1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hàng trăm phụ nữ miền núi “biến mất”: Những đứa con lai mang họ mẹ

(Dân trí) - Những đứa trẻ - kết quả của cuộc hôn nhân xuyên biên giới được đưa về Việt Nam, khai sinh theo họ mẹ. Phần lớn trong số đó được giao lại cho ông bà nuôi dưỡng, còn mẹ chúng lại rời quê hương, tiếp tục một cuộc hành trình mới.

Đưa con về cho bố mẹ già rồi lại sang Trung Quốc mưu sinh

Năm 2014, theo bạn bè rủ rê, Lương Thị Q. (SN 1994, trú bản Ang, xã Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An) cũng đi lấy chồng Trung Quốc. Một năm sau, Q. ôm bụng bầu 5 tháng trở về nhà và sinh hạ hai cô con gái.

PV Dân trí theo chân chị Lô Thị Bảo - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Ang tới các gia đình hiện có con gái đi lấy chồng Trung Quốc, sinh con rồi đưa về Việt Nam
PV Dân trí theo chân chị Lô Thị Bảo - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Ang tới các gia đình hiện có con gái đi lấy chồng Trung Quốc, sinh con rồi đưa về Việt Nam

Theo cô em gái của Lương Thị Q. thì anh rể người Trung Quốc của cô có về đây được 2 lần, sau đó thì không quay lại nữa. Chị gái của cô sang Trung Quốc làm gì cả nhà cũng không rõ.

Hai bé gái được đặt tên là Lương T.A và Lương Q.A. hiện đã được 2 tuổi. Mẹ các bé hiện đã “đi làm ăn xa”, hai bé được ông bà ngoại chăm sóc.

Hai đứa trẻ xinh xắn, bụ bẫm cứ bám riết lấy ông bà ngoại không chịu rời. Vợ chồng bà Lô Thị K., ông Lương Văn H. luôn lảng tránh những câu hỏi của chúng tôi về cuộc hôn nhân xuyên biên giới của cô con gái lớn.

Gần 70 tuổi, hai vợ chồng bà Lô Thị H. (bản Ang) vẫn tất bật như nuôi con mọn. Thực ra, đó là cháu ngoại của bà, năm nay hơn 3 tuổi. Con gái bà là Kha Thị P. theo chúng bạn sang Trung Quốc lấy chồng. Đến khi sinh con được 7 tháng thì hai mẹ con ôm nhau về. Cha đứa bé là ai, bà H. cũng không biết.

Bà Lô Thị K. 2 tay bế 2 đứa cháu ngoại được con gái đưa từ Trung Quốc về
Bà Lô Thị K. 2 tay bế 2 đứa cháu ngoại được con gái đưa từ Trung Quốc về

Con bé được khai sinh theo họ mẹ, tên là Kha Thị Ph., khá xinh xắn, da trắng, tóc cắt 3 phân như con trai. “Mẹ nó đưa về, nhờ ông bà nuôi rồi lại đi làm ăn rồi”, bà H. cho biết.

Không may mắn như hai bé T.A, Q.A hay bé Kha Thị P. đã được khai sinh, dẫu là theo họ mẹ. Đứa cháu ngoại của bà Lô Thị E. (bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, Tương Dương) hiện vẫn chưa được khai sinh.

Theo chị Lô Thị Hoa – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Na, con gái bà E. sang Trung Quốc lấy chồng rồi đưa con về cho bà ngoại nuôi dưỡng. Thỉnh thoảng mẹ của bé lại về thăm, đưa con sang Trung Quốc sinh sống, được vài tháng lại đưa về Việt Nam cho ông bà ngoại chăm sóc.

Theo thống kê của Hội LHPN huyện Tương Dương thì hiện tại trên địa bàn huyện có 27 trường hợp trẻ có bố là người Trung Quốc được đưa về địa phương và khai sinh theo họ mẹ. “Thực tế thì con số này lớn hơn, khoảng 40 trường hợp. 27 trường hợp là các cháu đã được cấp giấy khai sinh. Tất cả các cháu được đưa từ Trung Quốc về, khi khai sinh đều mang họ mẹ, ô tên của bố để trống”, bà Lô Thị Kim Oanh – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương thông tin.

Bà Lô Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương: Trên địa bàn huyện có 27 trẻ đưa về từ Trung Quốc được cấp giấy khai sinh theo họ mẹ, trên thực tế có số trẻ là con lai giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Trung Quốc được đưa về là khoảng 40 cháu
Bà Lô Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương: "Trên địa bàn huyện có 27 trẻ đưa về từ Trung Quốc được cấp giấy khai sinh theo họ mẹ, trên thực tế có số trẻ là con lai giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Trung Quốc được đưa về là khoảng 40 cháu"

Tất cả các cháu bé đều được tạo điều kiện khi làm thủ tục khai sinh và được hưởng các chế độ theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, sau khi đưa con về Việt Nam khai sinh, những người phụ nữ này để con lại cho bố mẹ già để tiếp tục cuộc mưu sinh, nhiều người trong số họ tìm cách trở lại Trung Quốc. Gánh nặng nuôi cháu lại dồn lên những người ông, người bà.

Hệ lụy khó nói hết

Thỉnh thoảng, từ Trung Quốc, những người đàn ông xin nhập cảnh vào Việt Nam, đến huyện Tương Dương tìm con. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đầy đủ giấy tờ hợp pháp theo quy định.

Trung tá Trần Phúc Tú – Trưởng Công an huyện Tương Dương cho rằng việc xuất hiện những người ngoại quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự trên địa bàn. Do vậy, lực lượng chức năng huyện Tương Dương quản lý rất chặt về vấn đề này.

Trung tá Trần Phúc Tú - Trưởng Công an huyện Tương Dương: Tình trạng phụ nữ Việt Nam trốn đi lấy chồng Trung Quốc rồi đưa con về sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự
Trung tá Trần Phúc Tú - Trưởng Công an huyện Tương Dương: "Tình trạng phụ nữ Việt Nam trốn đi lấy chồng Trung Quốc rồi đưa con về sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự"

“Với những người nhập cảnh vào địa phương với đầy đủ giấy tờ hợp lệ, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để họ thăm gặp con. Với những trường hợp không xuất trình được giấy tờ theo quy định, chúng tôi kiên quyết trục xuất khỏi địa bàn. Trên thực tế, đã xuất hiện những vụ tranh chấp con giữa người đàn ông Trung Quốc và phụ nữ người Việt Nam khi người vợ đưa con trở về địa phương”, Trung tá Tú thông tin.

Sau 2 năm đi Trung Quốc lấy chồng, giữa năm 2017, Lô Thị N. (SN 1994, trú bản Xóong Con, xã Lưu Kiền, Tương Dương) trở về Việt Nam cùng với cô con gái mới hơn 1 tuổi. Chồng N. là một người đàn ông họ Wang. Dù không quá khó khăn về kinh tế nhưng gia đình Wang quản lý cô vợ người Việt Nam rất chặt, thường nhốt trong nhà và không cho đi đâu.

Con gái của N. với người đàn ông Trung Quốc được khai sinh bên đó. Sau khi sinh con, việc quản lý của nhà chồng đối với N. có "dãn" hơn. Lô Thị N. xin đưa con về thăm nhà và ở lại luôn, không qua Trung Quốc nữa.

Bà Lô Thị H. cõng cô cháu gái đi chơi giữa trời giá rét, trong khi cháu chỉ mặc chiếc áo thun. Bé gái được đưa từ Trung Quốc về, bà không biết bố của cháu là ai. Hiện cô con gái tiếp tục đi làm ăn xa, để con lại cho ông bà chăm sóc
Bà Lô Thị H. cõng cô cháu gái đi chơi giữa trời giá rét, trong khi cháu chỉ mặc chiếc áo thun. Bé gái được đưa từ Trung Quốc về, bà không biết bố của cháu là ai. Hiện cô con gái tiếp tục đi làm ăn xa, để con lại cho ông bà chăm sóc

Sau nhiều lần gọi điện bảo vợ đưa con sang Trung Quốc không được, Wang cùng bố và người anh rể sang Việt Nam để đón con. Tuy nhiên, N. nhất định không quay trở lại Trung Quốc, tất nhiên là cô con gái cũng vậy.

“Cô N. bảo cuộc sống bên đó bị kìm hãm, ngột ngạt, tù túng và sợ bị gia đình chồng nhốt đánh nên nhất định không chịu sang. Sau khi anh Wang hứa sẽ chăm sóc con gái chu đáo, vào dịp hè sẽ đưa con sang Việt Nam thăm mẹ và “hỗ trợ” Lô Thị N. một khoản tiền, cô mới đồng ý giao con cho chồng, còn mình thì ở lại Việt Nam”, ông Vi Văn Cầu – Trưởng Công an xã Lưu Kiền cho biết.

Những đứa trẻ được đưa về từ Trung Quốc phải sống xa bố và nay hầu hết phải tiếp tục sống xa mẹ. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi những đứa trẻ này hồn nhiên gọi bà là... mẹ.

Hết nuôi con, nhiều phụ nữ huyện miền núi lại còng lưng nuôi cháu sau khi con gái lấy chồng Trung Quốc, sinh con rồi đưa về Việt Nam
Hết nuôi con, nhiều phụ nữ huyện miền núi lại còng lưng nuôi cháu sau khi con gái lấy chồng Trung Quốc, sinh con rồi đưa về Việt Nam

Đáng lẽ, ở cái tuổi được nghỉ ngơi thì nay bà Lô Thị K., Lô Thị H. vẫn phải còng lưng chăm cháu. Những đứa cháu mang một nửa dòng máu Trung Quốc nhút nhát, cứ ôm riết lấy bà. Thấy người lạ, hai bé T.A, Q.A tỏ ra sợ hãi, bám chặt lấy cổ bà. Bà K. bế hai tay hai đứa trẻ, chồng bà tất tả chạy lại, bế hộ 1 đứa. Hai người già và hai đứa trẻ bước sang hướng khác, tránh những người khách lạ…

Trời rét, bà Lô Thị H. vẫn cõng cháu đi chơi. Con bé mặc độc chiếc áo thun dài tay, môi tím tái vì lạnh. “Ông bà già rồi! Áo ấm của cháu Ph. cũng của người ta cho cả đấy, ông bà làm gì có tiền mà mua cho cháu. Được mỗi cái áo, giặt mãi chưa khô”, bà H. nói.

Hỏi con gái đưa con về rồi lại đi, có gửi tiền về cho ông bà nuôi cháu không, bà H. cười buồn lảng tránh câu trả lời… Bà chỉ biết con đi Lào làm ăn, còn làm gì, ở đâu bà cũng không rõ!

Còn nữa...

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm