vụ mất trộm hồi đầu tháng 12.

 

Chính những lần bị trộm cắp như thế và mới nhất là vụ trộm cổ vật lăng Khải Định gần đây đã làm giảm dần số lượng đồ quý báu trong di tích Huế. Dù cổ vật không còn bao nhiêu so với lúc xưa nhưng ta nên giữ chút nào được thì hay chút đó vì làm vậy chính là giữ phần “hồn” của di tích. Chính cổ vật trang hoàng trong Đại Nội và các lăng đã làm cho những tòa nhà thêm có phần nội thất sống động hơn, làm du khách dễ “cảm” hơn là đến với các di tích “trơ trọi”.

 

Cuối cùng tôi cảm thấy buồn vì không biết có phải cách nhìn nhận về cổ vật hiện tại có “tương xứng” với giá trị cổ vật có nữa hay không. Nhiều cổ vật hiện vẫn chưa có một cơ chế bảo quản hợp lý, phần nhiều nằm trong kho với những điều kiện không đảm bảo chút nào. Số còn lại bày biện cho khách xem cũng thiếu biện pháp bảo vệ kỹ trước yếu tố khí hậu khắc nghiệt, nhiều độ ẩm tại Huế và cả “nhân tai” như bị trộm cắp, đánh tráo.

 

Rất nhiều nguồn cổ vật trôi nổi ở thị trường nước ngoài cần được ban ngành, cơ quan chức năng quan tâm đúng mức hơn. Chúng ta nên tìm bằng nhiều cách để đưa cổ vật về nước khi biết được thông tin có bán cổ vật hay đấu giá trực tiếp.

 

Nhiều sự mất mát tôi thấy, mà gần đây nhất là buổi bán đấu giá bức tranh vua Hàm Nghi ở Paris (Pháp), đã thất bại. Một cổ vật Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi ngay trước sự chứng kiến của ta. Bị một tư nhân trả giá 8.800 Euro - hơn chỉ đúng 800 Euro so với giá ta đề ra - nhưng cả tỉnh chúng ta và Việt kiều Pháp không thể mua được. Rồi bức tượng con giải trải bằng vàng duy nhất rất độc đáo cao 12cm, nặng 211,7gr của vua Minh Mạng đã bị bán đấu giá thành công ở Reuil Mailmaison (ngoại ô Paris, Pháp) với giá 12.000 Euro cho những người nước khác…

 

Cổ vật trong di tích cũng như đồ vật sở hữu trong nhà chúng ta ở. Nếu thiếu đi nó, di tích sẽ chỉ là những công trình kiến trúc đơn thuần và ngôi nhà sẽ rất lạc lõng và thiếu đi tính đặc trưng. Lúc đó, nhà cũng như di tích: sẽ không còn lưu dấu ấn cho khách khi vào thăm nữa.
 

Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất - 4

Tấm sắc phong thời Khải Định của gia đình ông Phan Thuận An được đóng bằng chiếc Kim Ngọc Bảo Tỷ “Sắc mệnh chi bảo”

Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất - 5

Ngọc Tỷ xưa nhất “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” còn giữ lại ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam (ảnh chụp lại từ sách “Kim Ngọc Bảo Tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam”)

Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất - 6

Ngọc Tỷ “Hoằng Tông Tuyên Hoàng Đế chi bảo” đúc thời vua Khải Định năm 1925 nay không còn ở Huế mà đã lưu lạc ra Hà Nội (ảnh chụp lại từ sách “Kim Ngọc Bảo Tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam”)

Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất - 7

Bản viết tay duy nhất có tên “Cơ mật viện túc trình” của ông An - nội dung ghi lại việc thống kê cổ vật triều Nguyễn năm 1926 thời vua Bảo Đại.

Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất - 8

Cặp ngà voi thời Nguyễn do một Việt Kiều Pháp hiến tặng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế năm 2002.
 
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với KTS. Phùng Phu, GĐ Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế về vụ mất cắp trong lăng Khải Định ngày 1/12 vừa qua cũng như những vấn đề liên quan đến mất cắp liên tục trong quần thể di tích Huế.
 
Huế đã mất gần hết những cổ vật quý báu bậc nhất - 9

KTS. Phùng Phu, GĐ Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế

 

Xin ông cho biết các đồ vật vừa bị mất cắp trong lăng Khải Định?

 

Có mất một thùng phước sương, giá trị ước tính khoảng vài triệu. Chỉ là ước tính vì cũng như các năm trước, số tiền trong thùng cũng xấp xỉ như nhau. Về các cổ vật bị mất, chúng tôi không cung cấp được vì công an đang trong quá trình điều tra.

 

Vấn đề bảo vệ trong lăng vua như thế nào thưa ông?

 

Toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế rất rộng lớn với nhiều điểm di tích nhưng chúng tôi hiện chỉ có 200 bảo vệ. Riêng lăng Khải Định với diện tích không rộng lắm, buổi ngày có 5 người, buổi tối 3 người canh gác.

 

Các bảo vệ ở đây có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề với tuổi đời công việc từ 20-30 năm. Các phương tiện dành cho bảo vệ như bộ đàm liên lạc, chuông chống cháy nổ được trang bị đầy đủ. Riêng hệ thống khóa ở đây cực kỳ tốt, toàn là những ổ khóa hiện đại nhất.

 

Nếu không có yếu tố con người thì không thể nào mất cắp được. Dù có đề phòng, có phương tiện bảo vệ tối tân đến mấy, khi đã gặp kẻ gian có ý đồ từ trước thì mất trộm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

 

Như vậy trong vụ mất cắp này, trách nhiệm thuộc về ai thưa ông?

 

Trách nhiệm rõ ràng thuộc về từng người nào, bộ phận nào chúng tôi đã biết, tuy nhiên chúng tôi chưa nói rõ vì phải chờ phía công an có kết luận.

 

Chúng tôi bị mất ăn mất ngủ vì các vụ trộm cứ xảy ra. Trong thời gian qua, trên cả nước đều bị mất cắp cổ vật chứ không riêng gì cho Huế. Tuy nhiên ở Huế đang có nhiều vụ mất cắp chứng tỏ trộm ngày càng nhiều. Nhưng trộm cũng có nhiều loại. Ví dụ như kẻ nghiện hút chỉ lấy thùng phước sương để có tiền mặt, kẻ hám đồ cổ và thông minh hơn thì lấy cổ vật đem đi bán. Kẻ tham lam thì lấy tất cả…

 

Đại Dương (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm