1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Hàng nóng” ở chợ biên giới

Nếu thay đạn nhựa bằng đạn sắt hay viên bi xe đạp, những khẩu súng đồ chơi này có thể trở thành một vũ khí thật sự. Mặt hàng này đang lén lút xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội và TPHCM.

Trong vai người buôn đồ chơi từ Hà Nội lên săn tìm hàng "nóng", được sự bảo lãnh của một người bạn, tôi được chị Tính bán nước tại cổng Đền Thượng, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), dẫn sang chợ biên giới Hà Khẩu (Trung Quốc).

 

Cỡ nào cũng có

 

Điểm đầu tiên vào là một siêu thị 3 tầng, nằm không xa trạm kiểm soát xuất nhập cảnh của Trung Quốc. Chị Tính dẫn lên tầng 2 của siêu thị, rồi vào thẳng gian hàng của một phụ nữ người Trung Quốc tên là Xuyên.

 

Đặt vấn đề cần mua một lượng lớn súng bắn đạn nhựa mang về Hà Nội, Xuyên nhìn với ánh mắt cảnh giác. Nhưng sau khi chị Tính nói vài câu tiếng Trung, Xuyên đồng ý đi lấy mẫu hàng cho xem. Khoảng 5 phút sau chị ta quay lại, chìa cho xem bảng báo giá các loại súng. Loại rẻ nhất là 5 nhân dân tệ (1 NDT tương đương 2.000 đồng), loại đắt khoảng 60-70 NDT (120.000-140.000 đồng).

 

Xuyên tỏ ra khá thành thạo khi chỉ dẫn về "tính năng, công dụng" của từng khẩu. Chị cho biết, những khẩu súng đồ chơi này, được đặt theo tên gọi của những vũ khí trong các game bạo lực hoặc của những vũ khí có thật. Hiện chị có các khẩu như 41, 42, 45, 46, súng laser..., trong đó loại 43 đang được các cậu choai choai ưa chuộng nhất, do dễ sử dụng và giá phải chăng (khoảng 36.000 đồng).

 

Vào phía trong quầy hàng để "thử súng". Lên đạn khẩu 43, nhằm vào vỏ bao thuốc lá Vina, cách khoảng 5 mét, rồi bóp cò. Sau tiếng "búp", bao thuốc văng đi khá xa, bẹp dúm. Khủng khiếp hơn, theo lời Xuyên, khi thay đạn nhựa bằng đạn sắt hoặc viên bi xe đạp những khẩu súng này có thể gây sát thương cho động vật. 

 

Xuyên khoe, nhà chị ta thường dùng súng này để bắn, chuột "dính đạn là chết luôn". Nghe Xuyên nói súng laser khi bắn vào người có thể gây cháy da.

 

Tại cửa hàng của một thanh niên tên Cường, không mấy khó khăn để thuyết phục được anh ta dẫn vào trong kho xem hàng. Khi vào trong kho thấy choáng ngợp trước cơ man súng ống, dễ phải đến nghìn khẩu. Súng loại ngắn, nhỏ bọc trong túi nylon, súng trường AK... được tháo rời tìm bộ phận, cho vào hộp giấy có in ảnh đàng hoàng. Giá ở đây thậm chí còn "bèo" hơn ở siêu thị rất nhiều. Loại rẻ nhất chỉ có 1,5 NDT (3.000 đồng). Cùng một khẩu "K54", nhưng giá giữa cửa hàng và siêu thị chênh nhau tới hơn 3 lần.

 

Cường bảo, sở dĩ hàng của anh ta rẻ vì mua được tận nơi sản xuất và không phải chịu tiền thuê cửa hàng như siêu thị. Cường cũng cho khách hàng bắn thử khẩu AK, lần này đạn nhựa thay bằng bi xe đạp. Bắn thẳng vào bức tường và một lỗ thủng khá sâu xuất hiện sau phát súng...

 

Thấy khách có nhã ý muốn Cường tìm về một khẩu để thử xem thì Cường cười nói: "Làm sao mà tin ông được, thôi để làm ăn với nhau vài lần đã". Tuy vậy, Cường cũng chỉ cho cách "chế" súng.

 

Anh bảo, súng nhựa chủ yếu dựa vào lực đẩy của lò xo, nếu muốn bắn mạnh thì thay bằng lò xo khác khỏe hơn. Khi câu chuyện trở nên cởi mở, gạ Cường cho chụp ảnh một số hàng về làm mẫu, nét mặt anh ta bỗng sa sầm lại, yêu cầu khách ra khỏi cửa hàng. Mấy tay thanh niên bặm trợn đứng quanh đấy nhìn với vẻ mặt đầy hằm hè, chỉ chờ có "lệnh" là cho khách no đòn.

 

Quay trở lại với chị Tính và được chị đắt đi tham khảo giá thêm tại một số "trung tâm chuyên cung cấp vũ khí" nữa. Những tưởng vào thời điểm này, khi bi công an truy bắt gắt gao cánh chủ hàng phải bán dấm dúi, kỳ thực họ vẫn luôn có sẵn hàng, nếu có nhu cầu là bao nhiêu cũng có.

 

Một số chủ hàng từng bị công an thu hàng trăm khẩu súng, Cường cũng "dính" vài lần. Thế nhưng, "buôn bán mật hàng này không cần nhiều vốn mà lại bán rất chạy, nên bị bắt nhiều rồi mà vẫn cứ làm".

 

Đường đi của “hàng nóng”

 

Sau khi tìm được nguồn hàng, chị Tính dẫn đến gặp Khánh một "chuyên gia" vận chuyển hàng lậu, nhà ở bên kia cầu Cốc Lếu. Đặt vấn đề nhờ Khánh mang giúp hơn trăm khẩu súng qua cửa khẩu về Việt Nam. Anh ta tỏ ra khá chuyên nghiệp: "Nếu em muốn, anh có thể mang giúp em theo cửa khẩu, mỗi chuyến anh lấy 50.000 đồng tiền công". Khi thấy khách mua súng than thở: "Như vậy thì lâu lắm anh ơi! Làm sao trong một buổi chuyển được về Việt Nam cho em là được", Khánh tỏ ra thông cảm: "Vậy anh mang giúp em qua đường đò, nhưng nói thật, cách này không an toàn lắm đâu, bị biên phòng bắt được là mất trắng đấy. Nhưng em yên tâm, gặp anh là em may rồi".

 

Theo Khánh, có 2 cách để chuyển hàng. Thứ nhất, khi khách sang Trung Quốc lấy hàng rồi tập kết tại một điểm nào đó, anh ta sẽ cho người lội qua sông Nậm Thi (con sông chia đôi biên giới Việt Nam - Trung Quốc) tải hàng về. Khánh bảo, cách này bây giờ không khả thi, bởi nước sông đang cao, bơi qua rất nguy hiểm. Cách thứ 2 là vận chuyển bằng đường đò. Anh ta có người nhà chở đò nên có thể an tâm tuyệt đối. Khánh mặc cả, nếu muốn đưa hàng về vào ban ngày hay đêm, anh ta cũng "OK" hết, nhưng ngày thì tiền công cao hơn vì dễ bị lộ..

 

Theo cánh chủ hàng ở chợ, thời điểm này dân buôn bên Việt Nam sang lấy hàng không nhiều vì chưa "vào mùa", phải gần Tết mới đông. Nhưng lấy hàng vào thời điểm này rất thuận lợi bởi ít bị chú ý. Nhiều tay buôn dưới Hà Nội đã rục rịch sang lấy hàng, găm lại chờ khi vào mùa bán có thể lãi tới cả mấy chục lần.

 

Theo Mạnh Dương
Thanh Niên