1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp “O du kích nhỏ”

Với “o du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai, còn sống trở về trong thời bình đã là một điều kỳ diệu, vậy mà bà lại được gặp “thằng Mỹ lênh khênh” năm nào.


Gặp “O du kích nhỏ”
Bức ảnh nổi tiếng “O du kích nhỏ”
 
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi nhiếp ảnh gia Phan Thoan chụp được bức ảnh O du kích nhỏ (còn có tên Uy thế không lực Hoa Kỳ, Giải giặc lái Mỹ hay O du kích nhỏ và tên giặc lái Mỹ), nhân vật nữ trong tác phẩm được xếp vào “Trăm năm kiệt tác nhiếp ảnh Việt Nam” này vẫn nhớ như in những khoảnh khắc lịch sử. “O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai giờ đã gần 65 tuổi, quá khứ đã lùi lại rất xa nhưng ký ức hào hùng vẫn như còn vẹn nguyên.

 

“Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”

 

Không hẹn trước mà “o du kích nhỏ” ngày xưa lại có mặt tại TPHCM trong những ngày tháng 4 lịch sử này. Trong ngôi nhà của con trai ở quận Thủ Đức - TPHCM, “o du kích nhỏ” đã  “ra dáng” một người bà rất mực chu đáo và thương yêu con cháu. Nụ cười đã thanh thản trên gương mặt ở tuổi xế chiều nhưng đôi mắt của bà cứ sóng sánh khi chúng tôi nhắc lại chuyện xưa.

 

Chiến tranh đã qua từ lâu nhưng hình ảnh kiêu hùng về người nữ du kích nhỏ bé ngày nào vẫn mãi là một biểu tượng đẹp trong trái tim hàng triệu người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Bà Lai cho biết mới đây, báo chí Hà Lan cũng đã cử người về tận Hà Tĩnh để gặp lại nhân chứng sống trong bức ảnh O du kích nhỏ.

 

“Tôi thấy mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa cuộc sống. Biết bao chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến và cũng không đếm hết những người thầm lặng về lại với thời bình. Câu chuyện của tôi cũng bình thường thôi nếu so với những gian lao, mất mát của đồng đội” - bà Lai thổ lộ.

 

Bức ảnh ghi dấu lịch sử được gia đình bà Lai treo trang trọng ở phòng khách, để “mỗi lần nhìn là mỗi lần nhớ” một quãng đời sống hết mình vì lý tưởng cách mạng. Ở chiến trường ngày ấy, cô gái Kim Lai mới 17 tuổi, nhỏ thó, chỉ cao 1,47 m, nặng 37 kg nhưng cứ muốn xông pha đánh giặc. Cô gia nhập dân quân tự vệ khi không quân Mỹ mở chiến dịch càn phá cơ sở hạ tầng của miền Bắc, ngày đêm cho máy bay liên tục rải bom oanh tạc.

 

Sáng 20/9/1965, một nhóm máy bay địch ập đến tấn công khu vực cầu Đá Lậu (nay là cầu Lộc Yên, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê - Hà Tĩnh). Một máy bay Mỹ bị bắn rơi và đội dân quân phát hiện một viên phi công nhảy dù tẩu thoát. Cuộc vây bắt kéo dài đến tận 20 giờ và nữ dân quân Kim Lai đã phát hiện viên phi công, cô liền bắn súng báo hiệu cho đồng đội.

 

“Lúc ấy tôi mới vào dân quân, còn chưa thạo súng đạn nên hoàn toàn có thể bị viên phi công Mỹ bắn hạ. Thế nhưng, William Andrew Robinson đã không ra tay. Sau này gặp lại Robinson, tôi mới biết rằng lúc đó, ông không bóp cò vì nhìn thấy tôi, ông nhớ đến đứa em gái nhỏ ở quê nhà” - bà Lai hồi tưởng. Một khoảnh khắc chần chừ, lựa chọn của viên phi công đã làm thay đổi cả hai cuộc đời. “Nếu lúc ấy Robinson bắn trả, tôi đã không còn sống đến hôm nay và có thể ngay sau đó, ông cũng bị quân ta tiêu diệt” - bà Lai nhìn nhận.

 

Lúc Kim Lai trói gô được viên phi công to kềnh càng - cao tới 2,2 m và nặng 125 kg, đồng đội thấy cô quá đối nghịch với  tay lính Mỹ nên đùa nhau: “O Lai áp giải y để coi sao”. Vậy là cô gái nhỏ tuổi và cũng nhỏ con nhất đội cứ thế đi phía sau, kiêu hãnh chĩa súng giải “thằng Mỹ lênh khênh” đi bộ mười mấy cây số. Không ngờ, hình ảnh đó đã được nhiếp ảnh gia Phan Thoan ghi lại.

 

Năm 1966, bức ảnh được trưng bày trong triển lãm ảnh toàn quốc, được ngành bưu chính in thành tem, rồi trở thành tác phẩm bất hủ với những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: O du kích nhỏ giương cao súng - Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu - Ra thế! To gan hơn béo bụng - Anh hùng đâu cứ phải mày râu!

 

“Mấy năm sau đó, tình cờ tôi nhận được thư của một người bạn ngoài Bắc. Thấy con tem có in hình mình, tôi gỡ ra khoe với một anh bạn cùng đơn vị. Thế nhưng, tôi cũng dặn anh ấy đừng nói cho ai biết, xấu hổ chết!” - bà Lai nhớ lại một thời “buồn vui gì cũng hết sức hồn nhiên”.
 
Gặp “O du kích nhỏ”

Hai bức ảnh chụp cách nhau 30 năm, hai nhân vật ở thế đối đầu đã trở nên thân thiết

 

Trùng phùng và thứ tha

 

Trong ngôi nhà ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê - Hà Tĩnh, bà Lai vẫn còn giữ tấm chăn được may từ chiếc dù pháo sáng như một kỷ vật quý giá mang về từ cuộc chiến. Với bà, cuộc chiến ấy đâu chỉ có hình ảnh kiêu hùng như lúc ngẩng cao đầu áp giải viên phi công Mỹ ở cầu Đá Lậu, mà còn cả một chặng dài sau đó phải đối mặt với biết bao gian nguy mà ranh giới của sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc.

 

“Có khi chỉ vài bước chân thôi mà đã thấy đồng đội ngã xuống. Có người mới nói chuyện với nhau buổi sáng thì buổi chiều đã hy sinh. Chúng tôi hồi đó chỉ biết sống trọn hôm nay và chiến đấu hết mình, chẳng ai rõ có thể còn sống đến hôm sau không” - bà Lai rưng rưng nhắc lại.

 

Được điều về làm công tác cứu thương ở mặt trận B5 - Quảng Trị, 26 cô gái đi cùng nhau thì chỉ có 5 người đến nơi. “Những đồng đội sinh tử có nhau lần lượt ra đi, có người hy sinh ngay trước mắt tôi, chính tôi phải gạt nước mắt tất tả cáng thương đưa họ đi an táng” - bà Lai hồi tưởng.

 

Về mặt trận B5 - Quảng Trị, tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng Kim Lai cùng đội cứu thương vẫn luôn phải có mặt ở những vị trí nguy hiểm nhất để kịp thời cấp cứu, chữa trị cho các chiến sĩ. “Mặt trận không lúc nào im tiếng súng, lúc nào cũng trong tình trạng báo động, được tin có thương bệnh binh là giá nào chúng tôi cũng phải đưa các chiến sĩ về trại an toàn. Nhưng tránh sao được những cuộc càn quét, cứ chạy trong mưa bom bão đạn, chúng tôi luôn nghĩ có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Chỉ có điều, mình chết thì xong phần mình nhưng thương anh em chiến sĩ không ai chăm sóc, chữa trị” - bà Lai bồi hồi.
 
Gặp “O du kích nhỏ”
Bà Nguyễn Thị Kim Lai (O du kích nhỏ năm nào) với cháu nội ở quận Thủ Đức - TPHCM
 

 

Vậy nên, với “o du kích nhỏ”, còn sống trở về trong thời bình đã là một điều kỳ diệu, vậy mà cô còn gặp lại ông Robinson - viên phi công Mỹ năm nào. Năm 1995, đài truyền hình NHK của Nhật Bản đến Việt Nam thực hiện phóng sự về cuộc đời của nhân vật trong bức ảnh O du kích nhỏ và gia đình ông Robinson đã có mặt tại căn nhà của bà Lai ở Hà Tĩnh.

 

“Lúc gặp tôi, câu đầu tiên ông ấy nói là: “Cô vẫn chẳng lớn được bao nhiêu”! Thật ra, lúc đó tôi đã nặng 43 kg nhưng ông ấy đã tăng lên 150 kg” - bà Lai cười, kể lại. Cuộc trùng phùng trong thời bình giữa 2 người đã từng đứng ở hai đầu chiến tuyến sẵn sàng xả súng vào nhau hóa ra cũng nhẹ nhõm như nụ cười họ dành cho nhau. “Lúc đó, Robinson mới cưới vợ, tôi cũng có chồng con, cuộc sống đã yên ổn. Quá khứ dù như thế nào thì vẫn mãi là quá khứ. Chúng tôi gặp lại nhau, nhắc lại chuyện xưa như những người đã quen thuộc và xem ngày tháng cũ là kỷ niệm” - bà Lai hồn hậu.

 

Bức ảnh bà Lai chụp cùng ông Robinson trong cuộc tương phùng hôm đó cũng được bà treo trang trọng bên cạnh khung hình O du kích nhỏ. Ngắm 2 bức ảnh, chúng tôi vỡ lẽ rằng giá trị của thời gian là để người ta nhận ra nhau, hiểu thấu và gói trọn tấm lòng bằng sự tha thứ, bao dung.

 

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, niềm vui của “o du kích nhỏ” ngày nào bây giờ là sum vầy cùng con cháu - bà có 4 người con và 8 đứa cháu. “Thế hệ trẻ bây giờ khó thể hiểu hết được sự mất mát, hy sinh của thế hệ trước. Thế nhưng, tôi mong rằng những rường cột tương lai sẽ hiểu được mình có vai trò và trách nhiệm to lớn như thế nào trong việc xây dựng và cống hiến cho đất nước” - “o du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai kỳ vọng.

 

Theo Tiểu Quyên - Đăng Lê

Người Lao Động